Cập nhật: 19/12/2016 09:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ hội bơi trải trên sông Diêm, được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, tại Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Làng Diêm Điền trước đây (nay thuộc thị trấn Diêm Điền) dài khoảng 1km nhưng được bao bọc 3 phía bởi sông Cống Ngoại về phía tây, sông Cống Mới phía đông đặc biệt phía nam là dòng Diêm Hộ chảy qua trước làng rồi mới đổ ra vịnh Bắc Bộ. Tục bơi chải của làng gắn liền với nghề đi biển đánh bắt hải sản và vận tải đường biển nên thường liên quan tới các vị Thuỷ Thần. Theo các bậc tiền nhân kể lại rằng trước năm 1945 làng còn có chùa và đình, trước khi bơi phải đến tế Thuỷ Thần ở Đình Trung vào sáng ngày 10 tháng giêng hằng năm. Người Diêm Điền hết sức tôn trọng phong tục lâu đời này vì năm nào không tổ chức lễ hội bơi chải Thuỷ Thần sẽ tức giận và năm đó thần sẽ về bắt người. Dân Làng Diêm Điền vẫn còn nhớ câu tục ngữ: ”Sóng Cửa Trà (cửa sông Trà Lý), ma cửa Hộ (cửa sông Diêm Hộ)”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945- 1954), thời kỳ lập lại hòa bình 1955 đến 1975 vẫn chưa khôi phục… Từ ngày kinh tế đổi mới hội bơi chải của Diêm Điền được khôi phục và đáp ứng lòng mong mỏi và sự ủng hộ đông đảo nhân dân trong toàn thị trấn và cả huyện. Đây là cuộc thi nối tiếp truyền thống lâu đời thuỷ quân đã từng xuất hiện cách đây hàng ngàn năm trong lịch sử oai hùng của người dân tỉnh Thái Bình nói chung và làng Diêm Điền nói riêng, gắn liền từ vua Lý Bí (Lý Bôn) và tướng Phạm Ngũ Lão.

Lễ hội bơi chải truyền thống vào ngày 12 âm lịch hàng năm được coi là hoạt động đón xuân chính tại địa phương và mang ý nghĩa lễ ra quân đầu năm. Số chải tham gia lễ hội là 5 chải đại diện cho các khu dân cư và các doanh nghiệp lớn trên địa bàn thị trấn. Số người trong mỗi chải cũng có sự thay đổi. Tham gia tế Thuỷ Thần gồm 1 chủ tế, 4 bồi tế, 12 quan viên. Chủ tế  mặc áo dài màu xanh, khăn xếp màu đen, hai bên tả, hữu là hai hàng quan viên (là những vị  trong ban hương chức của làng) và có 2 ông tây xướng và nam xướng. Các bồi tế lần lượt dâng hương, đăng, trà (2 lần), dâng Thanh chước (rượu)  4 lần và ông chủ tế đọc bài chúc văn thành kính mời Thuỷ Thần về chứng giám các lễ vật do lòng thành của dân làng dâng cúng và cầu mong thần phù trợ đắc lực cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, nhà nhà bình yên, người người no đủ, hạnh phúc…

Sau khi tế xong các đội bơi đi xuống bến nơi có 5 thuyền chải có trang trí đầu rồng cách điệu ở phía mũi. Ở trên đình Thuận Nghĩa đốt vàng mã xong, ở dưới bến chuẩn bị phất cờ và đốt pháo phát lệnh là các đội bơi vào cuộc. Khi tiếng pháo thứ 3 vừa nổ xong thì các thuyền bơi dàn hàng ngang trên sông Diêm Hộ lao như tên trong tiếng trống cổ vũ vang dội của dân làng bên bờ. Các thuyền đua phải đi đúng 3 lượt mới kết thúc. Đội về nhất được nhận một con cá vược và tiền thưởng. Các thành viên tham gia bơi được mời dự bữa cơm cúng Thành Hoàng đầu năm tại đền Thuận Nghĩa./.

ST

 

Tệp đính kèm