Cập nhật: 08/12/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau nhiều năm trăn trở, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, CLB Tuồng xã Hoàng Đan (Tam Dương) đã được khôi phục và chính thức đi vào hoạt động. Không chỉ thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng tại địa phương, hoạt động của CLB còn góp phần quan trọng vào việc gìn giữ nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại, đưa nghệ thuật Tuồng đến gần hơn với đời sống người dân.

Diễn viên CLB Tuồng xã Hoàng Đan biểu diễn trích đoạn vở "Nữ Tướng Đào Tam Xuân" trong buổi lễ ra mắt CLB

Có mặt tại buổi ra mắt CLB Tuồng Hoàng Đan, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của những thành viên trong CLB cũng như sự phấn khởi của bà con trong xã. Nhớ lại cách đây hơn 1 năm, khi có dịp về Hoàng Đan, chúng tôi được xem 1 trích đoạn vở Tuồng do CLB Tuồng thôn Hóc biểu diễn. Trong điều kiện sân khấu chật hẹp, âm thanh, ánh sáng, phục trang… hạn chế nhưng nhờ tài năng và sự nhiệt tình của các diễn viên mà trích đoạn Tuồng được thể hiện xuất sắc khiến khán giả xúc động, vỗ tay nhiệt liệt. Hỏi ra mới biết, các thành viên của CLB Tuồng thôn Hóc đều là thành viên cũ của CLB Tuồng Hoàng Đan trước đây đã từng vang danh và đi biểu diễn khắp các tỉnh miền Bắc. Theo bà Lê Thị Việt, thành viên CLB Tuồng xã Hoàng Đan: Trong một dịp về lưu diễn tại xã, nhận thấy nhiều người có tố chất, Đoàn Tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam) đã đặt vấn đề kết nghĩa với mong muốn thành lập một đoàn tuồng ở địa phương, đơn vị sẽ hỗ trợ và cử người về dạy các vở diễn cho đoàn. Năm 1960, CLB Tuồng xã Hoàng Đan ra đời, với sự giúp đỡ của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương, CLB ngày càng phát triển về số lượng cũng như chất lượng, có thời điểm diễn viên của CLB có trên 30 người. Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con địa phương, CLB còn nhận lời mời đi lưu diễn khắp các tỉnh khu vực phía Bắc, phục vụ bà con nhân dân và các chiến sỹ, thương bệnh binh. Các vở diễn của CLB thời bấy giờ đa dạng, phong phú, chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi các anh hùng dân tộc, góp phần khơi dậy tinh thần hăng say chiến đấu, lao động, sáng tạo, góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.

Theo dòng chảy của thời gian cùng những biến đổi của xã hội, nghệ thuật Tuồng không còn nhiều khán giả như trước, CLB Tuồng xã Hoàng Đan cũng vì thế mà từng bước tan rã, đến những năm 1990 thì không còn sinh hoạt nữa. Tuy nhiên, những diễn viên của CLB chưa bao giờ hết yêu Tuồng, mỗi khi có dịp gặp nhau họ lại ngân nga những khúc hát trong các trích đoạn Tuồng từng diễn như để thỏa nỗi nhớ nhung. Với mong muốn khôi phục, bảo tồn nghệ thuật Tuồng truyền thống, năm 2014, các diễn viên Tuồng của thôn Hóc quyết tâm cùng nhau thành lập CLB Tuồng của thôn gồm 9 thành viên, trong đó có 3 diễn viên của CLB Tuồng Hoàng Đan trước đây và các hạt nhân mới có chung tình yêu với Tuồng. Tuy nhiên, khuôn khổ của một thôn khiến hoạt động của CLB còn nhiều hạn chế trong khi trên địa bàn xã còn nhiều diễn viên của CLB Tuồng Hoàng Đan cũ cũng có chung mong muốn được tham gia.

