Thủy - Hải sản là loại thực phẩm có hàm lượng protein cao, chứa các axít béo omega 3, nhiều canxi, kẽm rất tốt cho sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, thủy - hải sản là một trong 20 loại thực phẩm dễ gây dị ứng, ngộ độc nhất.
Những triệu chứng và nguyên nhân
Các triệu chứng của dị ứng thường là mẩn ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, mắt ngứa đỏ, tụt huyết áp, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy… Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiêu chảy là do thức ăn này lạnh, nhưng thực ra là do trong hải sản có độc tố.
Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng
Các loại: tôm, cua, ốc, cá… đều có thể nhiễm vi khuẩn. Nhiều người cho rằng nước biển mặn sẽ hạn chế vi khuẩn phát triển. Nhưng thực ra có những loại vi khuẩn ưa mặn sống được cả trong nước biển. Đáng chú ý là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, một trong những nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc thức ăn ở vùng biển. Vi khuẩn này gây ra hai loại hội chứng lâm sàng là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu kèm theo đau bụng và sốt nhẹ. Trong hải sản có thể chứa các độc tố từ tảo gây nguy hiểm cho người ăn. Độc tố tảo phycotoxins sinh sản trong các rạn san hô ven bờ, là nơi sinh sống của các loài thân mềm như: nghêu, sò, cua, tôm… Các độc tố tảo này không nguy hại đến các sinh vật biển nhưng chúng sẽ gây ngộ độc cho người nếu ăn phải. Độc tố tảo phycotoxins không bị phân hủy khi đun nấu, có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, gây liệt cơ, mất trí nhớ…
Hải sản cũng có thể nhiễm kim loại nặng như: asen, thủy ngân do môi trường ô nhiễm. Chất độc hại thường lắng đọng ở lớp bùn nên các loài sống ở tầng đáy như: ngao, sò, ốc, hến… rất dễ bị nhiễm độc. Các loài cá to cũng thường bị nhiễm độc nặng hơn do quá trình tích lũy thức ăn. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, không nên ăn các loại cá lớn như cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn, cá kình… vì hàm lượng thủy ngân tích lũy trong chúng khá lớn.
Thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho các loại virút, vi khuẩn phát triển mạnh, đặc biệt là thức ăn có nhiều dầu, đạm như hải sản nếu ôi thiu hoặc không được chế biến kỹ thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao.
Nếu loại trừ yếu tố nói trên, nếu hải sản tươi sống không được nấu chín kỹ, hoặc chỉ chín một phần cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.
Thêm một điểm cần đặc biệt chú ý là có nhiều trẻ cơ địa không thích ứng với một vài loài hải sản (tôm, cua, mực, ốc…), do vậy khi dùng thức ăn có nguồn gốc từ những loài đó cũng sẽ gây ngộ độc và dị ứng.
Khi ăn phải các loại thịt cá, hải sản có chứa dư lượng phân urê cao tới một mức nào đó, người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhiều lần... rất nguy hiểm. Còn nếu ăn phải thường xuyên, nay một ít, mai một ít, về lâu dài người ăn sẽ bị ngộ độc mạn tính, với các dấu hiệu mất ngủ kéo dài, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, giảm trí nhớ, v.v...
Nhiều người vẫn nghĩ rằng tiêu chảy là do thức ăn
này lạnh, nhưng thực ra là do trong hải sản có độc tố
Làm sao đề phòng?
Để phòng ngừa ngộ độc hải sản ở trẻ nhỏ, các bà mẹ cần phải lưu ý những điều sau:
- Hải sản mua phải tươi sống, tránh mua hải sản từ trong vùng đang bị ô nhiễm nặng.
- Tuyệt đối không ăn hải sản đã chết vì chúng có thể tiết ra chất độc.
- Đối với cá, phải làm ngay khi cá còn tươi và bỏ toàn bộ lòng ruột vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc.
- Không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường.
- Khi chế biến phải nấu chín kỹ, hải sản để đông lạnh trước khi chế biến phải rã đông, tránh tình trạng nấu chín không kỹ bên trong do chưa rã đông hết.
- Nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, nếu sau 2 giờ mới ăn cần đun sôi lại.
- Những trẻ có cơ địa dị ứng khi ăn thủy - hải sản cần cho ăn từ từ ít một, nếu có các biểu hiện dị ứng thì phải ngừng lại ngay.
ThS.BS. LÊ THỊ HẢI
Theo suckhoedoisong.vn