Từ tháng giêng cho đến tháng 12 hàng năm, người Sán Dìu ăn nhiều cái Tết, mỗi Tết có những món ăn mà thường ngày không có.
Tết to nhất là Tết Cả, Tết tháng giêng được chuẩn bị nhộn nhịp từ trước Tết 16 ngày và sau Tết 15 ngày, mọi việc làm đều tập trung vào ăn Tết. Người thịt lợn, thịt gà sống thiến, còn có cá to. Bánh có nhiều loại, phổ biến là bánh chưng (gù) , bánh gio…Vào dịp Tết tháng giêng, các cô gái đi lấy chồng (xa hay gần) cũng về thăm cha mẹ. Cái lễ mang theo có con gà sống thiến hoặc cái chân giò lợn, để đáp lại công ơn cha mẹ; các chàng rể mang theo chè lam, kẹo bánh đến chúc tết cha mẹ và anh em vợ.
Mâm cỗ cúng ngày 30 tết là mâm cỗ đầy đủ các món ăn, lễ lạt bánh trái thể hiện công sức lao động của toàn thể gia đình trong một năm vất vả. Mọi người chúc nhau sang năm mới có sức khỏe để làm ăn đạt kết quả cao hơn năm cũ.
Tiếp là tết Thanh Minh (sênh mênh chét) vào dịp tiết trời tháng ba. Việc ăn uống phục vụ chủ yếu tập quán tảo mộ. Có thịt lợn, thịt gà, và các món không thể thiếu là cá để cúng ở bàn thờ tổ tiên và các ngôi mộ của dòng họ. Món ăn đặc biệt trong tết thanh minh là xôi đen, một loại xôi làm bằng gạo nếp ngâm nước lá lau xau, xôi có màu đen nhánh rất thơm ngon.
Sau tết thanh minh là tết Đoan Ngọ (ngù nhọt chét) mồng 5 tháng 5. Người ta gói bánh chưng gù như tết cả. Nhà có điều kiện thì gói cả bánh gio; ngoài ra còn làm bánh trôi, rượu nếp cái. Sáng mồng 5 người ta cùng nhau ăn hoa quả như dưa gang (slúi loàng ca), mận (lý chấy), quả vải (vải thiều- dép bá chấy), quả dứa (bô mét chấy), quả xoài (bu thòi chấy)…có ý nghĩa giết sâu bọ, không cho sâu bọ có nới ẩn nấp, để mùa màng được bội thu…
Tết 14 tháng 7 âm lịch (xiết nhọt chẹt), người ta cũng tụ tập đông đủ mọi thành viên trong gia đình để tổ chức ăn uống vui vẻ, gồm thịt lợn, thịt vịt, bánh dợm, bánh gio…
Tết cơm mới (Slệch slin máy) thường ăn vào khoảng ngày 10 tháng 10 âm lịch. Người ta làm lễ cúng tổ tiên và thổ thần, có thịt lợn, thịt gà, nấu cơm bằng gạo mới và nhiều loại thức ăn như rau bí, mướp, đậu, khoai sọ nấu với thịt vịt, thịt ướp chua (đi ép nhộc), cá tôm cua ốc mới bắt về; và làm nhiều loại bánh, có bánh dầy, bánh dợm bằng gạo mới thu hoạch…
Tiếp đến là tết đông chí (tòng chị chét). Thức ăn có cơm nếp, thịt gà, thịt lợn và nhiều loại bánh nếp và bánh tẻ. Bánh nếp có bánh dợm, bánh nếp bên trong giống hình tam giác (nép cọc phồ). Bánh tẻ có bánh chưng gói bằng bột gạo tẻ nhưng nhân thịt xào hành đã chín tái.
Ở vùng người Sán Dìu, bên cạnh các loại xôi đen, xôi xanh, xôi đỏ còn một loại xôi trứng kiến, có thể xôi trứng kiến là một loại xôi đặc sản ít nơi có, thường làm vào mùa xuân mùa dễ lấy trứng kiến nhất, loại xôi này thơm ngon, béo ngậy, tăng sức khỏe cho người già và trẻ em.
Nhìn chung các món ăn truyền thống của người Sán Dìu trong các dịp lễ tết phân ra hai loại: Loại có tính chất vui vẻ và loại có tính chất buồn bã. Trong các dịp tết vui vẻ như tết cả, tết thanh minh, tết tháng bảy, mừng nhà mới…người ta làm nhiều món ăn hơn, chế biến công phu hơn, khi ăn uống vui vẻ tự nhiên, sôi nổi hơn. Còn trong các dịp lễ có tính chất buồn bã như đám ma, người ta cũng lo làm món ăn truyền thống, nhưng sơ sài qua loa đại khái cho đủ số lượng do thầy cúng yêu cầu để cúng lễ. Việc ăn uống của các thành viên gia đình và thôn bản cũng lặng lẽ, khắc khổ, thể hiện nỗi buồn của tang chủ, sự thông cảm của những người đến chia buồn.
ST