Sự ra đời của CLB Tuồng thôn Hóc như một làn gió, thổi bùng lên tình yêu, đam mê của các diễn viên trong CLB Tuồng xã Hoàng Đan trước đây, họ cùng nhau quyết tâm chung sức khôi phục lại CLB Tuồng của xã. Bà Phan Thị Lương, Chủ nhiệm CLB Tuồng xã Hoàng Đan cho biết: “Chủ trương khôi phục CLB Tuồng Hoàng Đan được cấp ủy, chính quyền xã ủng hộ, xã đã cử cán bộ văn hóa cùng đại diện thành viên CLB xuống Nhà hát Tuồng Việt Nam đặt vấn đề nhờ đơn vị giúp đỡ. Với sự kết nghĩa vốn có từ trước, Nhà hát đã tạo điều kiện giúp CLB về trang phục, kịch bản để phục dựng các trích đoạn Tuồng và hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, cử nghệ sỹ về hướng dẫn khi CLB Tuồng xã được khôi phục. CLB còn được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Dương cố vấn, giúp đỡ về các thủ tục, tờ trình dự án, xây dựng quy chế hoạt động…để trình các cơ quan chức năng. Sau nhiều năm trăn trở, với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, CLB Tuồng Hoàng Đan đã được khôi phục và chính thức ra mắt vào cuối tháng 10/2016 với 12 thành viên. Trong buổi lễ ra mắt, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xúc động chia sẻ: “CLB Tuồng Hoàng Đan và Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có giao tình kết nghĩa từ lâu, chúng tôi không chỉ có tình đồng nghiệp mà còn là tình anh em gắn bó khăng khít với nhau từ thời kỳ gian khổ. Vì vậy, khi nghe tin CLB Tuồng Hoàng Đan được khôi phục tôi rất vui mừng, xúc động. Trong suốt những năm kháng chiến và xây dựng Tổ quốc, các diễn viên CLB Tuồng Hoàng Đan dù không có lương cố định, đời sống gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những chuyến đi diễn phải đi bộ hàng trăm cây số hoặc di chuyển bằng những phương tiện thô sơ nhưng họ vẫn hăng say tập luyện, cống hiến cho khán giả những vở Tuồng đặc sắc. Dù là diễn viên nghiệp dư nhưng tình yêu của họ đối với Tuồng khiến những người làm công tác chuyên nghiệp như chúng tôi cảm động và càng có thêm động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp. Giờ đây, CLB Tuồng Hoàng Đan đã được khôi phục, tôi tin rằng đây sẽ là động lực để nghệ thuật Tuồng truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển trên địa bàn Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung”.

Với tình cảm kết nghĩa vốn có từ trước, khi nghe tin CLB Tuồng Hoàng Đan được khôi phục, lãnh đạo Nhà hát Tuồng Việt Nam đã hỗ trợ CLB về trang phục và cử các nghệ sĩ, nhạc công về giúp đỡ CLB phục dựng các trích đoạn Tuồng. Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Gia Khoản, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: “Dù không biểu diễn đã nhiều năm nhưng làn điệu Tuồng đã ăn sâu vào máu những diễn viên CLB Tuồng Hoàng Đan nên chúng tôi chỉ cần hướng dẫn qua là các bác có thể diễn rất hay, rất cảm xúc. Tuồng là môn nghệ thuật khó, cần giọng hát khỏe, các điệu bộ, động tác phải dứt khoát…đòi hỏi quá trình tập luyện khắt khe của người diễn nên thành lập được một CLB Tuồng quần chúng với những diễn viên có nhiều kinh nghiệm như CLB Tuồng xã Hoàng Đan hiện nay là rất khó. Có thể nói, CLB Tuồng xã Hoàng Đan là "viên ngọc quý" cần được giữ gìn, phát huy. Thời gian tới, Nhà hát Tuồng Việt Nam tiếp tục cố gắng giúp đỡ CLB về mọi mặt, bên cạnh đó, tôi mong các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc sẽ quan tâm và tạo điều kiện để CLB phát triển, hoạt động lâu dài”.

Khôi phục đã khó, để duy trì và phát triển hoạt động của CLB lại càng khó hơn. Các thành viên của CLB Tuồng Hoàng Đan và những người yêu Tuồng mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ CLB về kinh phí hoạt động, chuyên môn và tăng cường tuyên truyền, quảng bá để thu hút nguồn xã hội hóa cho hoạt động của CLB. Đặc biệt, hiện nay các thành viên của CLB đều đã lớn tuổi, điều quan trọng nhất là phải đào tạo được một lớp diễn viên trẻ để kế thừa, duy trì và phát triển hoạt động của CLB, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần đời sống người dân hơn nữa.

 

ST

 

Tệp đính kèm