Cập nhật: 25/11/2016 09:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tục ngữ, ca dao, dân ca là loại hình văn học phong phú, đa dạng phản ánh muôn mặt của đời thường, của hiện thực xã hội, từ những công việc hàng ngày đến sản xuất lao động nghề nghiệp, từ đời sống vật chất cụ thể đến đời sống tâm linh và thế giới tình cảm của con người.

Bên cạnh những câu tục ngữ, ca dao, dân ca có tính phổ quát cao được lưu truyền sâu rộng trong cả nước, ta còn thấy có một bộ phận đặc biệt quan trọng, đó là tục ngữ, ca dao, dân ca của các địa phương riêng biệt, mang sắc thái từng vùng.

Trong quá trình sưu tầm tục ngữ, ca dao, dân ca ở Vĩnh Phúc, chúng tôi ghi được khá nhiều câu của riêng vùng Vĩnh Yên. Điều rất đáng tự hào là những câu này không chỉ đa số người dân Vĩnh Yên biết, mà nhiều người ở huyện khác, tỉnh khác cũng nhắc nhở đến mỗi khi nói về Vĩnh Yên.

Chúng tôi xin giới thiệu một số câu tiêu biểu để nhân dân và bè bạn xa gần hiểu thêm về Vĩnh Yên.

Trước hết, ta hãy hình dung vị trí địa lý của Vĩnh Yên:

Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn

Núi Ba Vì còn gọi là núi Tản Viên thuộc Sơn Tây cũ, vùng đất giáp giới với Vĩnh Yên xưa. Tam Đảo là dãy núi lớn đứng giữa vùng trung du phân chia Vĩnh Phúc với Thái Nguyên. Núi chạy dài 500km, có 3 ngọn là: Phù Nghĩa, Thạch Bàn và Thiên Thị. Độc Tôn là một ngọn núi hiểm trở đứng riêng ra ở phía đông Tam Đảo, thủ lĩnh nông dân khởi nghĩa thời Lê Mạt là Nguyễn Danh Phương, tức Quận Hẻo đã lập căn cứ ở đây.

Cuộc thế thăng trầm, biến cải, buồn vui đan xen, người dân Vĩnh Yên vẫn luôn luôn nhớ tới những nhân vật, những con người, những dòng họ đã góp phần tạo dựng Vĩnh Yên từ buổi sơ khai:

Họ Dương lập làng, họ Hoàng đào giếng

Câu này nói về việc lập làng Gẩu. Họ Dương về đây cư trú đầu tiên, lập ra làng. Họ Hoàng về sau vận động anh em con cháu cùng nhân dân đào giếng lấy nước ăn. Hai họ đều có công với làng.

Lúa là thứ cây lương thực được trồng ở Vĩnh Yên từ lâu đời. Các sử gia phong kiến phương Bắc ghi chép về nước ta thời Giao Chỉ (trong đó có vùng Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc ngày nay) đều ca tụng đất đai phì nhiêu, con người đã biết làm hai vụ lúa nước và trồng lúa nương rẫy, thu hoạch cao.

Một số khu đồng của thị xã Vĩnh Yên thuộc loại “thượng đẳng điền”:

Lúa đồng Oai, khoai đồng Bầu

Đồng Oai thuộc xóm Đậu, hay Long Đậu, ruộng cao hơn mặt ngườii, có nước tát thường xuyên, không sợ úng, hạn, thường cho năng suất rất cao. Đồng Bầu, người dân có tập quán trồng khoai lang. Khoai lang đồng Bàu củ to, vỏ tím, ăn rất ngon. Mãi về sau này, Vĩnh Yên vẫn được coi là vựa lúa của Liên khu X. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), gạo Vĩnh Yên đã vinh dự được tiếp tế cho các chiến trường Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ...

Vĩnh Yên còn có những sản vật nổi tiếng:

Tép đầm Vạc, lạc chợ Cói

Đầm Vạc là phần phình to của ngòi Vĩnh Yên (còn gọi là sông Cánh). Đây là dòng sông quan trọng nhất đón tất cả nước mưa Tam Đảo dồn xuống. Trước khi hệ thống nông giang Liễn Sơn hoạt động (1912), ngòi Vĩnh Yên với những đặc điểm thuỷ lượng của nó đã là phương tiện tưới nước độc nhất cho các huyện miền Nam của tỉnh. Ngòi Vĩnh Yên chảy qua địa hạt các huyện: Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên... dài trên 120km, hai đầu móc vào sườn Tam Đảo, về sau này, khoảng 1/3 con ngòi Vĩnh Yên phình rộng ra thành một cái đầm, gọi là Đầm Vạc, bao quanh thị xã Vĩnh Yên.

“Tép đầm Vạc” đây là tép dầu (có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu - bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ). Tép dầu đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng cái ngon của “đặc sản tép dầu đầm Vạc”.

Cỗ chín lợn, mười trâu không bằng tép dầu đầm Vạc

Như trên đã nói, người dân Vĩnh Yên đã cùng ông cha xưa sinh tồn và phát triển bằng nghề trồng lúa nước nên rất coi trọng việc quan sát thiên nhiên để dự đoán thời tiết:

Tam Đảo đội mũ nước lũ sẽ về

Vào mùa mưa, thấy mây đen phủ kín đỉnh Tam Đảo biết là lũ sẽ về, một luồng qua thôn Xạ Hương (xã Minh Quang), qua Thanh Lanh, Ngọc Bội (xã Trung Mỹ) theo sông Cầu Bòn, sông Bá Hạ tràn tới Hương Canh (huyện Bình Xuyên), một luồng qua Thổ Tang, Sơn Tang, Vũ Di, Vân Xuân (huyện Vĩnh Tường), rồi theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Tề Lỗ, Đồng Văn, Đồng Cương (huyện Yên Lạc), đổ vào Đầm Vạc (thị xã Vĩnh Yên).

Người Vĩnh Yên có truyền thống anh dũng dựng nước và giữ nước, có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, để lại cho thế hệ hôm nay một nền văn hoá đặc sắc - có nghĩa là người Vĩnh Yên, rất đẹp nết. Người VĩnhYên không chỉ đẹp nết mà còn đẹp người và có bí quyết làm cho người đẹp:

Những người mà xấu như ma

Tắm nước chùa Hà lại đẹp như tiên

Chùa Hà Tiên chữ là Hà Tiên Tự , thuộc địa phận xã Định Trung. Chùa thờ Phật là chính, trong chùa còn có bệ thờ “Tây Thiên Tam Đảo Sơn Năng Thị Tiêu Trụ Quốc Mẫu Đại Vương”. Chùa Hà Tiên còn có giếng nước trong và mát, nước đầy quanh năm, chỉ một sải tay là tới. Dân trong vùng kể rằng mạch của nó từ núi Tam Đảo chảy về, tắm nước chùa Hà thì người xấu cũng thành đẹp như Tiên. Có thể nước giếng chùa Hà có chất gì đó tác dụng như hoá mỹ phẩm cao cấp hiện nay chăng? Còn tôi, thiển nghĩ rằng, đến với chùa Hà cũng là về cội nguồn để được tĩnh tâm, để được nạp thêm năng lượng góp phần tạo dựng ngày mai tốt đẹp hơn, con người cũng tốt đẹp hơn.

 

ST

Tệp đính kèm