Cập nhật: 02/12/2016 15:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đền Phú Đa còn được biết đến với tên gọi dân gian là đền Đá, tọa lạc trên một gò đất hình mai rùa nổi lên giữa cánh đồng nước chiêm trũng thuộc xứ đồng Giếng, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đền thờ Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường và phối thờ phụ mẫu, phu nhân ông. Đây là một di tích lịch sử - văn hóa có niên đại cách ngày nay trên 300 năm lịch sử , tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc bằng đá và văn hóa tâm linh của huyện Vĩnh Tường nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

Đền Phú Đa lúc ban đầu vốn là một ngôi tư gia, đảm nhận chức năng của một ngôi sinh từ (lập đền thờ khi còn đang sống) của danh thần Nguyễn Danh Thường, thế kỷ XVIII. Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở xã Phú Hoa, lúc nhỏ Nguyễn Danh Thường phải đi chăn trâu cho địa chủ. Trong một lần đi thả diều cùng đám bạn chăn trâu, cậu bé Thường được vị quan Thượng thư người sở tại thấy dung mạo khôi ngô, tư chất thông minh bèn nhận làm con nuôi. Lúc trưởng thành, ông được gia đình đưa về kinh thành Thăng Long để học tập, sau đó thi đỗ Tiến sĩ và ra làm quan dưới triều Lê – Trịnh. Ông được triều đình cử đi dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân trong giai đoạn này, lập được nhiều chiến công hiển hách. Nguyễn Danh Thường được vua Lê – chúa Trịnh rất sủng ái, tin dùng. Về sau được phong là “Lãng Phương Hầu, Tham mưu quan Đô đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thất thành”, trấn thủ cả một vùng rộng lớn từ Sơn Tây đến Thái Nguyên.

Đền Phú Đa được xây dựng thời vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786), qua mấy trăm năm lịch sử, đến nay chỉ qua vài lần tu sửa nhỏ, điều đó chứng tỏ độ bền của các chất liệu xây dựng cùng những tính toán khoa học, tỷ mỉ của các hiệp thợ dân gian. Người dân địa phương thường so sánh, ví von rằng:

“Bắt đền ra đền Phú Đa

Bao giờ đền đổ ta ra ta đền”

Sở dĩ đền Phú Đa có kiến trúc vững trãi như vậy là nhờ các nghệ nhân xưa đã rất thành công trong thi công kiến trúc và điêu khắc đá, nổi bật là việc xử lý nền móng, kén chọn nguyên vật liệu, thiết kế xây dựng và bố cục nội, ngoại thất, và kết hợp với vật liệu bền vững nhất.

Sáng tạo nổi bật ở công trình này là việc xử lý nền móng. Vị trí của đền ở giữa vùng chiêm trũng, giáp sông Hồng nên hằng năm (trước khi có đê bao) đều bị lũ lụt tràn qua. Để khắc phục điều đó, các hiệp thợ xưa đã gia cố nền đền và các vùng phụ cận thành một gò đất cao; khi lũ lụt – sóng xô đến, nước sẽ bị cản từ xa và sức mạnh của nước lũ sẽ bị giảm dần, khi đến đền sức nước sẽ yếu đi. Nền đền lại được tạo thành nhiều cấp: Cổng đền thấp nhất rồi đến đại bái và cuối cùng cao hơn cả là từ đường. Những bậc thềm của các tòa kiến trúc đều được lát những tảng đá xanh, vừa làm bậc lên xuống, đồng thời vừa có tác dụng kè đất và cản nước tràn vào đền. Rãnh thoát nước lại nằm giữa đại bái và từ đường được lát ba bề bằng đá xanh hình chữ U, giúp nước thoát nhanh chóng ngập lụt và xói mòn.Với những tính toán công phu, những biện pháp chế ngự mưa bão, lũ lụt tài tình như thế, đã khiến cho đền Phú Đa trải mấy trăm năm vẫn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu.

