Cập nhật: 05/12/2016 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào dịp đầu xuân, các làng xóm thường có lễ Xuân Thủ ở đình làng. Trong lễ thường có buổi rước thần. Theo truyền tụng thì rước thần có mục đích chính là mời các vị thần, trong đó, vị thần chính là thần Thành Hoàng Bổn Thổ đi ngự xem giang sơn phong thổ và dân tình một năm qua có gì thay đổi. Rước thần còn gọi là nghinh thần.

Đi đầu đoàn rước thần là hai hàng người cầm cờ và người cầm loa truyền lệnh dọn đường.

Tiếp theo, đội trống cà rừng và một số nhạc công như nhị, sáo, kèn, bạt, hợp tấu với trống cà rừng. Không ai hiểu vì sao đội trống kèn này lại có tên là “cà rừng”, nhưng khi nghe tiếng trống thì quả là âm thanh của nó gần đúng như tên gọi.

Một đội trống cà rừng gồm từ ba đến sáu người, mỗi người mang một chiếc trống trước ngực, mặt trống ngửa lên, người nhạc công phải gõ trống cả hai tay theo chiều thẳng đứng trên mặt trống (khác với cách đánh trống điểm ở trống đại). Đội trống cà rừng bao gồm cả bộ phận trống đại điểm cho trống cà rừng. Tóm lại, toàn đội trống cà rừng gồm có:

- Ba hoặc bốn, năm, sáu chiếc trống cà rừng.

- Một chiếc trống đại có hai người khiêng và một người đánh.

- Vài ba nhạc công kèn, nhị, bạt v.v. . .

Loại trống cà rừng chỉ sử dụng riêng trong các lễ rước thần. Nó không được dùng trong các đám rước khác. Cho nên, trong làng xã, nếu nghe tiếng trống cà rừng đâu đó thì người ta biết chắc đó có rước thần.

Trống cà rừng bắt buộc nhạc công phải đeo trước ngực. Trống có hai mặt, bịt bằng da bò thuộc mỏng, đường kính mỗi mặt trống khoảng 30cm, chiều cao chang trống chừng 28cm làm bằng gỗ mít, có khi là cả thân cây mít đục rỗng. Trống hình trụ, giữa lưng chang trống rộng hơn hai đầu mặt trống. Chu vi giữa chang trống, chỗ rộng nhất là 1m14. Nếu tính đường kính, có thể là 36cm, rộng hơn hai mặt 5 cm.

Người nhạc công đánh trống bằng hai cái dùi bằng gỗ táu, tiện tròn, đầu lớn đầu nhỏ; đầu lớn có đường kính 3cm, đầu bé 1,5cm, chiều dài dùi trống là 40 cm.

Như trên đã nói, trống cà rừng luôn có bộ phận trống đại kèm theo để điểm đệm cho cà rừng.

Tuy nhiên, trống đại ở đây không phải là loại trống đại đi đôi với chuông trong bộ “chung cổ”. Nó khác ở chỗ kích thước nhỏ hơn đôi tí đã đành nhưng nó khác nhất là ở chỗ âm thanh giữa nó với trống đại chung cổ.

Rước thần là loại rước có bước diễu hành rất chậm, khoan thai, thư thả, dịu dàng và tôn nghiêm, kính cẩn khác với lối diễu binh, bước quân hành hùng dũng, mạnh mẽ, nhanh gấp, dứt khoát.

Thần ngự khác với quân đi, mặc dầu trong rước thần cũng có quân lính (tượng trưng) theo hầu. Cho nên trống cà rừng tuy cũng là trống diễu hành, cũng thúc giục rộn ràng, cuốn hút nhưng thư thái, hình như khuyến khích người tham gia đám rước chỉ cần nhích lên từng bước, ung dung tuần tự mà đi, chớ vội vàng. . .

Tiếng trống nghe xao xuyến, giục giã mà từ tốn; oai nghiêm, ngân vang mà cũng dịu dàng, lắng động… là phần nhiều nhờ ở tiếng trống đại điểm nhịp.

