Cập nhật: 06/12/2016 09:16:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều đông ở Gia Vân thanh bình đến lạ. Bên kia đê, khu ngập nước Vân Long mênh mông soi dáng núi, từng đàn cò trắng chấp chới giữa nền nước xanh đá thắm buổi hoàng hôn. Bên này đê là những gian hàng thêu, lưu niệm bày ven vệ đường, giản dị như phiên chợ quê. Chỉ đôi nét chấm phá ấy, có thể nhận thấy, Ninh Bình là một trong những tỉnh thể hiện rõ nhất sự gắn bó hòa quyện giữa các tiêu chí của du lịch bền vững với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Du khách đi thuyền vào tham quan hang động Tràng An (Ninh Bình).

Thay đổi nhận thức để làm du lịch bền vững

Đi giữa những dải lụa mầu phất phơ bay dọc các quầy hàng lưu niệm, đường sá, triền đê sạch sẽ, Trưởng trạm du lịch khu ngập nước Vân Long cho biết: Cùng nghề chèo đò đưa khách tham quan đã phát triển, giờ các hộ dân còn làm dịch vụ homestay (khách lưu trú tại nhà dân). Muốn làm homestay, nhà cửa, vườn tược phải xanh sạch, thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Do đó, ý thức của người dân được nâng lên. Có thể nói, nếu không có du lịch thì xây dựng nông thôn mới bị chậm lại rất nhiều.

Mấy năm trước, về Ninh Bình, khách du lịch thường giật mình, tức mắt với những đống rác lớn hai bên vệ đường, triền đê, chân núi. Người dân không được hưởng lợi nhiều từ du lịch, coi thắng cảnh quê hương là của ai đó chứ không phải của mình. Với cách nghĩ sạch nhà là được, bẩn đường mặc kệ, người dân vứt, đổ rác sinh hoạt bừa bãi, gây mất mỹ quan và mất vệ sinh.

Qua năm năm xây dựng nông thôn mới, tình hình chuyển biến rõ, khi 90% số xã thành lập đội thu gom rác, người dân hưởng ứng nhiệt tình. Trung bình ba ngày một lần, đội đến từng nhà thu gom rác chở ra xe lớn (mỗi huyện có hai xe), vận chuyển về nhà máy xử lý rác thải của tỉnh đóng tại thành phố Tam Điệp. Một số ít hộ dân do đất rộng, điều kiện thu gom rác khó khăn (nhà sát chân núi, đường sá không thuận tiện), thì cam kết tự xử lý, không vứt, xả nơi công cộng. Số tiền phí vệ sinh 6.000 đồng/người/tháng được coi là cao so với thành phố, nhưng bà con đều chấp thuận.

Riêng xã Trường Yên, nơi có di tích cố đô Hoa Lư, đền vua Đinh, vua Lê, do hoạt động du lịch từ rất lâu, nên sớm nhìn thấy vấn nạn chất thải, nước thải. Bảy năm trước, xã Trường Yên đã có tổ thu gom rác thải đến từng nhà dân, chở đi tập kết. Rõ ràng, một thói quen xấu được xóa bỏ nhờ phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, vấn đề nước sạch cũng là bài toán nan giải. Nhiều hộ dân nông thôn quen dùng nước giếng, nước sông, thậm chí một số nơi dùng nước ao, rồi bơm lên lọc để giặt, rửa. Khi địa phương triển khai cấp nước sạch, chi phí ban đầu từ 3,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng/hộ, khá cao so với thu nhập nên người dân phản ứng. Cán bộ chính quyền cơ sở và Ban Chỉ đạo nông thôn mới tỉnh, các huyện kiên trì giải thích, tuyên truyền: Nước là yếu tố hàng đầu của cuộc sống, cũng là nhu cầu số một của khách du lịch, nếu không có nước sạch và nhà vệ sinh sạch thì bà con không thể đón du khách, không làm du lịch được. Người dân lập tức hiểu và chấp thuận. Tại xã Ninh Xuân (Hoa Lư), dù địa hình ven sông Sào Khê, nhiều hồ, đầm, núi, việc cấp nước khó khăn, nhưng xã đặt quyết tâm và đã kéo nước đến 85% số gia đình.

