Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1964. Đình Thổ Tang thuộc thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong số các ngôi đình tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đình làng Bắc Bộ (thế kỷ XVII).
Đình Thổ Tang
Là một trong những ngôi đình cổ nhất còn lại hiện nay của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với các ngôi đình nổi tiếng xứ Đoài như: Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Mông Phụ…. Đình Thổ Tang thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương, vị tướng có công đánh giặc Nguyên Mông thời Trần.
Trải qua hàng trăm năm đến nay đình Thổ Tang còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê. Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai tòa kiến trúc bố cục theo hình “chữ Đinh” với đại bái 5 gian 2 dĩ và 2 gian hậu cung, dựa trên hệ thống 60 cột làm bằng gỗ tốt đại khoa (đường kính cột cái là 0,8m, cột quân 0,6m) tạo ra diện tích sử dụng gần 400m2. Kết cấu bộ vì chính của đình theo kiểu thức “chồng rường- giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng cốn, hạ kè- bẩy”, đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ XVII-XVIII) đã tạo ra nhiều hơn các mảng cấu kiện kiến trúc để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các mảng chạm trổ tinh xảo. Trong đình hiện còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc gỗ độc đáo và hết sức tinh tế trên các thành phần kiến trúc: thân kè, thân bẩy, thân rường. Đây là những di sản vật thể, minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất học, đất nghề, đất giao thương với trăm miền.
“Hội mùa” tranh khắc đình Thổ Tang
Tiêu biểu là bức chạm: Ngày hội xuống đồng, ở ngay hè đình, cạnh cửa ra vào, miêu tả ngày hội xuống đồng thuở trước với nhiều nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội thu nhỏ trong một ngôi làng mà trung tâm là người đang cày ruộng với trâu, cho thấy một không khí ngày hội xuống đồng đầu năm tưng bừng. Bên cạnh gian đình trong phía phải là bức chạm bắn hổ, thể hiện sức mạnh, sự mưu trí của con người chinh phục và làm chủ tự nhiên, ngay cả với những loài thú dữ. Bức chạm Đá cầu tả cảnh đá cầu, được đặt ở ngách cột cái gian cạnh hình vuông, thể hiện hình ảnh hai người đá cầu khá đẹp cùng những động tác vô cùng sống động.
Đầu dư đình Thổ Tang
Thu hút sự quan tâm của du khách khi đến thăm đình là bức chạm Múa với hai người đang trong động tác múa uyển chuyển, đầu chít khăn, tay cong xòe rộng; một người ngồi xem tay vuốt râu, dưới là một con rồng. Nhất là ba tầng chạm trổ tinh tế của cửa võng đình làng.
Tầng trên chạm Cửu Long tranh châu. Tầng giữa chạm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên có hai hình phượng đang bay cùng nhiều đao mác vần mây. Tầng dưới chạm lục tiên, cửu trùng, gai dứa rất đẹp mắt và sống động. Trên cửa vọng treo bức hoành phi Hòa Vi Quý (Hòa là quý). Bên trái cửa võng gần hậu cung còn có bức chạm cảnh sinh hoạt của đời sống nông thôn Việt Nam, thể hiện cảnh một gia đình với trung tâm bức chạm là hình ảnh một đôi trai gái đang tình tự. Bốn góc bức chạm tả cảnh sinh hoạt trong cuộc sống gia đình: Từ cảnh chồng đèn sách, vợ chăm con… Có thể nói, những bức chạm này không chỉ đạt tới độ điêu luyện trong kỹ thuật điêu khắc gỗ dân gian, từ bố cục, tạo dáng, đục bong chạm thùng mà còn mang những nội dung và triết lý nhân sinh sâu sắc.
“Uống rượu” bây đình Thổ Tang
Do tác động của thời gian, khí hậu, hiện nay một số hạng mục của đình Thổ Tang đã xuống cấp nghiêm trọng, một số bức chạm khắc không còn được nguyên vẹn, không đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách thập phương khi đến tham quan và tham gia các hoạt động tín ngưỡng. Rất mong các cấp chính quyền, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm…quan tâm tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để trùng tu, tôn tạo…góp phần giữ gìn và phát huy giá trị đặc sắc của di tích lịch sử Đình Thổ Tang. Để đình Thổ Tang cùng với chùa Tùng Vân, miếu Trúc Lâm tạo thành một quần thể di tích độc đáo, một điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh huyện Vĩnh Tường.
ST