Các nhà khoa học Anh ngày 30/11 đã tán thành việc áp dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm nhằm sinh ra các em bé từ một cha và hai mẹ (gọi tắt là TPIVF), mở đường cho Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cho phép ứng dụng phương pháp đặc biệt này.
(Nguồn: Science Photo Library)
Một nhóm chuyên gia độc lập đánh giá tính an toàn của liệu pháp gen ty thể cho rằng phương pháp TPIVF cần được thực hiện thận trọng để ngăn ngừa các bệnh về gen nào đó có thể ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai.
Việc tiến hành phương pháp TPIVF dựa trên cơ sở phôi tiếp nhận ADN "nhân" thông thường của cặp cha mẹ, cũng như tiếp nhận một phần nhỏ ADN ty thể (mADN) khỏe mạnh do một phụ nữ hiến tặng, qua đó cho phép những phụ nữ gặp các vấn đề bất thường gây bệnh trong gen ty thể của họ vẫn có thể sinh con mang gen di truyền nhưng không mắc bệnh ty thể.
Trước các ý kiến phản đối, lo ngại vấn đề về đạo đức do cho rằng TPIVF có thể là bước khởi đầu cho công nghệ chế tạo gen người và có thể dẫn đến cho ra đời những đứa trẻ với những đặc tính mong muốn nào đó, nhóm các chuyên gia nhấn mạnh phương pháp này sẽ chỉ được phép áp dụng trong từng trường hợp cụ thể, như trường hợp bị bệnh di truyền có nguy cơ gây tử vong hoặc bệnh nguy hiểm hoặc trường hợp không có sự thay thế phù hợp nào.
Tuyên bố trên của các nhà khoa học Anh đã được các tổ chức y tế từ thiện hoan nghênh mạnh mẽ.
Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức từ thiện "Muscular Dystrophy" (Loạn dưỡng cơ) của Anh, ông Robert Meadowcroft, cho rằng đây là "bước tiến đáng kể", góp phần cho khoảng 2.500 phụ nữ tại Anh bị ảnh hưởng bởi bệnh ty thể có thể có con.
Trong khi đó, giảng viên thuộc Khoa Y-Dược tại Đại học Lancaster của Anh cho rằng TPIVF "vẫn chưa thực sự hoàn hảo" bởi ông dự đoán trung bình cứ khoảng 30 ca được tiếp nhận phương pháp điều trị này vẫn có thể có một trường hợp sinh con mắc bệnh di truyền.
Hồi tháng Hai năm nay, các nghị sỹ Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc tạo ra trẻ sơ sinh theo phương pháp TPIVF với ADN từ người thứ 3.
Dự kiến, người phụ nữ đầu tiên có thể được tiếp nhận phương pháp TPIVF sớm nhất là vào tháng 3 hoặc tháng 4/2017 và trung tâm nghiên cứu ở thành phố Newcastle, miền Đông Bắc nước Anh, sẽ là nơi tiên phong áp dụng phương pháp này./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/anh-co-the-ap-dung-viec-tao-ra-tre-so-sinh-tu-mot-cha-va-hai-me/418803.vnp