Dọc phố Hàng Đường ở Hà Nội người qua lại như mắc cửi, ồn ào, náo nhiệt. Người đi đường chẳng mấy ai để ý, trên tuyến phố sầm uất đó, có một ngôi chùa cổ tồn tại vài trăm năm nay, nơi duy nhất thờ vợ chồng quốc sư Trần Thủ Độ, vị quan đầu nhà Trần đã có công giúp vua Trần đánh thắng quân Nguyên. Đó là chùa cầu Đông, ở 38 Hàng Đường.
Mặc dù nằm ngay mặt phố Hàng Đường, nơi lúc nào cũng ồn ào người qua lại, chùa cầu Đông vẫn luôn mang vẻ thanh tịnh của chốn linh thiêng. Chùa cầu Đông khá tách biệt với nhà dân. Ngay từ lối vào cổng, khách thập phương dễ dàng cảm nhận được sự yên lặng, linh thiêng của ngôi chùa.
Chùa Cầu Đông được xây dựng từ đời nhà Lý. Năm 1010, vua Lí Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên Thăng Long là Hà Nội, về kinh đô mới nhà vua cho xây dựng nhiều đền chùa theo mẫu Hoa Lư như tháp Báo Thiên, chùa Nhất Trụ và có cả chùa Cầu Đông.
Trước kia chùa cầu Đông có tên là Đông Môn Tự. Vào đầu thế kỷ XIX, phố Hàng Đường bây giờ là đất đai của hai làng cổ. Đoạn trên là đất làng Vĩnh Hạnh, đoạn dưới là đất làng Đông Hoa Môn, ranh giới giữa hai làng này là sông Tô Lịch. Chỗ sông Tô cắt Hàng Đường có cầu đá bắc qua, tên là cầu Đông Hoa gọi tắt là cầu Đông. Vì chùa Đông Môn Tự có tên khá dài nên người dân gọi ngắn là chùa cầu Đông. Lâu dần, cái tên cầu Đông trở thành quen thuộc đối với người dân và thành tên chính tồn tại đến ngày nay.
Chùa Cầu Đông là chùa ở cửa đông thành Thăng Long, lại nằm cạnh chợ lớn nhất kinh thành lúc bấy giờ là chợ cầu Đông nên hàng ngày có hàng trăm người qua lại biết đến. Ngôi chùa trở thành chốn tâm linh của nhiều người Hà thành. Ngoài chùa có Tam quan 3 gian lợp ngói, phía sau là 3 gian thờ tổ, hai bên là hai dãy hành lang bao bọc nối liền từ Nhà tổ đến chùa, bên tả có 3 gian Thờ hậu. Trong Chính điện là gian thờ Phật, các tượng trong chùa cũng giống như phần lớn chùa ở miền Bắc, có đủ Tam thế, Di Đà, Thích Ca… Nhưng nét khác biệt của ngôi chùa này là bên cánh phải của Điện chính là kệ thờ quốc sư Trần Thủ Độ và vợ là : Trần Thị Dung. Theo tài liệu nghiên cứu về 1000 năm Thăng Long do nhà văn Tô Hoài và một nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc chủ biên thì chùa cầu Đông là chùa duy nhất ở Hà Nội thờ vợ chồng Trần Thủ Độ, người đã có công dựng nên nhà Trần cai trị đất nước gần hai thế kỷ.
Chùa Cầu Đông không chỉ là một di tích văn hóa của người Hà Nội mà còn là một cơ sở cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Trong kỷ yếu của nhà chùa còn ghi rõ “chùa là cơ sở cách mạng có hầm bí mật giúp đỡ cán bộ hoạt động, nay vẫn còn cửa hầm. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa có đào hầm cho nhân dân trú ngụ”.
Hiện chùa cầu Đông đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích văn hóa – lịch sử. Người dân Hà Nội, nhất là những người trong khu phố cổ đều rất tự hào về ngôi chùa. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu thơ:
“Danh Um thắng cảnh tại Thăng Long Cổ tích Cầu Đông giữa Cửa Đông Núi Khăn, sông Tô, cầu Nhịp Bác Đạo màu đậm nét dấu Thiền tông”.
ST