Cập nhật: 08/12/2016 08:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh - quốc phòng quốc gia. Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là tiền đề quan trọng để định hướng phát triển kinh tế biển.

Công nhân Liên doanh Việt - Nga (VietsoVpetro) vận hành thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: QUANG MINH

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Việt Nam là quốc gia nằm trên bờ Biển Đông, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km (không kể bờ các đảo), vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng gấp ba lần lãnh thổ trên đất liền, có hơn 100 đảo và quần đảo. Nơi có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, mỗi dạng tài nguyên, hệ sinh thái của biển có tính đặc thù và giữ vai trò, vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước, các ngành kinh tế biển quan trọng như dầu khí, hàng hải, thủy sản, du lịch biển và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế…

Để khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo, ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về việc thành lập “cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả”. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị về tổ chức, nhân sự, theo Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg ngày 26-8-2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được thành lập. Đây là lần đầu tiên nước ta có một cơ quan quản lý chuyên trách về điều tra cơ bản (ĐTCB) biển và hải đảo.

Song song với việc kiện toàn tổ chức, bộ máy về ĐTCB biển và hải đảo, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Đây là một Đề án lớn thuộc nhiều lĩnh vực của Chính phủ và có sự tham gia thực hiện của nhiều bộ, ngành liên quan.

Đến nay, sau mười năm triển khai thực hiện, Đề án đã thu được một số kết quả quan trọng có tính chất hệ thống về điều kiện tự nhiên và tài nguyên môi trường biển như: địa hình đáy biển, địa chất khoáng sản, địa động lực, địa chất môi trường, tai biến địa chất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên vị thế, đất đai, tiềm năng nước ở một số vùng ven biển, một số hải đảo và một số cửa sông…, bước đầu đã phát hiện tiềm năng tài nguyên khoáng sản, các đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất; thu được nhiều kết quả quan trọng về các yếu tố tự nhiên, môi trường, tai biến địa chất, địa chất công trình trên nền san hô trong vùng biển Trường Sa và DKI. Đặc biệt, công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên công trình đã phục vụ kịp thời cho công tác thiết kế, thi công xây dựng, sử dụng, nâng cấp công trình DKI; đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, bảo tồn tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam.

Chỉ rõ những hạn chế

Mặc dù, những năm qua Nhà nước đã chú trọng đầu tư về nguồn lực cho công tác ĐTCB, cơ cấu tổ chức bộ máy và các văn bản pháp quy liên quan tới công tác ĐTCB biển và hải đảo từng bước được hoàn thiện, song công tác ĐTCB biển và hải đảo vẫn còn bộc lộ những hạn chế: chưa quản lý thống nhất được các số liệu về ĐTCB biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương. Do đó khó khăn trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch tổng thể về điều tra cơ bản, nhiều dự án bị trùng lặp về phạm vi, nội dung gây lãng phí ngân sách nhà nước; công tác ĐTCB ở vùng biển xa, biển sâu chưa được chú trọng, các dự án hiện nay chủ yếu điều tra ở các vùng biển ven bờ, vùng biển nông; công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển quốc gia còn rất chậm, ảnh hưởng tới việc khai thác và sử dụng thông tin dữ liệu về biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc khai thác, sử dụng kết quả ĐTCB phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều hạn chế chưa phát huy hết khả năng ứng dụng của sản phẩm điều tra.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do lĩnh vực ĐTCB biển là lĩnh vực mới, điều tra khắc nghiệt, nguy hiểm; nhiều khu vực điều tra có tình hình an ninh rất phức tạp, công tác khảo sát thực địa trên biển phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết; việc bố trí kinh phí cho các dự án không đáp ứng yêu cầu kế hoạch điều tra... Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác ĐTCB nhìn chung còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; chưa có đủ cơ chế, văn bản pháp lý và nguồn lực nhằm phát huy tối đa vị trí, vai trò của cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về ĐTCB…

Và giải pháp khắc phục

Điều 15, Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009 về quản lý tổng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã quy định rõ “Mọi hoạt động ĐTCB, nghiên cứu khoa học biển phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép”. Song thực tế triển khai cho thấy, các bộ, ngành và địa phương chưa thật sự nghiêm túc thực hiện các quy định nêu trên. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tham mưu giúp Chính phủ trong công tác quản lý tổng hợp thống nhất về điều tra cơ bản biển và hải đảo. Đặc biệt là việc xây dựng các chính sách, quy hoạch, kế hoạch về điều tra cơ bản biển và hải đảo do thiếu các thông tin toàn diện về công tác ĐTCB.

Ngày 25-6-2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Trong đó Luật đã quy định 1 chương (chương 3) về ĐTCB, nghiên cứu khoa học biển. Đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo ở nước ta.

Để đưa nhanh Luật vào cuộc sống, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về điều tra cơ bản biển và hải đảo phải dựa trên năng lực quản lý tài nguyên và môi trường biển; kiện toàn cơ cấu tổ chức để hình thành một cơ quan có vị trí pháp lý đủ tầm, đủ mạnh để bảo đảm thực hiện là cơ quan tham mưu giúp Nhà nước hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng, để phát huy tối đa lợi thế; hạn chế tối đa sự chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ về ĐTCB như hiện nay.

Hai là, tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành về chính sách, chiến lược biển cấp Trung ương và cấp vùng. Đổi mới phương pháp đề xuất, quản lý và triển khai thực hiện các dự án đối với các dự án mang tính chất điều tra tổng hợp liên vùng, liên ngành theo hướng giao cho cơ quan quản lý chuyên trách về điều tra cơ bản chủ trì quản lý, tổ chức điều phối và chịu trách nhiệm chung về tiến độ và kết quả triển khai thực hiện.

Ba là, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương ven biển trong công tác quản lý nhà nước về ĐTCB tài nguyên, bảo vệ môi trường biển. Cũng như nghiên cứu cơ chế xã hội hóa công tác điều tra cơ bản biển và hải đảo theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu điều tra cơ bản.

Nguyễn Thạch Đăng

Cục trưởng Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Theo baonhandan.com.vn

Tệp đính kèm