Cập nhật: 17/12/2016 15:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Biển đã trở thành một phần gia đình, một phần Tổ quốc. Tôi sẽ tiếp tục ra khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc”.

UBND TP Đà Nẵng vừa công bố danh sách 29 cá nhân được đưa ra để bình chọn danh hiệu “20 công dân Đà Nẵng tiêu biểu”.

Ngư dân Trần Văn Mười (39 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà), người được ví là “sói biển” Hoàng Sa là một trong hai ngư dân được Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng đề cử trong bảng danh sách này.

Chia sẻ với Đất Việt, ngư dân Trần Văn Mười cho biết, bản thân khá bất ngờ khi lọt vào danh sách đề cử trên.

“Nếu có được danh hiệu thì đó cũng là vinh dự cho bản thân tôi và người thân. Gia đình tôi làm biển từ lâu rồi, từ thời bố tôi cách đây mấy chục năm. Tuy nhiên tôi nghĩ, Đà Nẵng còn nhiều người rất giỏi. Tôi nghĩ bản thân cũng chưa xứng đáng lắm đâu”, anh Mười mở đầu câu chuyện.

Ngư dân Trần Văn Mười được đề cử vào danh sách 20 công dân tiêu biểu của Đà Nẵng. Ảnh: Dân Việt

Theo như lời anh Mười, từ khi còn nhỏ, anh đã theo cha đi biển. Sáng đi học, tối đến 2 bố con lại cùng long đong trên những chiếc thuyền đánh bắt cá. Tình yêu với biển cả cứ lớn dần lên từ đó và bây giờ trở thành “nghiệp mưu sinh”.

“Không đi biển đánh bắt cá thì cũng không biết làm gì cả. Nó đã gắn bó trở thành điều thân thuộc, giản dị với tôi và gia đình rồi”, anh Mười nói.

Hiện nay anh Mười có 2 chiếc tàu để ra khơi, bám biển với trị giá lên tới trên 20 tỷ đồng. Một chiếc tàu gỗ trị giá 5 tỷ đồng và một tàu sắt công suất lớn mới hạ thủy đầu năm trị giá 18 tỷ đồng từ nguồn vốn vay được từ nhà nước theo nghị định 67.

Ngoài ra anh Mười cũng đang lên kế hoạch đóng thêm 1 chiếc tàu cỡ lớn để kết hợp với phía Hàn Quốc trong các lĩnh vực hoạt động biển khác.

“Tôi đi biển quanh năm, dù mùa hè hay mùa đông. Tàu lớn không đi biển thấy tiếc lắm. Trước đây chúng tôi thường đi dài ngày, 70-80 ngày, thậm chí có thời điểm lâu hơn. Nhưng hiện nay chỉ đi khoảng 30 ngày là trở về đất liền”, anh Mười chia sẻ.

Gắn bó với biển cả từ lâu, anh Mười thừa nhận, để bám chịu được với biển thật sự cần phải hết sức nghị lực và có một tình yêu đủ lớn.

“Nghề đi vất vả vô cùng. Hiện nay người Đà Nẵng đi biển rất ít, hầu hết họ chuyển lên bờ kinh doanh, buôn bán. 2 tàu với tất cả mấy chục người, nhưng chỉ có 4-5 ngư dân ở Đà Nẵng, còn lại tôi phải thuê thêm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những anh em khó khăn, chưa có điều kiện để sắm tàu tự lương tựa vào nhau.

Tôi cũng rất rõ ràng, cái gì cũng sòng phẳng với những người làm cùng. Nhiều chủ tàu tôi biết làm khó ngư dân, chỉ chia lợi nhuận theo tỷ lệ 30-70% sau khi tàu cập bến. Nhưng tôi lúc nào cũng chia đều 50-50. Tiền bạc cũng quan trọng nhưng cần cái tình, cái nghĩa”, anh Mười kể.

Nguyện gắn bó trọn đời với biển

Một vấn đề được anh Mười nhiều lần đề cập đến trong cuộc trò chuyện với Đất Việt đó là những khó khăn của ngư dân Việt Nam khi ra khơi, bám biển.

Theo anh Mười, hiện nay dù đầu tư tàu công suất cỡ lớn mấy chục tỷ đồng như giá tôm cá về đất liền bán rất rẻ. Hơn nữa, ngư trường ở gần bờ hết cá do những người làm nghề cào nhiều quá. Muốn đánh bắt cá, các ngư dân phải đi xa hơn, tốn thêm nhiều chi phí đi lại.

“Vừa rồi Formosa gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung nên người dân e ngại hơn. Chúng tôi đi đánh bắt ngoài khơi thì biết chắc chắn rằng tôm, cá chẳng bao giờ độc hại cả. Nhưng nhiều người vẫn không tin.

Đi biển vất vả nhiều ngày trời nhưng giá bán cá rất rẻ. Mới đây, tôi đi biển về được 15 tấn cá nhưng bán chỉ được có 200 triệu. Trước đây, với số lượng trên có thể bán 400-500 triệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không tiến hành thu mua của ngư dân mà chúng tôi phải bán lẻ tại các chợ. Thời điểm nào đắt hàng thì 2-3 ngày bán xong, có khi ế ẩm phải bán từ 7-10 ngày mới thu lại được tiền. Mọi thứ hết sức khó khăn”, anh Mười trải lòng.

Một mối nguy hiểm khác được sói biển Hoàng Sa nhắc đến đó là những nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào do những tàu Trung Quốc, tàu lạ đâm va ngoài ngư trường. Với ngư dân Việt Nam, hầu hết sở hữu các tàu cỡ nhỏ nên khi xảy ra va chạm thường chịu thiệt hại chính.

“Thời điểm năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981, tàu của tôi cũng cùng các tàu chấp pháp Việt Nam ra khơi, thực hiện tuyên truyền, ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm trái phép chủ quyền của dân tộc. Lúc vắng bóng lực lượng chức năng thì tôi vẫn chủ động quan sát, vẫn đi để khẳng định chủ quyền của dân tộc”, anh Mười nói thêm.

"Biển đã trở thành một phần gia đình, một phần Tổ Quốc. Tôi sẽ tiếp tục ra khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền của dân tộc đến khi nào sức khỏe không cho phép”.

 

Theo  datviet.vn

 

 

Tệp đính kèm