Cập nhật: 14/12/2016 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Làng Dư Dụ (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là làng nghề còn lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ qua nhiều đời cha truyền con nối. 

Nghệ nhân Đặng Văn Thành đang hoàn thành bức tượng điêu khắc Phật Di Lặc.

Đình Dư Dụ thờ ông tổ làng nghề cũng đã trên 500 năm. Thời Minh Mạng (1820 – 1840), hàng chục thợ làng nghề Dư Dụ vào kinh đô Huế xây dựng cung đình triều Nguyễn, nhiều thợ giỏi được vua Minh Mạng ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn, bổng lộc ngay tại cố đô Huế.

Người dân Dư Dụ làm nghề điêu khắc, trở thành những người thợ làng nghề - nghệ nhân dân gian ở làng quê Việt. Lớp thợ cả khi cao tuổi miệt mài truyền lại kinh nghiệm làm nghề cho thế hệ sau, giúp họ kế tiếp phát huy nâng cao những tuyệt kỹ nghề chạm khắc gỗ Dư Dụ. Với bàn tay, khối óc tài hoa và cả cái tâm làm nghề, những người thợ tạc tượng Dư Dụ có mặt khắp đất nước tạo dựng những tác phẩm điêu khắc độc đáo cả về kích thước, độ tinh xảo.

Chúng tôi tới Dư Dụ và chứng kiến từ đầu đến cuối làng đâu cũng gặp người dân thuộc nhiều thế hệ các tầng lớp già, trẻ, gái, trai... mải mê làm nghề điêu khắc gỗ. Tiếng đục lách cách, tiếng cưa xẻ gỗ sè sè, mùi gỗ mới, mùi sơn lan tỏa. Tại cơ sở gỗ mỹ nghệ Đức Huy, một nhóm thợ độ 10 người đang thoăn thoắt đưa đục làm những bức tượng Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thế Tôn...

Những sản phẩm điêu khắc gỗ của Dư Dụ dùng trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất, có cả những pho tượng bề thế đặt trang trọng tại các ngôi chùa rải khắp từ Bắc vào Nam. Tượng gỗ điêu khắc Dư Dụ phổ biến với các mẫu mã đáp ứng nhu cầu những người có thú chơi trưng bày biểu tượng sự may mắn yên vui qua hình tượng ông Phúc – Lộc – Thọ, Phật Di Lặc, với nhiều kiểu dáng. Những người dân quê bình dị, chuyên căn, tỉ mẩn khéo léo trong từng chi tiết đục, chạm tạo nên ông Phật Di Lặc ấm no căng tròn miệng cười tươi vẻ lạc quan yêu đời, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mặt hiền từ và cái tai trường thọ. Theo lớp thợ cả hàng chục năm theo nghề, cái giỏi và khéo nằm ở chỗ: trên từng thớ gỗ, người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm nhấn đặc biệt nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp, vừa mang nét độc đáo có một không hai mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được.

Những cơ sở điêu khắc tượng gỗ như Viết Liên, Tuyết Bôn, Nhất Phương, Nam Phương, Tiến Đăng... nơi chúng tôi tới đều có những mẫu mã đa dạng, phong phú. Trước kia, sản phẩm điêu khắc Dư Dụ chủ yếu từ các loại gỗ quý hiếm. Nay đã dần thay thế bởi các loại gỗ thông dụng như gỗ mít, gỗ xà cừ... Nguyên liệu gỗ nhập về chủ yếu từ Lào Cai, Yên Bái... Từ những mảnh gỗ nhỏ, bình thường qua bàn tay khối óc người thợ Dư Dụ trở thành có hồn, sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hữu ích. Kế thừa kỹ năng điêu khắc tài hoa truyền đời qua nhiều thế hệ, người thợ dân quê Dư Dụ đầy sáng tạo khéo léo trong sản phẩm truyền thống đồng thời luôn có sản phẩm mới. Họ thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người, từng họa tiết nhỏ của sản phẩm tượng gỗ. Từ khối gỗ lụa có thể tạo ra tượng Bồ Đề Lạt Ma với vạt áo cà sa ẩn hiện trong làn mây mờ và cây gây huyền bích.

Ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật tạo hình về sự cân đối, hài hòa, mực thước, người thợ chế tác tượng còn cần tính toán theo quy luật âm dương ngũ hành, thuật phong thủy. Giá trị cao của tượng điêu khắc gỗ làm ra biểu hiện phải mang đậm triết lý phương Đông, tuân thủ một cách chặt chẽ cả về chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc, sao cho đúng với y quẻ trong bát quái: Hướng Nam là âm Hỏa có tinh nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè, cùng danh vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Hướng Bắc vốn là dương thủy, thích ứng với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp. Hơn nữa, việc đặt các bức tượng vào các vị trí phù hợp cũng quan trọng không kém bởi đâu có ảnh hưởng tới sức khỏe, sự nghiệp, tài lộc, tài trí... của gia chủ.

Mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà: Cung Phú quý đặt tượng Phật Di Lặc; Cung quý nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư... Tượng Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, là vật phẩm tôn kinh trong phong thủy, khi trưng bày trong nhà sẽ mang lại nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tượng Phúc – Lộc – Thọ tượng trưng cho 3 vị thần này trong nhà nhằm thu hút vượng khí chủ về phúc lộc, thọ.

Với những ứng dụng mới của khoa học công nghệ, nghệ nhân làng nghề Dư Dụ đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số công đoạn pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm vốn trước chỉ làm bằng thủ công. Các loại máy phun sơn, máy cưa, máy tiện cùng một số công cụ khác hỗ trợ thiết thực giúp người thợ nâng cao tay nghề tinh xảo, sáng tạo mẫu mã, tạo được họa tiết độc đáo mới lạ cho sản phẩm điêu khắc trên các chất liệu gỗ.

Sản phẩm làng nghề điêu khắc tượng gỗ Dư Dụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan và các nước khu vực Đông Nam Á. Thu nhập từ làng nghề điêu khắc tăng và chiếm tỷ trọng chính, thu nhập bình quân thợ làm đạt gần 5 đến 6 triệu/ tháng, Những bức tượng Phật Di Lặc, tượng tiên nữ, tượng phù điêu, tượng linh vật... biểu tượng mang lại sự yên ấm, thanh bình mang đậm dấu ấn tài hoa của thợ điêu khắc làng quê Việt tạo nên sự hấp dẫn cuốn hút của điểm du lịch làng nghề Dư Dụ vùng ven đô Hà Nội./.

 

http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Lang-dieu-khac-tuong-go-Du-Du/20147/11963.vnplus

 

 

 

 

Tệp đính kèm