Chùa Bảo Sơn nằm ở ven thôn Khả Do- xã Nam Viêm- thị xã Phúc Yên, trong một khuôn viên rộng rãi, địa thế đẹp, thoáng mát, hướng Tây Nam, trước Chùa có cây đại cổ thụ ngào ngạt hương thơm, tô điểm cho chốn thiền tôn thêm vị vu tịch, đồng thời cũng ngầm giới thiệu cho chúng sinh một ngôi chùa cổ kính đã có vài ba trăm tuổi.
Ảnh minh họa
Theo Ngọc phả, chùa Bảo Sơn được xây dựng từ thời Trần, do công chúa Hưng Nương, con vua Trần Anh Tông cấp tiền và đứng ra cùng nhân dân Khả Do xây dựng cũng như tu sửa. Tuy nhiên, hiện tại theo khảo sát chưa phát hiện ra những yếu tố nào của thời Trần. Kiến trúc và di vật của chùa Bảo Sơn hiện nay chủ yếu là thời Hậu Lê. Trước chùa có một cây hương đá có ghi “ Vĩnh Thịnh tam niên tuế thứ Đinh Hợi trọng xuân cốc nhật”. Tức là cây hương làm vào ngày tốt tháng hai năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ ba (1705). Như vậy có thể đoán định được rằng, chùa Bảo Sơn có từ thời Trần, song đến cuối thế kỷ thứ 17, do nhu cầu thờ phụng và tạc nhiều tượng nên nhân dân đã mở rộng và làm lại lớn như ngày nay. Đây là một ngôi chùa khá đồ sộ về kiến trúc và đặc sắc về nghệ thuật tạc tượng của thời Lê Trung Hưng.
Chùa Bảo Sơn làm hình chữ công (I) gồm ba tòa: Tiền đường, Thiêu hương và thượng Điện. Tiền Đường gồm 5 gian, Thiêu Hương 3 gian và thượng Điện 5 gian. Với 56 chiếc cột được kết cấu với nhau theo kiểu chồng giường- giá chiêng kẻ chuyền, tạo nên một bộ khung kiến trúc khá bền chắc. Riêng các kẻ chuyền được trang trí mây cụm đóc lòng tôm, còn các cột xà đều được bào nhẵn đánh bóng cẩn thận. Chân các cột kê các tảng đá để chống ẩm, mái chùa được lợp ngói mũi hài theo kiểu đóng ốc vẩy rồng thẳng ke các góc mái đều được đắp đao cong vút, nóc mái là đôi rồng chầu mặt nguyệt cỡ lớn rất đẹp. Kiến trúc chùa Bảo Sơn khá đồ sộ, quy mô chắc khỏe, song không kém phần thanh thoát, sinh duyên. Các hiệp thợ dân gian cuối thế kỷ 17 đã rất thành công trong thiết kế và gia cố kiến trúc chùa này để rồi gần 3 thế kỷ đã qua, mặc cho phong ba bão táp cửa miền nhiệt đới ẩm, chùa vẫn vững bền đứng đó, phục vụ chúng sinh và các nhà tu hành thờ Phật cầu thần, để đạt giác ngộ chứng quả, đồng thời là cảnh quan đẹp, niềm tự hào của nhân dân Vĩnh Phúc nói chung, người dân Nam Viêm nói riêng.
Chùa Bảo Sơn có quy mô kiến trúc lớn song không trạm trổ cầu kỳ. Có lẽ các nghệ nhân thửa trước đã chủ định dành cho nghệ thuật tạc tượng. Với 59 pho tượng to nhỏ khác nhau, được bài trí khá dày đặc ở cả ba tòa khiến cho chùa Bảo Sơn đẹp uy nghi.
Ở tòa tiền đường có các tượng khuyến thiện- trừng ác, thánh tăng và đức ông bày đăng đối với nhau qua trục thần đạo ở gian giữa.
Tòa Thiêu Hương chỉ có 3 gian dọc nối tiền đường với thượng điện, song cũng bày 10 pho tượng thập điện diêm vương giáp tường chia đều sang hai bên, mỗi bên 5 pho đối diện nhau. Các pho ở đây đều có kích thước bằng nhau, đều cao 0,78m làm kiểu phù điêu, bày giáp vào tường, đầu đội mũ bằng, nét mặt nghiêm, 6 pho tay cầm minh kính giơ trước ngực, còn 4 pho tay để lên gối. Nhìn chung đều được tạo dáng đẹp, chạm khắc tinh tế.
Nối với Tòa Thiêu Hương là thượng điện 5 gian, chính giữa là thờ Phật, bên trái thờ công chúa Hưng Nương, và bên phải thờ Tam Thánh và Phật tổ. Phần lớn tượng được bài trí cao dần về phía trong.
