Cập nhật: 23/11/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

 Đình Đông Đạo nằm cạnh quốc lộ 2C, gần ngã ba Tam Dương. Xưa nơi ấy thuộc xã Vân Hội, tổng Hội Hạ, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và giàu ý nghĩa văn hóa tâm linh ở thành phố Vĩnh Yên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Đình thờ Bạch Hạc Tam Giang Thống Chế Tôn Thần hay còn gọi là “Bạch Hạc Tam Giang Đại Vương” là vị thần đứng đầu trong các vị thần nước của bộ Văn Lang xưa có công lớn hộ quốc, giúp dân, đồng thời còn có công âm phù giúp các triều đại phong kiến đánh giặc ngoại xâm.Trong thần phả của đình có ghi: “Hộ quốc an dân, danh hương lưu vạn kiếp. Y thần cứu thế sáng lạn kỷ thiên thu. Đức lớn trời cho, lối sau đều hiếu nghĩa. Đạo cao đắc tặng dòng dõi có lòng tin. Có nghĩa là: Cứu nước yên dân, tiếng thơm muôn đời vạn thủa. Giúp đời thuốc thánh, rực rỡ đến ngàn thu. Đình Đông Đạo tỏ rõ linh thiêng, cho phép xã Bộ Đông được phụng thờ. Thần hãy giúp đỡ che chở, dân ta hãy kính lấy”.

Đình Đông Đạo được xây dựng theo hướng Nam, có niên đại từ thời Hậu Lê (khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII). Trải qua bao biến thiên của thời gian, đình đã qua nhiều lần trùng tu, những lần tu sửa lớn là vào các năm 1940, 1994, 2008 và 2014, nhưng đến ngày nay về cơ bản đình vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ ban đầu.

Xưa kia đình có kiến trúc hình chữ đinh, gồm 2 tòa đại đình và hậu cung. Đến năm 1988, nhân dân sửa chữa lại phần hậu cung còn lại hình chữ nhất như ngày nay. Kiến trúc chồng bồn giá chiêng, gồm 3 hạng mục: cổng đình, đại đình và hậu cung. Đình có tường bao quanh và có cổng tứ trụ, tạo dáng đẹp như ngọn bút tháp. Bên cạnh là 2 con lân, tiêu biểu cho kỹ thuật đắp nổi thời Nguyễn vừa trang nghiêm lại uy quyền, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao.

Mái đình xòe rộng ra 4 phía, kéo dài đến 2/3 chiều cao của đình song không nặng nề mà rất thanh thoát, sinh động bởi đường bờ dải gẫy khúc lượn cong cách điệu thành đầu rồng. Trên các bờ nóc, chỗ gẫy khúc đều được gắn linh vật vừa làm nhiệm vụ giữ mái đình, lại có tác dụng trang trí để giảm đi sự nặng nề, đồ sộ vốn có của đình làng.

 Đại đình gồm 3 gian 2 dĩ, có chiều dài hơn 20m, chiều hơn rộng hơn 13m, diện tích gần 34m gồm 48 cột, bao gồm cột cái, cột quân và cột hiên được kê trên những tảng đá xanh chống ẩm, được tạo hình “đầu cán cân, chân quân cờ”. Tất cả các cột đều được làm bằng gỗ tốt, đẽo tròn, bào nhẵn, dáng cột chân hơi cúp bung nở rồi thu dần lên phía đầu cột. Thượng lương làm kiểu tứ trụ, kết cấu vững trãi. Lối kiến trúc này làm cho mức đồ sộ của đình Đông Đạo vượt trội hơn hẳn các đình khác trong vùng. Liên kết ngang lòng đình trên cơ sở các cột là kết cấu vì, liên kết dọc toàn đình là hệ thống các loại xà.

 Đình Đông Đạo có gác lửng làm hậu cung được ghép với đại đình, là nơi đặt long ngài, bài vị thờ Thành hoàng, trang nghiêm mà kín đáo.

Nhìn chung, đình Đông Đạo được xây dựng với quy mô khá đồ sộ, kiến trúc đã khỏe lại đẹp. Các vì, kèo, cột, xà liên kết với nhau một cách chặt chẽ, chính xác. Đó là sự thành công chủ đạo trong việc thiết kế và thi công kiến trúc của các nghệ nhân Việt ở thế kỷ XVIII.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để thực hiện mục tiêu “tiêu thổ kháng chiến” Đảng,  Nhà nước đề ra. Năm 1947 nhân dân đã tháo rỡ toàn bộ phần mái ngói của đình Đông Đạo, với  quyết tâm không để thực dân Pháp dùng đình làng làm căn cứ đóng quân. Năm 1954 – hòa bình lập lại ở miền Bắc, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân, chính quyền và nhân dân địa phương đã tu sửa, tôn tạo lại mái đình.