Đền có mặt bằng kiến trúc hình chữ “nhị”, gồm hai hạng mục chính là tòa tiền bái và tòa từ đường. Hai trụ biểu bằng đá được đặt trước cổng, có chạm hoa văn và khắc đôi câu đối, trên đỉnh là một phù điêu nghê hướng mặt chầu vào trong đền. Trụ biểu được dựng ngay trên trục đường chính, cao khoảng 4m làm tăng vẻ uy nghiêm và điểm nhấn về kiến trúc cho công trình. Tiếp đó là cổng đền được làm theo kiểu bít đốc, hai tầng mái dựa trên hệ khung của 4 hàng chân cột, với hai cột chính bằng gỗ lim kết hợp với cột đá đỡ mái hiên. Chầu hai bên hiên trước là đôi chó đá để canh cổng. Bước qua 4 cấp cổng đền được bó bằng đá xanh là khoảng sân rộng, hai bên có hệ thống tượng đá 10 pho: võ sĩ, ngựa đá, voi đá bố trí từng đôi đăng đối nhau, sắc thái nghiêm trang như để hộ vệ, phục vụ cho vị thần chủ, đồng thời tạo nên không gian uy nghiêm cho di tích.

Hệ thống tượng chầu này cùng với tượng hai viên thư lại ngồi chầu dưới mái hiên hậu cung rất sộng động, khiến cho người tham quan như lạc vào chốn công đường uy nghiêm hay nơi cung vua, phủ chúa xa hoa, tráng lệ.

Tiền bái và từ đường có quy mô, kiến trúc giống nhau với 5 gian mỗi tòa và được tạo dựng bởi hệ thống cột gỗ lim chắc khỏe với đường kính thân cột cái khoảng 45cm. Một đặc điểm khá đặc biệt là kiểu kết cấu của các bộ vì kèo của đền Phú Đa không làm theo kiểu chồng rường, giá chiêng như hầu hết các công trình kiến trúc tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống ở Bắc Bộ mà có kết cấu ở tất cả các bộ vì gồm: vì cổng, tiền bái hay hậu cung đều được làm theo một lối duy nhất là kiểu “kèo cọc báng”. Hai cây kèo suốt đỡ hai mái được nối từ đầu cột quân qua đỉnh cột cái và bắt chéo nhau hình “chữ V” đỡ lấy thượng lương. Thượng lương ở đây cũng không vuông vắn, hoặc hình thang như thường gặp mà là một thân gỗ to và cũng lại tạo vát “hình chữ V”. Khoảng mái từ cột quân ra cột hiên được đỡ bởi các thân kẻ. Đây là kiểu kiến trúc tương đối phổ biến của các ngôi nhà ở dân gian, dinh thự quý tộc thời phong kiến.

Đi cùng với kiến trúc độc đáo trên là hệ thống các cấu kiện gỗ như: xà, kẻ hiên, thậm chí cả các cấu kiện vốn là nơi thường được người nghệ nhân dân gian thể hiện bằng bàn tay tài hoa như: ván nong, ván gió, y môn, cửa võng cũng đều được bào trơn, đóng bén, soi gờ kẻ chỉ đơn giản, liên kết mộng sàn chặt chẽ. Điều này cho thấy vị chủ nhân ngôi sinh từ này ưu tiên chú trọng độ bền, tính vĩnh cửa của công trình. Ở đền Phú Đa còn sử dụng cả chất liệu đá xanh rắn chắc để liên kết làm xà ngưỡng, bó bậc và làm chân tảng kê cột, dùng gạch đá ong để xây tường bao không phải là sản phẩm có sẵng của địa phương.

Những chạm khắc đá ở đền Phú Đa đã phản ánh những thành công nổi bật về trình độ chạm khắc và trang trí đá thời Lê – Mạc. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc thể hiện những mảng khối và đặc tả chi tiết, giữa bố cục toàn thể với thể hiện từng bộ phận trong tạo hình. Các nghệ nhân xưa đã biết căn cứ vào chất liệu và màu sắc của đá để vận dụng trong tạo hình cũng như trang trí nội thất kiến trúc. Với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, cùng những đề tài có thật trong cuộc sống, chạm khắc ở đền Phú Đa đã tạo nên cho di tích sự trang nghiêm mà không lạnh lùng, tôn thờ các thân linh mà vẫn ấm áp hơi thở của cuộc sống con người.