Cái tinh tế của tiếng trống đại trong đội trống cà rừng là ở chỗ: Khi đám rước đang trên đường đi, bước diễu hành đang đều đều chầm chậm, tiếng trống cà rừng dù chỉ một thanh “rừng” hay hai thanh thành đôi “rưng, rừng” thì âm thanh của nó chỉ gần bằng nhịp “hai - bốn” trong tân nhạc, tiếng trống đại điểm cho nó cũng chỉ bằng một thanh độc nhất, nhưng lại ngân dài, lan tỏa rộng hơn cả những tiếng trống cà rừng… Tiếng trống đại điểm nhịp lúc này giống như trong hành văn, nhà ngôn ngữ học sử dụng chấm lửng cuối câu sau những chặng ngắt ý bằng dấu phẩy…

Khi đám rước dừng lại một điểm nào đó, (thường là dừng lại ở trước đền miếu thờ các vị thần ngoài vị Thành Hoàng Bổn Thổ) và khi đám rước về trở lại ngôi đình đã xuất phát, thì tiếng trống cà rừng lúc này rất dồn dập, giục giã, gấp gáp, cáp bách đến kỳ lạ, ngược hẳn lúc đang đi diễu hành.

Lúc này, những thanh âm “rưng… rừng… rừng rừng… và tiếng trống đại điểm thùng” đều ngắn, tròn trặn, dứt khoát, như một dấu chấm than (!) trong một câu văn

Ở diễu hành rước thần, trống cà rừng thư thái khi đang đi và thúc giục, dồn dập khi dừng lại. Ở diễu binh, trống nhạc giục giã khi đang đi và dịu dàng êm ả khi dừng lại…Do đó, tiếng trống đại điểm nhịp cho cà rừng phần nhiều là một tiếng, rất ít khi tiếng đôi liên tục (chỉ trừ khi chấm dứt hẳn, nhưng lúc này thì hạ dần gần như không còn nữa). Nhưng, cũng một tiếng trống đại điểm nhịp đó mà khi điểm nhịp trên đường dài của đám rước thì âm thanh cũng kéo dài và khi đám rước dừng lại thì âm thanh của nó lại ngắn gọn, tròn trịa một cách gọn gàng. Người rành nghe hay quen thuộc với nhiều đám rước khác nhau sẽ phân biệt được, sẽ biết được cái tinh túy của nó…

Trong một đám rước thần, tiếng trống cà rừng cộng hưởngvới rất nhiều thứ âm thanh khác như những bản tấu nhạc của đội nhạc ngũ âm, tiếng trống cơm với tiếng kẻng, tiếng loa “lộ bố”, (ban bố lệnh trên đường đi của thần) cho âm linh, oan hồn tránh đường; và tiếng chuông trống lớn chầu hàu cộng thêm hàng ngũ lọng tàn, cờ quạt cùng mùi hương trầm mà thêm tôn nghiêm, oai vệ...

Đi sau đội trống cà rừng là đội nhạc ngũ âm, gồm đủ trống kèn, sáo, nhị, bạt… Tiếp đến là trống đại, chuông lớn, cứ ba tiếng chuông là tiếp theo ba tiếng trống, nhịp chậm… Sau hàng trống và nhạc là hương án có đủ đèn lư bằng đồng, bình hoa, quả nải… Hương án thay cho bàn thờ trong đám rước, trên đặt các hộp sắc bằng vua phong cho các vị thần thánh từ các miếu, các đền rước về làng, xem như các vị thần đang ngồi trên hương án để đi về đình làng.

