Cập nhật: 01/12/2016 08:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nấu cơm thi là một mỹ tục đã được duy trì từ hàng trăm năm nay ở phường Tích Sơn - thành phố Vĩnh Yên. Hằng năm, phường Tích Sơn vào ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán, khi không khí Tết vẫn còn nguyên vẹn với những ngọn cờ ngũ sắc, ngũ hành phấp phới, những câu đối đỏ dán trước cửa mỗi nhà và lòng người đang rộn rã khi xuân đến. Sau phần tế lễ, ngày hội làng tiếp tục diễn ra với các trò chơi: đánh đu, kéo co, đấu vật... Nhưng đặc sắc nhất và thu hút sự quan tâm của hết thảy người dự hội là hội thi nấu cơm với sản phẩm là những nồi cơm ngon không bao giờ có cháy, thơm dẻo và róc nồi một cách lạ lùng.   

Theo lệ làng, nhân ngày hội xuân, trai làng phải chuẩn bị một nồi cơm dự thi. Nồi cơm mang tên một thanh niên, nhưng lại do các bà, các cô trong gia đình và trong xóm đảm nhiệm. Mỗi nồi thống nhất nấu bằng một đấu gạo khoảng từ 1 đến 1,2 kg. Để thổi cơm dự thi, mỗi người phải mua một chiếc nồi đất mới. Cơm thổi nồi đất không pha kim khí của nồi đồng, nồi gang. Có như vậy mới giữ nguyên được mùi thơm thuần chất lúa gạo. Gạo nấu cơm cũng phải chọn gạo tám thơm hoặc dé hương, còn quá trình thổi nấu để có được sản phẩm hoàn hảo trình làng là cả sự công phu, khéo léo thành nghệ thuật của các bà, các cô ở đây.

Theo lời kể của các cụ bà ở Tích Sơn, khi nấu phải chẻ củi thật nhỏ hoặc hầm than, có một nồi nước sôi để bên cạnh. Gạo đã vo từ nửa giờ trước, để ráo nước, bớt lạnh cho khỏi trương, khi nước sôi mới đổ gạo vào, đun bằng bếp than để nồi không ám khói. Khi đổ gạo vào nước sôi, người thổi cơm phải ghế cơm cho đều tay và luôn giữ bếp than hồng cho tới lúc cơm chín. Một bí quyết của các bà, các cô ở Tích Sơn là sau khi ghế cơm, dùng một chiếc lá mít miết lên trên mặt cho mịn. Vì vậy, cơm tuy ở trong nồi mà lại mịn như cơm nắm, có thể xắt ra thành từng miếng được.

Tất cả các nồi cơm dự thi đều được đặt ở nhà tiền tế trước cửa đình. Hội đồng chấm thi gồm các cụ cao tuổi trong làng sẽ đi xem từng nồi cơm, mở vung xem bề mặt nồi cơm và nắn tay để biết độ dẻo. Các nồi được giải sẽ được dùng vào việc cúng thờ thần, các bô lão thừa hưởng và một phần biếu khách thập phương về dự hội.

Không chỉ góp phần làm cho ngày hội làng trở nên sôi nổi và hấp dẫn, tục nấu cơm thi ở Tích Sơn còn mang ý nghĩa khuyến khích việc nội trợ, bếp núc trong các gia đình. Nhờ tục lệ này, con gái các làng ở Tích Sơn đều thổi cơm rất khéo.

ST

Tệp đính kèm