Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam kỉ niệm 110 năm ngày sinh họa sĩ Tô Ngọc Vân (15/12/1906-15/12/2016).
Họa sĩ Tô Ngọc Vân tốt nghiệp khóa 2, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là họa sĩ tài năng, nổi tiếng từ trước cách mạng Tháng Tám, với những tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa...
Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên tiếp thu nghệ thuật phương Tây một cách sáng tạo, có kế thừa truyền thống dân tộc để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao, tiêu biểu như: "Thuyền trên sông Hương", "Thiếu nữ bên hoa huệ", "Thiếu nữ bên hoa sen"... Riêng bức tranh "Thiếu nữ và hai em bé" của ông được xếp hạng là bảo vật quốc gia (2013).
Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã cùng nhiều văn nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc sống trong lòng nhân dân và chiến sĩ. Tại đây, ông đã sáng tác nhiều bức tranh sơn mài, ký họa về Tây Bắc, kí họa về nông dân cải cách ruộng đất năm 1953 bằng màu nước...
Chỉ 48 năm tuổi đời, 28 năm tuổi nghề nhưng họa sĩ Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ bậc thầy, uyên bác. Cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, ông là người đặt nền móng cho ngành Lý luận phê bình Mỹ thuật, góp phần đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu tiên của nền Mỹ thuật Việt Nam.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết: "Những dấu ấn mà họa sĩ Tô Ngọc Vân để lại chính là việc mở đường cho cách nhìn mà không phải nghệ sĩ nào cũng có. Bởi vì cái nhìn đó của Tô Ngọc Vân là không tái hiện một hiện thực sẵn có ngoài đời mà đưa vào trong tác phẩm những khuynh hướng, suy cảm cá nhân.
Tuyên ngôn của ông là: Một bức tranh đẹp không chỉ ở ngoài đời mà chính là nội tâm tác giả thể hiện ra. Chúng ta thấy Tô Ngọc Vân đã bắt đầu đặt vai trò của nghệ sĩ chứ không phải là người biên chép hiện thực như thế nào vào trong tác phẩm".
Họa sĩ Tô Ngọc Vân được vinh danh là một trong tứ đại danh họa của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn. Ông là một trong 8 họa sĩ hàng đầu Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1./.
Theo vov.vn