Cập nhật: 09/12/2016 17:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề gốm ở tổ dân phố 9 Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang) vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là 1 trong 6 nghề truyền thống của tỉnh.

Nghề gốm ở Lư Cấm nằm bên bờ sông Cái, TP. Nha Trang, hình thành từ đầu thế kỷ 19. Để nhớ công ơn của tiền nhân, người dân làng gốm đã chọn khu đất đẹp xây miếu thờ tổ nghề gốm của làng với tên gọi miếu Đào Nghệ. Đến năm Tự Đức thứ 27 (1874), trên khu đất này, người trong làng đã xây dựng đình Lư Cấm để làm nơi hội họp, thờ phụng những người có công ơn. Hiện tại, ở đình vẫn còn bảng ghi công ơn 18 chức sắc và bá hộ cùng 34 người dân đã có công lao xây dựng làng gốm. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được 3 sắc phong của vua triều Nguyễn cho ông tổ nghề gốm làng Lư Cấm (Vua Thành Thái ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần năm 1903; 6 năm sau (1909), vua Duy Tân lại ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần; năm 1924, vua Khải Định ban sắc phong Đào Nghệ Tôn Thần). 


Người thợ khéo léo thực hiện các công đoạn để có một chiếc bếp lò đẹp.

Làng gốm Lư Cấm sản xuất các mặt hàng gốm đa dạng như lu, vại, lò, bình… Vào thời hưng thịnh nhất, các sản phẩm của làng được đưa xuống thuyền vận chuyển đến nhiều nơi, vào Phan Rang ra Phú Yên. Sau đường thủy, giao thông đường bộ phát triển, gốm ở làng được các lái buôn tới tận nơi mua, chủ yếu là gánh hoặc tải bằng xe đạp đi khắp mọi miền chào bán. Gốm Lư Cấm được làm từ loại đất sét Vĩnh Thạnh nên có màu sắc tươi đỏ, hồng rất đẹp. Người thợ gốm sản xuất có tay nghề cao nên món hàng có tuổi thọ lâu.

Hiện nay, gốm Lư Cấm chỉ còn sản xuất bếp lò cổ truyền. Để có một chiếc bếp lò đẹp, sử dụng tốt, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn. Đất được trộn, nhồi với nước cho nhuyễn để có độ kết dính, rồi theo kinh nghiệm chia ra từng phần nhỏ, mỗi phần đủ tạo ra một chiếc lò – người thợ gọi là “ra cỡ”. Khung làm lò bằng tôn, lót một lớp tro mỏng để tránh đất sét dính vào khuôn. Sau khi đổ thân lò, người thợ phải để đến ngày mai cho đất ráo mới tạo dáng lò, gắn thêm các quai lò, làm cửa lò, vỉ lò. Lò làm xong được đem phơi cho thật khô, sau đó đặt vào lò nung.

Lò nung lò cũng giống như lò nung gạch, thường được nung liên tục trong vòng 24 giờ bằng củi hoặc trấu. Khi lò chín có màu đất đỏ rất đẹp. Cuối cùng là đợi lò nguội rồi xuất bán ra thị trường. Người mua về làm thêm vỏ bọc bằng tôn để giữ độ bền cho lò. Lò sản xuất tại Lư Cấm được thị trường ưa chuộng bởi tạo dáng, màu sắc đẹp, độ bền cao và giữ được sức nóng tốt.


Bếp lò Lư Cấm được thị trường ưa chuộng bởi tạo dáng đẹp, màu lò đẹp, độ bền cao và giữ được sức nóng tốt.

Tuy nhiên, nghề gốm ở Lư Cấm đang dần mai một. Hiện chỉ còn 3 hộ làm nghề nhưng cũng chỉ làm cầm chừng cho hết số đất đã mua vì đầu ra không có, không cạnh tranh được về giá với bếp lò của các địa phương khác do chi phí đầu vào cao… Bà Đỗ Thị Hòa (tổ 9 Lư Cấm) cho biết: “Giá lò của các tỉnh khác rẻ hơn lò Lư Cấm 10.000 đồng/cái vì họ có sẵn nguồn nguyên liệu, lấy đất tại ruộng không phải mua đất ở xa về như chúng tôi. Đầu ra không có, lò vẫn nằm trong kho, đất để làm lò cũng không còn nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đây là nghề truyền thống nên vẫn cố gắng duy trì nhưng khi chúng tôi tuổi cao sức yếu thì cũng chẳng còn ai làm vì lớp trẻ không ai theo nghề này nữa”.

Những năm gần đây, đi thăm làng gốm Lư Cấm là một phần không thể thiếu với các tour du lịch ở Nha Trang. Đến làng gốm, du khách cũng có thể nhập cuộc trở thành một người thợ lò như cùng nhồi đất, đưa đất vào khuôn, tạo dáng cho lò… để tự tay tạo ra những chiếc lò đất của riêng mình. Tuy nhiên, số lượng các đoàn khách đến với làng gốm Lư Cấm cũng không nhiều và không đều. Vì vậy, thu nhập của người dân từ hoạt động du lịch cũng không đáng kể.

Để nghề gốm hơn 200 năm tuổi này có thể tồn tại, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đơn vị, các ngành chức năng. 

Sưu tầm

Tệp đính kèm