Việc đánh giá học sinh hiện vẫn theo kiểm tra kiến thức là chính, giáo viên chưa dám cắt bỏ nội dung phổ rộng nên khó thực hiện giảm tải ở cấp THCS.
Bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội
Bộ GD-ĐT đang cho phép các trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện việc giảm tải chương trình học tập cho học sinh thông qua hướng dẫn 791/HD-BGD ĐT ngày 23/6/2013. Chủ trương giảm tải của Bộ là đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội nói chung đối với giáo dục hiện nay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số trường vẫn còn thấy có sự bất cập, khó khăn nên việc giảm tải chương trình học ở cấp THCS cần được ngành GD-ĐT xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhất là khi có chương trình sách giáo khoa mới.
Theo tinh thần giảm tải chương trình học ở cấp THCS, giáo viên sẽ được phép rà soát lại toàn bộ chương trình sách giáo khoa, xem những nội dung nào cũ, phần nào trùng lặp giữa các môn thì được phép cắt giảm và thay vào đó là sự cập nhật những kiến thức mới hơn.
Đến nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đang thực hiện việc giảm tải. Tuy nhiên, việc giám sát giảm tải chương trình học và thống nhất thực hiện giảm tải giữa các trường THCS còn nhiều khó khăn.
Ở cấp THCS còn quá nhiều các môn học nặng nề về kiến thức. Hầu hết các trường học đều quen với việc đánh giá học sinh dựa trên kiến thức và chưa quen với cách đánh giá theo năng lực. Giáo viên chưa quen với việc chủ động giảm tải chương trình học nên việc thực hiện còn chưa khả thi, hiệu quả chưa cao.
Mặc dù Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có những hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên nhưng thực sự là nhiều người chưa nắm rõ được việc giảm tải chương trình học như thế nào cho đúng về mức độ, đầy đủ về khối lượng kiến thức và hiệu quả khi thực hiện. Bản thân giáo viên chưa chủ động và còn chưa dám cắt bỏ những bài học, kiến thức hay bổ sung kiến thức ngoài chương trình sách giáo khoa.
Nên giao quyền chủ động giảm tải cho nhà trường và giáo viên
Trường THCS Thực nghiệm là 1 trong 7 trường phổ thông trên cả nước được thí điểm chương trình phát triển giáo dục nhà trường theo hướng dẫn 791/HD-BGD ĐT của Bộ GD-ĐT.
Trước những bất cập và những khó khăn khi thực hiện giảm tải chương trình học ở cấp THCS, bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý giáo dục có thể trao nhiều quyền chủ động giảm tải chương trình học, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh cho nhà trường và giáo viên hơn.
Hiện nay, cách thức giảng dạy vẫn chủ yếu ngồi ở trên lớp, “thầy đọc-trò chép”, chỉ là truyền thụ kiến thức nên chưa tạo được sự hứng thú trong học tập cho học sinh.
Một số trường THCS, các thầy cô giáo được tiếp cận những kiến thức mới nhiều hơn và có thể xây dựng những chủ đề để cho học sinh đi học thực tế ở nhiều nơi khá hiệu quả. Thế nhưng, để các trường THCS khác thực hiện cách thức giảng dạy này một cách rộng rãi thì chưa đạt được kỳ vọng.
Tuy nhiên, nếu các trường THCS nắm vững chương trình và chuẩn đầu ra của Bộ thì vẫn có thể thực hiện vì giáo viên có thể sáng tạo bài học, cắt giảm những phần kiến thức trùng lặp. Còn nếu như hiện nay thì giáo viên vẫn giảng dạy theo một khuôn mẫu trong sách giáo khoa và chưa dám xây dựng chương trình học mới mẻ.
Nếu đánh giá học sinh vẫn nặng theo kiến thức thì rất khó giảm tải
Bộ GD-ĐT đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa theo hình thức một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nên việc giảm tải ở cấp THCS sẽ liên quan đến vấn đề này.
Bà Mai Hương cho rằng, các trường THCS ở Việt Nam có thể thực hiện giảm tải giống như cách học ở nhiều nước trên thế giới như cho phép các trường và giáo viên được quyền lựa chọn sách giáo khoa ở nhà xuất bản nào. Bởi khả năng giảng dạy, học tập ở từng vùng miền có sự khác biệt.
Tuy nhiên, nếu như mỗi trường chọn lựa một bộ sách của các nhà xuất bản khác nhau để giảng dạy thì nhiều người sẽ băn khoăn trong cách thức tổ chức thi cử, đánh giá học sinh.
Trước những lo lắng trên, bà Mai Hương cho ý kiến, nếu như việc đánh giá học sinh vẫn theo kiểu kiểm tra kiến thức thì rất khó giảm tải ở cấp THCS. Còn nếu Bộ GD-ĐT có công cụ đánh giá, kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh theo năng lực thì việc mỗi trường lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa của nhà xuất bản nào để học không còn là yếu tố quan trọng mà chỉ là nguyên liệu để phát triển năng lực của học sinh. Có như vậy, các trường THCS mới thực hiện việc giảm tải hiệu quả./.
Theo Bích Lan/VOV.VN