Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng hơn 1,75 triệu lao động trẻ em, trong đó trẻ em chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, còn lại ngành dịch vụ chiếm 16,6% và công nghiệp - xây dựng chiếm 15,8%.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo hướng dẫn phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016- 2020 do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức vào sáng ngày 1/12 tại Hà Nội.
Khảo sát về tình hình lao động trẻ em của Cục Chăm sóc Bảo vệ trẻ em thực hiện năm 2012 cũng cho thấy gần 85% lao động trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn và có tới 1,18 triệu lao động trẻ em làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết lao động trẻ em dưới 15 tuổi chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, từ 15-17 tuổi thì một bộ phận trẻ em chuyển dịch sang làm việc ở khu vực công nghiệp và xây dựng.
“Điều đáng buồn hơn nữa khi tỷ lệ trẻ em bị thất học vẫn còn rất cao. Cụ thể, trong số lao động trẻ em được khảo sát, có tới 52% trẻ đã từng đi học, 45,2% đang đi học và 2,8% chưa bao giờ được cắp sách đến trường,” ông Đặng Hoa Nam nói.
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nhận thức của gia đình các em còn hạn chế, chính vì vậy, nhiều bố mẹ vẫn cho rằng con làm việc không phải là lao động trẻ em, không bị cấm mà chỉ là một hình thức chia sẻ công việc với gia đình.
Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, triển khai nhiều chương trình dự án, mô hình liên quan. Ngày 7/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Một trong những mục tiêu của chương trình là 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời./.
Theo HỒNG KIỀU (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/lao-dong-tre-em-chu-yeu-lam-viec-trong-linh-vuc-nong-nghiep/418766.vnp