Lứa tuổi nào cũng có việc làm

Thật khó tin, nhưng đây là chuyện đang diễn ra ở một số xã thuộc huyện Hoa Lư và Gia Viễn, nổi bật nhất là xã Ninh Xuân. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Hiển phấn khởi nói: Nhờ hoạt động du lịch và từ khi xây dựng nông thôn mới, gần như người dân ở mọi lứa tuổi trong xã đều có việc làm. Phụ nữ tuổi thanh niên và trung niên thì chèo đò, người lớn tuổi thì nuôi dê, may mặc (trên địa bàn có hai xưởng may), nam thanh niên thì làm ruộng, thợ mộc, thợ nề, nuôi thủy sản, nhỏ tuổi hơn thì chạy bàn, nấu nướng, trông xe tại các khách sạn, nhà hàng. Nổi nhất trong những ngành nghề này là chèo đò. Ninh Xuân đóng góp 500 tay chèo cho quần thể danh thắng Tràng An, được Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An trả mỗi năm khoảng 15 tỷ đồng.

“Tôi chưa thấy dự án nào mà công tác giải phóng mặt bằng đạt sự ưu việt như quần thể danh thắng Tràng An. Người dân sau khi bị thu hồi đất được bố trí việc làm, đời sống được nâng lên nhiều so với trước, bộ mặt nông thôn của xã thay đổi hoàn toàn” - Bí thư Hoàng Văn Hiển nhận định. Gần chục năm trước, phần lớn người dân xã Ninh Xuân làm nông nghiệp, mỗi năm hai vụ rất bấp bênh; học sinh không có trường học, xã đành “quây” bốn trụ sở của bốn hợp tác xã thành trường “tạm”. Đi lên từ “lớp ghép trường quây” như vậy, nên giờ Ninh Xuân đã nỗ lực trở thành xã duy nhất tập trung các cháu mầm non vào một trường; các cấp tiểu học, THCS đều có cơ sở khang trang.

Ninh Xuân có diện tích tự nhiên gần 1.000ha, trong đó núi chiếm một nửa, mặt nước chiếm 200 ha, tiếp giáp các điểm du lịch nổi tiếng. Nằm trọn trong vùng lõi của Di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Xuân vinh dự tự hào, nhưng cũng… khổ, vì xã không được đấu giá đất, muốn xây dựng công trình phải xin phép, nhiều thủ tục hơn các nơi khác. Không có đất đấu giá, xã mất đi một nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhưng bù lại, số lượng người có việc làm ở Ninh Xuân rất cao, họ tự xây dựng cải tạo nhà cửa, mua sắm thiết bị hiện đại, từ đó kích thích các ngành xây dựng, dịch vụ… phát triển. Cũng nhờ có thu nhập, người dân đóng góp cho trường lớp và các khoản địa phương huy động dễ dàng hơn.

Nhắc đến chuyện thoát nghèo, làm giàu bền vững, cán bộ xã giới thiệu ngay: “Anh ra đầu đường gặp anh Chính, quái kiệt đấy, thay được hai quả thận cũng nhờ du lịch và nông thôn mới”. Mùa du lịch thấp điểm, nhưng quán dê của anh Vũ Văn Chính vẫn đông. “Tôi nuôi dê từ bé, tất nhiên toàn dê núi bản địa” - anh Chính nói. Lượng dê do gia đình tự nuôi và cả xã Ninh Xuân cung cấp không đủ đáp ứng nhu cầu thực khách, anh mua thêm rất nhiều dê từ các xã Trường Yên, Ninh Hải, nhưng tuyển kỹ. “Bị thương chưa chết” - không mua, “trùng gien” - không mua, “dê hơn một năm tuổi” - cũng không mua.

Cánh lái xe quen được hưởng phần trăm khi dẫn khách vào quán, lên tiếng đòi, anh đuổi thẳng: “Mời anh chở khách đi quán khác. Quán tôi không có cái lệ ấy”. Nhờ thế, quán của anh giữ được uy tín, giải quyết việc làm thường xuyên cho 18 người trong xã, mùa cao điểm lên tới 30 người; cùng với một cửa hàng có tiếng khác, quán của anh Chính đóng góp cho ngân sách xã từ 300 đến 400 triệu đồng/năm. Hồi còn trai tráng, anh làm đủ thứ nghề, soi cá, bắt ốc, bắt ba ba, nuôi dê, bắt trăn, rắn, rái cá, cấy lúa và thả cá trên mặt nước rộng 50 mẫu ven chân núi. Lội nước, dầm bùn nhiều, anh bị viêm thận rồi suy thận. Chữa chạy khắp nơi, vốn liếng đi sạch, anh Chính lại thành người nghèo nhất làng. Nhắc lại quãng bần hàn, ông chủ quán 54 tuổi vẫn đỏ hoe mắt: “Tôi đi vay 200 nghìn đồng (bằng ba triệu đồng bây giờ), tín dụng viên còn giật lại: “Anh lấy gì mà trả”. Vợ tôi đi vay vài cân gạo của hàng xóm, người ta cũng không cho vì tưởng tôi sắp chết”. Nhưng đời người không ngắn như tầm nhìn của những người ích kỷ.

Khi khu Tràng An bắt đầu triển khai dự án, hiến một phần đất và mặt nước ven núi, gia đình anh được cho một mảnh đất nho nhỏ ven đường liên xã làm quán bán hàng. Dù khuất nẻo, nhưng nhờ am hiểu chăn nuôi và ẩm thực vùng đất này, anh nhanh chóng ăn nên làm ra. Anh có tiền thay thận. Hàng xóm và địa phương có việc, anh lập tức xung phong đóng góp. Nhớ nghề soi cá, bắt trăn, thỉnh thoảng được người dân nơi khác nhờ bắt hộ, anh Chính lên đường ngay. “Vùng núi còn rái cá, còn trăn. Tôi chỉ giúp người ta bắt trăn khi nó ăn thịt đàn dê của họ thôi. Còn những kẻ đánh cá bằng kích điện thì tôi cực ghét. Thiên nhiên không còn ưu đãi như xưa nữa, mình phải giữ gìn cho thiên nhiên hồi phục”- anh Chính nói.

Làm ruộng ban đêm

Xã Trường Yên (Hoa Lư) có 16 thôn, 3.760 hộ, 11.800 nhân khẩu, thu nhập trung bình 31 triệu đồng/người/năm, chủ yếu nhờ các nghề liên quan du lịch, trong đó có hàng nghìn người làm việc tại 200 nhà hàng, 1.000 người chèo đò, hơn 1.000 người bán đồ lưu niệm… Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Lợi cho biết: Bận rộn cả ngày, gần như người dân chỉ tranh thủ làm ruộng về đêm. Do địa bàn trũng thấp, ngập nước, bà con thường làm mỗi năm hai vụ: một vụ cấy, một vụ thả cá.

Sau khi xã dồn điền đổi thửa, còn lại 4,7 ha giao cho Hợp tác xã Thắng Thành trồng cấy. Đây là mô hình đáng chú ý, khi HTX áp dụng gieo mạ trên khay, dùng máy cấy, máy làm đất, máy gặt đập, được Chi cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ giống và khoa học kỹ thuật, hai năm vừa qua năng suất khá cao, không mất mùa như người dân tự làm hồi trước. Người có ruộng được HTX trả 90 kg lúa/sào/năm. Ngoài ra, 15 nông dân Trường Yên được HTX tuyển làm nhân viên kỹ thuật.

Cũng nhờ bận rộn công việc cả đêm lẫn ngày, người dân thu nhập ổn định, nên tình hình an ninh trật tự ở Trường Yên mấy năm qua được bảo đảm. Mỗi ngành nghề đều có tổ tự quản riêng, xe ôm, hàng quán, chụp ảnh... không có cảnh ép giá, tranh giành, chèo kéo du khách.

Không chỉ cố đô Hoa Lư, tại bến đò Tràng An và chùa Bái Đính cũng thiết lập lại trật tự. Trung tá Đoàn Xuân Hoàn - Đồn trưởng Đồn Công an Gia Sinh (phụ trách địa bàn chùa Bái Đính) cho biết: Trước Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016 về trước, do khách đông, có ngày hàng trăm nghìn người, cho nên đơn vị quản lý chùa Bái Đính thuê vệ sĩ nơi khác về, nhưng không hiệu quả.

Từ đầu năm đến nay, Đồn tư vấn đơn vị quản lý chùa sử dụng các bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, dân quân tự vệ đứng ra làm các đầu mối bảo vệ. Đội ngũ này hiểu tường tận địa bàn, am hiểu phong tục và hoàn cảnh từng hộ dân trong xã, nhờ đó đã đẩy lùi nạn hàng rong, triệt tiêu nạn trộm cắp, cờ bạc, ăn xin... Sắp tới, Đồn sẽ đề nghị quy hoạch lại bến bãi, tách bãi xe khỏi khu bán hàng, tiếp tục sử dụng lực lượng địa phương, bố trí các cán bộ công an về hưu làm tổ trưởng tổ tự quản. Đồn cũng đề xuất hàng quán trong khu vực phải bày bán các mặt hàng có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có xuất xứ rõ ràng, ưu tiên các sản vật địa phương nhưng phải có chứng nhận.

...Xẩm tối, từ trụ sở chính quyền xã về, Trưởng trạm du lịch Vân Long Nguyễn Văn Quang xuống đầm cầm chèo đưa khách tham quan chuyến cuối trong ngày. Vừa giơ tay vẫy chào, loáng cái thuyền đã mất hút. Vài chiếc thuyền đưa khách chụp ảnh cưới trở ra. Áo trắng cô dâu và những cánh cò trắng in đậm lên nền núi và nước đang dần thẫm mầu.

 

ST

Tệp đính kèm