Có ý kiến cho rằng, nếu giảm diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau cho nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ ảnh hưởng đến kinh tế biển địa phương.
Đảo Hòn Cau và vùng biển xung quanh có hệ sinh thái đa dạng.
Chiều 6/12, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận nóng lên về vấn đề cắt giảm hơn 1.000 héc-ta Khu bảo tồn biển Hòn Cau giao cho Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, cũng như việc xin đổ vật liệu nạo vét ra biển.
Nói lên sự lo ngại của cử tri, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện khẳng định, nếu giảm diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau sẽ ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế biển địa phương. Ông Thiện yêu cầu làm rõ việc Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm hơn 1.000 héc-ta khu bảo tồn Hòn Cau giao cho các dự án nhiệt điện và cảng Vĩnh Tân.
Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện nêu ý kiến: “Khu bảo tồn Hòn Cau được đánh giá tác động môi trường trước và được phê duyệt; còn Vĩnh Tân và các dự án liên quan được phê duyệt sau, được đánh giá tác động môi trường sau. Có nghĩa là Hòn Cau có trước, Vĩnh Tân có sau... Bắt người bị lấn cắt biển giao cho người lấn là chuyện vô lý”.
Về vấn đề Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ hơn hơn 1,5 triệu khối vật liệu nạo vét ra biển, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận khẳng định hoạt động này chưa xảy ra, mà đang trong giai đoạn Bộ Tài nguyên - Môi trường lấy ý kiến trước khi cấp phép. Sau khi báo chí nêu ý kiến các nhà khoa học và ý kiến cử tri, cơ quan có thẩm quyền đang thận trọng xem xét.
“Sở Tài nguyên Môi trường cùng với Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường như trong báo cáo với các đại biểu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý dừng lại để đề nghị các đơn vị tư vấn phải lập một báo cáo độc lập, đánh giá lại cụ thể vấn đề chất thải nạo vét, và xem vị trí ảnh hưởng đến Hòn Cau như thế nào. Nếu như không khả thi, thì phải có phương án phù hợp”-Ông Hồ Lâm nói./.
Theo Việt Quốc/VOV.VN