Cập nhật: 04/12/2016 10:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát thực tiễn.

Những năm gần đây, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp gia tăng. (Ảnh minh họa: KT)

 “Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ mang tính “đột phá” và “sát thực tiễn” để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”.  Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại “Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” diễn ra ngày 3/12 tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn, những vướng mắc về thị trường, đất đai, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ trong nông nghiệp… đã được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cùng các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ.

Đa số ý kiến cho rằng, Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện mới chiếm từ 1% - 2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Mặc dù nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng hiệu quả chưa cao, chưa sát với thực tiễn khiến doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ này là 55% - 60%.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chia sẻ, cho đến nay, nông nghiệp là một trong

 

những ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Chưa kể, các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập.

“1 ha chanh leo hiện nay cho sản lượng 80 tấn, với giá bình quân là 8.000 đồng/kg, thu nhập của nông dân mới đạt 640 triệu đồng/ha. Nếu mở rộng được quy mô lên 10, 20 thậm chí 500 ha sẽ cho nông dân thu nhập rất cao. Tuy nhiên, bất cập về chính sách đất đai hiện nay là nếu thu hồi đất làm khu công nghiệp thì thủ tục đơn giản, nhưng nếu thu hồi đất từ 10 ha trở lên để doanh nghiệp đầu tư thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”, ông Khuê chỉ rõ.

Trên cơ sở phân tích những vướng mắc về cơ chế chính sách, các đại biểu đề xuất cần có hệ thống các chính sách đồng bộ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất.

Đồng thời, ngành nông nghiệp phải hướng đến sản xuất quy mô lớn với điều kiện tiên quyết là tích tụ và tập trung đất đai. Đề làm được điều này, trước hết phải thay đổi căn bản chính sách về đất đai hiện nay gắn với các chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung đã có những kết quả bước đầu. Nhiều ngành như sữa, thủy sản, chăn nuôi đã “tiệm cận” công nghệ hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng, trong đó có nhiều doanh nghiệp, Tập đoàn lớn như: TH Truemilk, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát…Riêng năm 2016 có gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị. Trong đó, các chính sách ưu đãi đầu tư thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các ngành tập trung trong thời gian ngắn nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong thời gian ngắn sẽ chỉnh sửa, tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới. Bên cạnh đó, những “nút thắt” khác như đất đai, tín dụng và ngân hàng, ngành nông nghiệp cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ./.

Theo Minh Long/VOV.VN

Tệp đính kèm