Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận: Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đến khu bảo tồn biển.
Chiều 8/12, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp báo về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ hơn 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét ra biển và giải thích vì sao đề nghị đưa hơn 1.000 ha ra khỏi diện tích Khu bảo tồn biền Hòn Cau đang được dư luận quan tâm.
Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Việc hình thành các dự án Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương. Khu bảo tồn Hòn Cau có tổng diện tích 12.500 ha. Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân gồm 5 nhà máy rộng 710 ha. Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có diện tích mặt nước sử dụng hơn hơn 141 ha.
Trong quá trình triển khai quy hoạch các dự án nêu trên, tỉnh rà soát và nhận thấy có sự chồng lấn về diện tích. Cho nên, trên cơ sở tham mưu ý kiến từ các sở ngành địa phương, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh đưa 1.060 ha bị chồng lấn ra khỏi Khu bảo tồn Hòn Cau.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì họp báo.
Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Tuyệt đối không có việc UBND tỉnh tự cắt giảm diện tích khu bảo tồn biển Hòn Cau cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đến khu bảo tồn biển. Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh”.
Về việc Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xin đổ hơn 1,5 triệu m3 vật liệu nạo vét luồng hàng hải ra biển, UBND tỉnh khẳng định đây mới chỉ là giai đoạn xin phép, đơn vị này chưa thực hiện việc nhận chìm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến địa phương, thì một số cơ quan báo chí đã kịp thời thông tin, ghi nhận ý kiến các nhà khoa học và cử tri lo lắng về việc tác động xấu đến môi trường. Ông Nam cho rằng, đây là việc làm đáng trân trọng.
Qua đó, quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh là kiến nghị với Bộ Tài nguyên Môi trường tiến hành đánh giá lại tác động ảnh hưởng tổng thể của việc nạo vét cũng như việc đổ khối lượng lớn vật liệu nạo vét của các dự án ở Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, trong đó có dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Khi tiến hành rà soát quy hoạch, UBND tỉnh nhận thấy các dự án
bị chồng lấn nên đề nghị điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau.
Ông Nam cho biết thêm: “Phải mời các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành phản biện kỹ càng. Nếu việc nhấn chìm gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái biển, đặc biệt là khu bảo tồn biển Hòn Cau, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội khu vực, đến hoạt động sản xuất tôm giống và đời sống của nhân dân thì kiên quyết đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án khác cho phù hợp, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa của khu vực trong quá trình xây dựng và vận hành khai thác Trung tâm điện lực Vĩnh Tân”.
Việc cấp phép đổ hơn 1,5 triệu m3 nạo vét ở dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng như việc điều chỉnh diện tích Khu bảo tồn Hòn Cau đều thuộc thẩm quyền của các Bộ ngành Trung ương. UBND tỉnh Bình Thuận mong muốn tới đây các Bộ ngành trung ương có hướng giải quyết phù hợp nhất, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường tại địa phương./.
Theo Việt Quốc/VOV.VN - TP HCM