Cùng với kiến trúc chắc khỏe, đình Đông Đạo còn có nghệ thuật trang trí tinh xảo, phản ánh những ước vọng của nhân dân ta ở thế kỷ XVIII, điển hình là các bức: Chạm ở hai kẻ phía trước gian giữa đình, chạm ở 2 kẻ truyền trong đình, chạm ở mái hoành…

Bức chạm ở kẻ truyền gian giữa, với chủ đề rồng hóa sen. Chính giữa bức chạm là một khóm sen lớn với nhiều lá và hoa, xung quanh là hình rồng trong tư thế  nghiêng đầu và được chạm nổi. Xung quanh bức chạm là các vân mây sóng nước khiến cho người xem có cảm giác như đang đứng trước một ao sen mênh mông tỏa ngát hương thơm.

Chạm ở các bức hoành ở đình Đông Đạo được tạo thành những hình rồng, vân mây, hoa lá sinh động. Với kỹ thuật đục chạm tinh tế, bố cục chặt chẽ, cân đối, trở thành các tác phẩm điêu khắc gỗ điêu luyện khiến cho mái đình vốn nặng nề, đồ sộ mà vẫn nhẹ nhàng thanh thoát. Bên cạnh đó, Các đầu dư ở đình Đông Đạo đều được chạm lộng biến thành hình đầu rồng chầu vào nhau khiến cho đình tăng thêm vẻ uy nghiêm sâu lắng.

Có thể nói, nghệ thuật chạm khắc ở đình Đông công phu, tỷ mỉ. Tất cả các bộ phận kê đệm đòn tay, các kẻ bẩy, kẻ truyền nối liền các cột xó, kể cả những chỗ khuất trong đình đều được đục chạm tạo thành những tác phẩm nghệ thuật có nội dung phong phú, khiến khung cảnh toàn đình càng thêm uy nghiêm. Đồng thời, thành công của nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc đình Đông Đạo còn là kiến trúc và chạm khắc ăn nhập với nhau một cách hài hòa, bổ xung hỗ trợ cho nhau. Từng bức chạm được bố trí một cách hợp lý, đúng chỗ cần thiết. Chạm trổ đẹp, cầu kỳ có sự chọn lọc nội dung phù hợp với kiến trúc, khiến cho kiến trúc đình đã khỏe lại thêm đẹp, đình tuy có dáng dấp đồ sộ nhưng không nặng nền lại như cao rộng thêm lên.

Đi đôi với kiến trúc, đền Đông Đạo còn lưu giữ được nhiều di vật mang dấu ấn cổ kính như: Án thư, lư hương, hoành phi, câu đối, đặc biệt trong đình hiện còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sắc phong cổ nhất là vào đời vua Thiệu Trị (1846), sắc phong mới nhất dưới đời vua Khải Định (1924).

Mỗi dịp xuân về, vào ngày 13 tháng giêng âm lịch hằng năm, đình Đông Đạo lại tổ chức lễ hội để ôn lại truyền thống đấu tranh dựng và giữ nước của cha ông. Đồng thời tổ chức dâng hương cầu cho “quốc thái dân an” cùng các hoạt động lễ hội đặc sắc khác. Những hoạt động đó có ý nghĩa to lớn, bồi tụ tâm linh cho người dân, khơi dậy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh giá trị văn hóa, động viên nhân dân lao động để xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh.

Có thể nói, bằng những giá trị đích thực, đình Đông Đạo, phường Đồng Tâm là những di sản văn hóa quý giá của thành phố Vĩnh Yên nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung; tuy nhiên, nhiều hạng mục công trình hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần có kế hoạch trùng tu, tôn tạo kịp thời, để di tích lịch sử văn hóa cấp Bộ giàu ý nghĩa văn hóa này không bị mai một theo thời gian.

Mong rằng cùng  với sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh nhà, sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân địa phương, trong một tương lai không xa, đình Đông Đạo, thành phố Vĩnh Yên sẽ được trùng tu, tôn tạo khang trang nhưng không làm mất đi kiến trúc cổ ban đầu, để di tích lịch sử - văn hóa này mãi là nơi sinh hoạt văn hóa  tâm linh của nhân dân và là điểm tham quan du lịch văn hóa hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc.

ST

Tệp đính kèm