Một đặc trưng nữa là đền Phú Đa có số lượng di vật, cổ vật bằng đá nhiều nhất trong các kiến trúc cổ hiện còn ở Vĩnh Phúc. Chỉ tính những di vật được đục chạm thành tác phẩm nghệ thuật thì đền đá có 48 tác phẩm. Đó là những tượng phù điêu quan lại, vệ sỹ, rồng, sư tử, voi, ngựa, chó, các đồ thờ, án gian, ngai… và 10 bia đá

 Trong số các tác phẩm nghệ thuật bằng đá trên, tiêu biểu nhất là đôi tượng võ sĩ (đặt ở sân đền), đôi tượng quan văn (đặt trong tòa sinh từ). Tượng võ quan cao gần 2m, râu dài, nét mặt nghiêm nghị, đầu đội mũ tế, mình mặc áo bào, tay phải cầm kiếm dựng ngược theo thân mình, tay trái giơ lên, bàn tay xòe thẳng, đặt ngang ngực.

Đôi tượng quan văn: cao 0,65m, đặt đối diện nhau ở hè sinh từ. Hai tượng này tạc giống nhau, đó là hai người đang ngồi xếp bằng tròn, mình mặc áo thụng, đầu đội mũ quan văn, tay phải cầm bút, tay trái cầm quyển sách, nét mặt thanh tú, thư sinh.

Bên cạnh đó, đền Phú Đa hiện còn lưu giữ được một số di vật cổ có giá trị, phản ánh những thành công nổi bật về trình độ chạm khắc và trang trí thời Lê – Mạc.

Kỹ thuật chạm khắc và mỹ thuật trang trí trên đá ở đền Phú Đa mang đặc trưng của thời Lê – Mạc, với mô tuýp trang trí chủ yếu là rồng, lân, vân mây, chữ Thọ… vốn là đề tài quen thuộc của Nho giáo thời phong kiến Việt Nam.

10 bia đá ở đền Phú Đa còn nguyên vẹn, được khắc văn tự Hán vào các năm 1750 và 1767, nội dung ghi về hương ước, điều lệ cũng giỗ các vị phúc thần và liệt tổ, liệt tông, ghi các điều dạy bảo con cháu điều hay lẽ phải, và bổn phận đối với tổ tiên. Bên cạnh đó, danh thần Nguyễn Danh Thường còn là người rất có trách nhiệm với cộng đồng, hiếu kính với tổ tiên, nên ông cho khắc trên bia đá các điều khoản hương ước của làng xã, những ngày giỗ kỵ và các nghi lễ tế tự. Với tầm nhìn xa trông rộng của một con người văn võ song toàn, nhiều kinh nghiệm sống mà ông lập bia để ghi lại các lời dạy của các bậc hiền tài để lại cho con cháu về sau lấy đó làm mực thước đo chuẩn mực về đạo đức, lối sống, trở thành người có ích cho xã hội và góp phần làm rạng rỡ dòng họ, quê hương, đất nước.

Với ý nghĩa lịch sử - văn hóa trên, từ bao đời nay, đình Phú Đa luôn được hậu duệ của Lãng Phương Hầu Nguyễn Danh Thường truyền đời gìn giữ, hương hỏa, để di tích lịch sử - văn hóa này mãi là nơi gắn kết cộng đồng, cũng là nơi để mỗi người dân địa phương gửi gắn niềm tin, tâm hồn của mình sau những tháng ngày lao động vất vả “một nắng hai sương”.

  Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa quý giá này, Đảng bố, chính quyền và nhân dân địa phương đã và đang có những việc làm thiết thực, để di tích lịch sử văn hóa cấp Bộ giàu ý nghĩa văn hóa này không bị mai một theo thời gian.

Chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, đền Đá – Phú Đa không chỉ là địa điểm tham quan hấp dẫn mà còn là nơi để học tập, nghiên cứu, thông qua đó để tìm hiểu, gìn giữ và phát huy một di sản văn hóa quý giá, tiêu biểu của huyện Vĩnh Tường nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.

 

ST

 

 

Tệp đính kèm