Cập nhật: 17/12/2016 10:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh quai bị thường xuất hiện thành dịch lây lan vào tháng 12 với thời tiết chuyển giao của mùa đông - xuân.

Một cháu bé 13 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương do mắc bệnh quai bị. Các bác sĩ thông báo cháu Minh đã bị “teo” một bên tinh hoàn do biến chứng của bệnh quai bị.

Bệnh quai bị có thể gây biến chứng vô sinh ở nam giới.

Gia đình lo lắng sau khi biết bệnh tình của con, mẹ cháu bé chia sẻ: “Lúc đầu thấy con sốt, ho, tôi chỉ nghĩ là bị cảm cúm hoặc sốt virus thông thường. Đến khi hàm bên phải của cháu sưng to tôi mới nghi bị quai bị và vội vàng đưa đi khám thì đã bị biến chứng. Hiện tôi đang rất lo lắng chỉ sợ ảnh hưởng đến việc sinh con của cháu sau này”.

Bác sĩ bệnh viện cho biết, đối với trường hợp bệnh nhi bị teo một bên tinh hoàn như trên thì không nên quá lo lắng, vì cậu bé còn một bên tinh hoàn và vẫn có khả năng sinh sản bình thường.

TS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương nói: “Điều quan trọng lúc này là bảo tồn bên tinh hoàn còn lại để không bị teo và điều trị khỏi dứt điểm bệnh quai bị cho cháu.

Vì vậy, để tránh nguy cơ bị biến chứng vô sinh, chúng ta cần phải biết những biện pháp phòng chống, phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh và cách chữa trị bệnh quai bị".

Biện pháp phòng bệnh

- Tiêm vacxin phòng bệnh quai bị, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng bệnh quai bị, để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong thời gian dài hoặc có thể suốt đời.

 

Tiêm vắc xin phòng chống bệnh quai bị là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ.

- Những người đã tiếp xúc với bệnh nhân bị quai bị mà chưa tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị thì cần phải tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị ngay để có thể bảo vệ bản thân tránh nhiễm bệnh. Lưu ý cần tiêm vắc xin phòng quai bị không quá 72 giờ sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị.

- Người mắc bệnh quai bị cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người khác.

- Ngoài ra có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp.

- Thường xuyên mang khẩu trang hoạt tính để bảo vệ cơ thể không bị vi khuẩn gây bệnh quai bị xâm nhập.

Dấu hiệu nhận biết:

Bệnh nhân thường có triệu chứng: mệt mỏi, đau đầu, nhức tai, cảm giác sợ gió. 1 bên má sưng lên rồi dần lây lan qua bên còn lại. Vùng bị sưng nhưng không có hiện tượng tấy đỏ, đau nhưng không tạo mủ. Bệnh nhân sốt cao từ 39 – 40 độ trong khoảng 3 đến 4 ngày.

Phương pháp điều trị:

- Cách li 2 tuần tính từ lúc phát hiện mắc bệnh, để phòng tránh lây lan cho người khác.

- Người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động.

- Người bệnh sốt cần hạ nhiệt cho người bệnh bằng khăn ấm, không nên sử dụng khăn lạnh để lau người.

- Giảm đau tại chỗ bằng cách đáp ấm vùng má bị sưng để tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái. Có thể cho dùng thuốc Paracetamol để hạ sốt và giảm đau nhưng cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.

- Vệ sinh răng miệng, uống nhiều nước và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay nước súc miệng có bán tại các hiệu thuốc nhằm chống khô miệng.

- Cho bệnh nhân ăn thức ăn đủ chất nhưng nhiều nước, nấu loãng, nhừ cho dễ ăn, dễ nuốt như cháo, súp,...

- Khi thấy các biểu hiện biến chứng cần đến bệnh viện ngay.

 

Theo  datviet.vn

 

Tệp đính kèm