Đi sau hương án là đội binh bảo vệ ngai vàng. Độ binh được trang phục đúng như binh lính thật của nhà vua nhưng trang bị bằng binh khí gỗ mà hình dáng giống như thực… Sau đội binh là Ngai Thần, sơn son thếp vàng giống như ngai vua thật, chỉ khác là trên ngai không có vua và người ngồi. Ngai Thần cũng được một đội binh 4 người khiêng, có 4 lọng vàng che. Trước bệ ngai còn có một chiếc lư trầm bằng đồng lớn, đốt trầm hương mà không có đèn nhang như ở hương án. Tiếp Ngai Thần là vị chánh tế chủ bái của làng đi theo hầu. Vi này cũng được che hai hay một lọng xanh, tùy theo chức tước của vị đó. Cuối đám rước là một đoàn người cầm cờ giống như đội cờ đi đầu.

Đoàn rước thần đi khắp các nẻo đường chính trong làng. Những nhà ở hai bên đường mà đám rước sẽ đi qua đều tự nguyện dọn bàn thờ, lương án, hương đèn nghi ngút chờ đón đám rước đi qua, chủ nhà mang áo rộng xanh, chít khăn đóng đen vái lạy chào mừng, giống như nghênh giá đức vua .

Sau lúc đám rước thần trờ về đình làng, làng làm lễ tế. Nhân dân, tùy khả năng, lòng thành, bưng lễ vật của mình đến tế thần, bên cạnh lễ vật của làng.

Việc tế lễ ở đình làng, nói chung, nơi nào cũng giống nhau… Nếu muốn đi tìm những nét đẹp riêng trong việc thờ cúng và tế lễ ở tỉnh ta, thì chúng tôi thử nêu lên một tục lệ nói là lạ lùng cũng được, nói là văn minh cũng được, vì nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay về thời phong kiến triều Nguyễn trước Cách mạng Tháng 8-1945, chắc chắn sẽ thấy tục lệ này là văn minh, là đẹp.

Ngày xưa chế độ đình trung ở làng xã, không nơi nào chấp nhận cho phụ nữ đến cúng bái, kể cả việc nấu ăn, sửa soạn lễ vật dâng thần. Nếu có một trường hợp nào, có một cô gái nhà ai đó phải bưng mâm giỗ thần cho cha, anh đến đình làng thì khi đến gần cửa tam quan, cũng giao lại cho ai đó là nam giới bưng vào đình hộ, rồi quay trở về. Đã là phụ nữ thì không được tới đình làng, trừ trường hợp, người nữ đó bị tội mà làng cho áp giải tới để trừng phạt.

Thế mà, ở Thuận Bài (nay thuộc xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch) có lệ: trong các ngày lễ tế Thành Hoàng Bổn Thổ như lễ Xuân Thủ, Kỳ Yên hàng năm, làng tổ chức một cuộc thi “Cỗ Bánh dân thần” dành riêng cho phụ nữ. Các cô gái trong làng được phép tự bưng cỗ bánh do mình chế biến đến đình làng để dự thi tài gia chánh. Cỗ bánh nào được làng chọn làm giải thưởng thì chủ nhân nó được bê đặt lên bàn thờ dâng thần ngự lãm, và dĩ nhiên là cô gái được dự lễ tế thần. Có lẽ đây là một tục lệ hiếm thấy và cũng là ngoại lệ, nếu không dám nói có một không hai dưới thời phong kiến. Với phong tục này ở Thuận Bài mà nhìn rộng ra thì trong việc tín ngưỡng đa thần, người mình còn thờ khá nhiều nữ thần. Ví dụ: Các làng biển làng nào cũng thờ Đại Càn tứ vị thánh nương, các làng vùng gò đồi thì thờ Liễu Hạnh công chúa, nhiều nơi thờ Nữ thần Thiên Y-A-Na, thờ Trưng Nữ Vương, thờ Bà Hỏa, Bà Thủy, Bà Thổ, Bà Ngư, có làng thờ cả nữ Thành Hoàng Khai Canh. Trong gia đình thì nhân dân đều thờ Bà Bếp, Bà Mụ, Bà Cô, Bà Tổ Cô, Bà Thần Tài, trong tôn giáo thì thờ Quan Âm Thị Kính, Phật Bà Quan Âm...

ST

 

Tệp đính kèm