Giới chuyên gia cùng chia sẻ nhận định chung rằng năm 2016, thị trường bất động sản Việt Nam có diễn biến ổn định.
Năm 2016, phân khúc nhà ở giá rẻ tiêp tục được săn đón khi nguồn cầu
rất lớn nhưng nguồn cung lại ngày càng khan hiếm. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo đánh giá của nhà phân tích kinh tế Cấn Văn Lực, căn cứ vào số liệu 9 tháng đầu năm 2016, nếu như năm 2015 được đánh giá là năm cực kỳ ấn tượng của thị trường bất động sản Việt Nam với sự tăng trưởng mạnh mẽ và đột biến, thì năm 2016, theo ông, tình hình đã diễn biến ổn định hơn và chất lượng hơn.
Bất ổn cung cầu?
Tại hội thảo “Thị trường Bất động sản 2016 - Toàn cảnh và dự đoán” diễn ra sáng 10/12, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và bất động sản, kết hợp với trang thông tin batdongsan.com đã cùng nhau đưa ra một số đánh giá về diện mạo thị trường Bất động sản năm 2016.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà ở (Bộ Xây Dựng), thông qua các chỉ số thống kê của năm 2016, có thể thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang có dấu hiệu nguồn cung chưa theo đúng xu hướng nguồn cầu. Chuyên gia này nhận định rằng ở thời điểm hiện tại, nguồn cung tại phân khúc nhà ở cao cấp đang cao hơn nguồn cầu, trong khi đó, nguồn cầu phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ lại đang vượt nguồn cung.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)
Đồng quan điểm với ông Hà, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định rằng phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội có dấu hiệu chững về nguồn cung. Năm 2016, nguồn cung nhà ở giá rẻ chỉ chiếm 19% tổng cung tại Hà Nội và 20% tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Du lịch nghỉ dưỡng khởi sắc
Năm 2016 đánh dấu phát triển mạnh mẽ cùa loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, thu hút sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Khảo sát cho thấy khu vực ven biển miền Trung và miền Nam là tâm điểm của loại hình này với sự xuất hiện của hàng loạt dự án lớn của các đại gia như Vingroup, Sungroup, FLC. Đặc biệt, theo khảo sát của batdongsan.com.vn, các dự án này thu hút 1 lượng lớn nhà đầu tư ở thủ đô Hà Nội.
Năm 2016, năm phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng đạt được khởi sắc.
Theo đại diện tập đoàn CEO Group, năm 2017, du lịch được Việt Nam xác định là 1 trong những lĩnh vực trọng tâm phát triển, cho lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục khởi sắc và mang đến nhiều cơ hội.
Lý giải về sự khởi sắc này, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho rằng năm 2016, phân khúc này khởi sắc do được nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Đây là phương thức đầu tư ít truyền thông. Việc chia sẻ đầu tư của chủ dự án, góp phần mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên chuyên gia này cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên chú ý tới một số rủi ro của loại hình này như: thời hạn sử dụng đất, rủi ro từ hợp đồng hay xu hướng thừa cung khi trên cùng một địa bàn có quá nhiều dự án đầu tư.
Dừng giải ngân gói 30.000 tỷ
Năm 2016, phân khúc nhà ở giá rẻ tiếp tục được săn đón khi nguồn cầu rất lớn nhưng nguồn cung lại ngày càng khan hiếm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ sắp dừng giải ngân.
Sau ngày 31/12 tới đây, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ sẽ dừng giải ngân sau khi đã hoàn thành cam kết. Ở thời điểm hiện tại, chưa có gói tín dụng ưu đãi tiếp theo. Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, việc dừng gói hỗ trợ này sẽ làm giảm động lực phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ khi người mua nhà và chủ đầu tư không thể tiếp cận vốn ưu đãi nữa.
Đầu tháng Sáu, người có nhu cầu mua nhà thu nhập thấp cả nước đón nhận tin vui khi Chính phủ có quy định mới về mức lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng chính sách xã hội theo Nghị định 100/2015 NĐCP. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai vẫn chỉ nằm trong văn bản hướng dẫn trong khi thời gian hết hạn áp dụng chương trình là hết ngày 31/12/2016. Về vấn đề này, ông Võ bày tỏ: “Cho đến nay chúng ta chưa nhìn thấy nguồn lực này sẽ tác động đến phân khúc nhà ở xã hội như thế nào”.
Chuyên gia này nhận định rằng việc giải quyết vấn đề nhà ở thương mại giá rẻ cần được coi là mục tiêu chính, mục tiêu trọng tâm hơn là loay hoay với việc tìm cách phát triển nhà ở xã hội, với sự trợ giúp mang tính chất bao cấp của nhà nước. Ông Võ đưa dẫn chứng về sự kiện mới đây khi Vingroup và Mường Thanh lần lượt đưa ra thông tin về nhà ở giá rẻ với mức giá hấp dẫn. .
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ phân tích về
cách giải quyết vấn đề nhà ở thương mại giá rẻ. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)
“Tất nhiên mức giá nêu ra chưa cho thấy hoàn toàn bản chất, tuy nhiên theo tôi, đó là những tín hiệu rất tốt. Khi phân khúc được thị trường giải quyết, sẽ tốt hơn nhiều,” nguyên thứ trưởng khẳng định.
Giá cả Bắc, Nam cùng nóng
Theo khảo sát của batdongsan.com.vn, 2016 chứng kiến việc tăng giá cục bộ tại 1 số khu vực điểm nóng như khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, vùng ven biển Đà Nẵng và Tây Hà Nội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, so với thời điểm cuối 2015, đầu 2016, khu vực phía Đông ghi nhận sự tăng giá mạnh của bất động sản sơ cấp, thứ cấp ở nhiều phân khúc đất nền, chung cư, nhà phố liền kề. Tại Đà Nẵng, giá đất nền trung tâm thành phố và ven biển cũng tăng từ 20 đến 30% so với cuối năm 2015.
Tại Hà Nội, tuy giá không tăng mạnh nhưng các quận Cầu Giấy, Nam Bắc Từ Liêm, Hoài Đức vẫn duy trì sức nóng tại khu vực phía Tây Hà Nội trong những năm qua.
Khu vực miền Bắc cũng sôi động khi các “đại gia” như Vingroup, Sungroup, FLC mạnh tay đổ vốn vào các dự án tại Quảng Ninh, Sapa. Riêng tại Sapa, việc bùng nổ các dự án nhà ở, khu đô thị, nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao đã tạo nên hiệu ứng tăng giá đất đô thị Lào Cai lên cao, có nơi thậm chí tăng giá gấp đôi.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, khả năng “sốt cao” của toàn thị trường bất động sản hoặc một phân khúc nào đó trong năm 2017 là không cao, tuy nhiên, thị trường bất động sản 2017 sẽ có sức nóng cao hơn so với năm 2016.
Theo VÕ PHƯƠNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-dien-mao-bat-dong-san-viet-nam-nam-2016/420176.vnp