Hệ thống tượng chính giữa thờ Phật. Ngoài cùng là tượng thích ca sơ sinh ( còn gọi là tòa cửu long), toàn bộ cao 0,96 m. Gồm 9 con rồng cuốn lấy nhau tạo thành một hình bán nguyệt phủ kín những dao mác vân mây rất đẹp. Phía trên cùng là một đầu rồng lớn được chạm nổi bật hẳn ra ngoài bờm tóc dài cong đều nhau vút ra sau. Còn tám đầu rồng khác chia đều sang hai bên, mỗi bên bốn rồng chầu vào phía trong có tượng Thích ca tỏ ý phun nước cho Thích ca tắm lúc mới sinh ở vườn lâm- Tỳ- Ni.
Tiếp đó là tượng Ngọc Hoàng, tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn, tượng A di đà tâm tôn, Tượng Tam thế, tượng công chúa Hưng Nương, tượng quan âm Tống tử, tượng Tam thánh và Phật tổ… Hệ thống các tượng chùa Bảo Sơn với 59 pho tượng to nhỏ khác nhau, được tạo dựng bằng nghệ thuật chạm khắc hết sức tinh vi, điêu luyện. Đó là trình độ cao về tạo dáng kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật đặc tả và trang trí trên tượng tròn cả về đường nét và màu sắc. Khiến cho các tượng ở đây tuy cùng một phong cách chạm trổ song mỗi pho lại có vẻ riêng, đặc tả riêng. Những nội dung, tích chuyện của từng nhân vật được thể hiện rõ nét, dễ hiểu, gần gũi. Đây là thành công nổi bật của nghệ thuật tạc tượng chùa Bảo Sơn, nghệ thuật tạo hình Việt Nam cuối thế kỷ 17. Với số lượng và chất lượng như vậy, tượng chùa Bảo Sơn là những tác phẩm quý về mỹ thuật cổ dân gian của nhân dân ta.
Cùng với hệ thống tượng quý giá, chùa Bảo Sơn còn vô số các đồ thờ tự bằng các chất liệu khác nhau được bài trí trong chùa như: các bức hoành phi, đôi câu đối, mầm bồng, đài rượu, ống hương, lọ hoa, mâm ấn được làm bằng gỗ; bát hương sứ được vẽ hình rồng chầu tinh tế, sắc xảo; quả chuông cao 1,51m đúc năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) được làm bằng chất liệu đồng, là cổ vật quý thời Tây Sơn; cây hương được làm bằng đá được đặt trước tiền đường giữa sân, cao 1,33m, các diềm cạnh đều chạm nổi hình hoa cúc dây. Mặt trước có chữ Bảo Sơn tự. Cây hương được làm vào tháng 2 năm Đinh dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ ba (1705). Đồ giấy có cuốn Ngọc phả do hàn lâm viên đông các đại học sỹ Nguyễn Bính viết vào ngày 10 tháng giêng năm Hồng Đức thứ nhất (1470), quản giám bách thần tri diện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Hựu thứ 3.
Chùa bảo Sơn được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 với ba tòa 13 gian, kiến trúc vững chãi, đây là ngôi chùa khá đồ sộ thời hậu Lê còn lại đến ngày nay. Trong chùa có 59 pho tượng tròn, 5 hoành phi, 8 đôi câu đối và nhiều di vật khác được tạo dựng và trang trí đẹp đẽ, đó là những tác phẩm quý về nghệ thuật cổ dân gian của nhân dân ta thời xưa. Cùng với thờ phật, chùa còn thờ công chúa Hưng Nương con vua Trần Anh Tông, đã có công dẹp giặc , giữ gìn và xây dựng đất nước. Đồng thời bà cũng có công sáng lập và tu bổ chùa Bảo Sơn.
Chùa Bảo Sơn là một di sản quý trong kho tàng văn hóa của nhân dân ta, góp phần tìm hiểu lịch sử phát triển của lịch sử và nghệ thuật dân tộc, phục vụ đắc lực cho tham quan du lịch và giáo dục truyền thống. Trong suốt những năm tháng qua, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bom đạn, chiến tranh phá hoại, Chùa Bảo Sơn vẫn được Chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm bảo vệ, tu sửa. Đợt tu sửa gần đây nhất là năm 1985, chùa đã được đảo ngói và thay một số chi tiết, nhân dân luôn quét dọn, bảo vệ hàng ngày nên chùa luôn được đẹp đẽ, sạch sẽ. Tuy nhiên, hiện nay Chùa Bảo Sơn đã xuống cấp nhiều, diện tích chùa đã bị thu hẹp hơn so với trước đây, mưa nắng và thời gian đã làm đã làm cho mái ngói bị vỡ hỏng, kèo cột đã không còn như trước. Trước những hậu quả do thời tiết, khí hậu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến di tích. Để Chùa Bảo Sơn tồn tại, phục vụ lâu dài nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đề nghị các cấp Chính quyền và nhân dân địa phương tích cực và có những biện pháp hữu hiệu trong công tác tôn tạo và bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia này.
ST