Cập nhật: 09/12/2016 09:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hợp tác trong xây dựng chương trình phát triển thương mại điện tử sẽ giúp nâng số lượng doanh nghiệp thương mại điện tử thời gian tới.

 

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát

 triển với tốc độ 30%/năm. (Ảnh minh họa: KT)

“Việt Nam có nhiều tiềm năng về thương mại điện tử trong ngành bán lẻ. Đây là xu hướng tất yếu và sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD qua thương mại điện tử…”. Đây là khẳng định của đại diện Bộ Công Thương tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2016 với chủ đề “Thương mại điện tử, công nghệ di động với ngành dịch vụ bán lẻ Việt Nam” do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2015, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ của Việt Nam đạt trên 9,5%. Trong đó, tỷ trọng của bán lẻ truyền thống chiếm tới 80%, bán lẻ hiện đại chiếm 20%.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang phát triển với tốc độ 30%/năm. Nếu như năm 2014 doanh thu qua thương mại điện tử đạt 1.662 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37%. Như vậy, rõ ràng doanh nghiệp Việt đã nhận thức ngày một tích cực về thương mại điện tử bán lẻ.

Mục tiêu đề ra, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Do đó, việc doanh nghiệp hợp tác trong xây dựng chương trình phát triển thương mại điện tử sẽ giúp nâng số lượng doanh nghiệp thương mại điện tử thời gian tới.

Tuy nhiên, con đường khai thác thương mại điện tử tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do trên thị trường có quá nhiều loại thiết bị di động được điều hành bởi những nền tảng công nghệ khác nhau, nên các nhà bán lẻ buộc phải lựa chọn các giải pháp thích ứng chung.

Do đó, doanh nghiệp cần chọn các giải pháp công nghệ bán lẻ, sao cho khách hàng sử dụng các nền tảng hay hệ điều hành thiết bị khác nhau vẫn có thể tiếp cận với kho hàng, mặt khác phải luôn theo dõi các dữ liệu phân tích để biết hành vi mua sắm của người tiêu dùng thông qua hình thức thương mại mới rất nhiều triển vọng này.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, công nghệ mới nhất của công nghệ kỹ thuật số giúp chúng ta đang ở thời đại internet bùng nổ quyết định mọi thứ, tạo một tiền đề rất lớn cho các nhà bán lẻ. Trước đây, bán lẻ chỉ ở thị trường nội địa, ít thấy các nhà bán lẻ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hay các hoạt động thương mại quốc tế.

“Với nền tảng của internet, công nghệ di động và của kỹ thuật số, ngày nay các nhà bán lẻ Việt Nam đã hoàn toàn có thể tự tin rằng, không chỉ có khách hàng, người tiêu dùng đến với các nhà bán lẻ là người Việt Nam. Thị trường này còn có các khách hàng quốc tế từ khắp các nước trên thế giới quan tâm đến sản phẩm và các dịch vụ của nhà bán lẻ Việt Nam”, bà Loan cho biết./.

Theo Chung Thủy/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm