Là đất cọ nên nghề làm nón phát triển ở Phú Thọ cũng là lẽ thường. Tuy vậy, bao năm qua, nón lá trắng, nón lá già Phú Thọ vẫn chỉ bó gọn trong không gian hẹp, âm thầm và miệt mài. Không có tiếng tăm như nón làng Chuông (Hà Tây) hay nón bài thơ xứ Huế, nón Phú Thọ có nét thanh tú, hài hoà, bình dị, bền và đặc biệt rất thích hợp túi tiền người lao động.
Phú Thọ có nhiều nơi làm nón lá, nhưng ở quy mô làng thì chỉ có ở Sơn Nga, Sai Nga, Thanh Nga, gần đây thêm Đông Phú, Phú Khê. Trong đó Sơn Nga là làng nghề lâu đời nhất của vùng nón nhưng nay làm ít và kém hiệu quả. Sai Nga là làng trù phú nhất, từ vài chục năm qua, tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp các công việc về nón, mỗi nhà trở thành một công xưởng nhỏ với các công đoạn nhịp nhàng từ phẳng lá hồ, chẻ vanh tới cắt, ghép, khâu.
Một chiếc nón đẹp phải đảm bảo mái nón phẳng phiu, đường khâu mượt mà, những vết khâu trải trên mỗi vành theo những khoảng cách đều tăm tắp. Giữa hai lớp lá mỏng, người ta gài vào lòng nón những hình trổ như hình hoa lá, đôi nét kiến trúc cổ kính và đôi khi cả mấy câu thơ trữ tình, lặng thầm mà đầy thi tứ:
Bình, dị, trắng, bền là nón Sông Thao
Hỡi ai đi ngược về xuôi, muốn đội nón đẹp thì về Sông Thao.
ST