Cập nhật: 24/12/2016 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gốm Hương Canh cũng đang mai một và nếu không được "tiếp sức" nghề này có thể sẽ "khai tử" trong sự luyến tiếc của người làm nghề!...

 

Gốm Hương Canh - Một loại ngói cổ truyền nổi tiếng của

 Việt Nam, đang có nguy cơ mai một. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Nói đến sản phẩm gốm và ngói của người dân Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc rất nhiều người dân ở các tỉnh, thành biết tới và ca ngợi hết lời bởi đây là những sản phẩm truyền thống có chất lượng tốt, chịu mưa nắng cao.

Tuy nhiên, hiện nay ngói Hương Canh đã vắng bóng, sản phẩm ngói quê hương này chỉ còn đọng lại trong tâm trí ký ức người dân; gốm Hương Canh cũng đang mai một và nếu không được "tiếp sức" nghề này có thể sẽ "khai tử" trong sự luyến tiếc của người làm nghề!...

Đã nhiều người hỏi: gốm và ngói Hương Canh đều nổi tiếng, tại sao người Hương Canh không mở rộng sản xuất các sản phẩm này?

Gặp khó

Làng gốm Hương Canh có lịch sử hình thành hơn 300 năm với những sản phẩm truyền thống nổi tiếng là chum, vại, nồi, niêu, ấm chén, tiểu, ống nước,... Thiên nhiên đã ban tặng cho người Hương Canh vùng nguyên liệu quý.

Đất sét - loại nguyên liệu chính ở đây dẻo, nhiều màu thích hợp cho việc làm gốm. Nhiều sản phẩm gốm ở đây nung già hay đủ nhiệt khi gõ đều có tiếng kêu vang mà chắc nhưng không bị rạn nứt, không bị méo, đựng nước không rò rỉ. Vì thế, sản phẩm luôn được người dân ưa chuộng.

Cuối năm 1958, Hợp tác xã (HTX) thủ công Tam Đồng được thành lập nhằm quy tụ người làm nghề gốm, sau này đổi tên thành Hợp tác xã gốm Hương Canh, ban đầu có 220 người tham gia sản xuất.

Ông Nguyễn Thanh, người thôn Lò Cang từng làm Chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Hương Canh kể, giai đoạn phát triển nhất của gốm Hương Canh là vào khoảng thời gian từ năm 1967 đến năm 1971. Thời gian này, những sản phẩm gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Tuy nhiên, sau năm 1990 cùng với nền kinh tế thị trường, sản phẩm của gốm Hương Canh có thời gian dài giảm đáng kể về sức tiêu thụ, do mẫu mã đơn điệu, việc quản lý và điều hành chậm đổi mới. Đặc biệt, sự xuất hiện của đồ nhựa, đồ sứ, thủy tinh, Inox... với mẫu mã phong phú đa dạng tràn ngập thị trường với giá cả rẻ là nguyên nhân chính khiến cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm gặp khó. Gốm Hương Canh đi vào ngõ cụt, mai một dần.

Năm 1987, HTX nghề gốm giải thể, người dân Hương Canh chuyển sang sản xuất ngói. Chỉ ít năm sau, cả Hương Canh có hàng trăm lò ngói hoạt động suốt ngày đêm mang lại thu nhập lớn.

Nghệ nhân làng nghề - ông Nguyễn Thanh thổ lộ, ngói Hương Canh có màu sắc tươi đẹp, độ bóng và độ cứng cao, sản phẩm ít cong vênh, viên ngói dày hơn ngói nơi khác chống mưa nắng tốt, chính vì thế mà nổi tiếng được nhiều người khắp các tỉnh, thành biết.

Ngói bán chạy, đất nguyên liệu đưa vào làng nghề lớn. Đất ao, hồ, vùng đất trũng quanh làng khai thác ồ ạt nhanh cạn kiệt dẫn tới đào đất ruộng đồng diễn ra tràn lan và ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.

Đến năm 1996 và 1997, chính quyền bắt đầu thắt chặt việc sản xuất ngói với mong muốn giảm tình trạng ô nhiễm, khắc phục tình trạng khai thác đất ruộng. Nghiệp làm ngói ở Hương Canh bắt đầu gặp khó.

Đất nguyên liện hiếm, người sản xuất viên ngói mỏng, nhẹ hơn trước nhiều để đỡ tốn kém, dễ dàng vận chuyển. Việc làm này đã bị người tiêu dùng ở các tỉnh, thành tẩy chay sản phẩm ngói Hương Canh, cho rằng, ngói mỏng manh, không có khả năng chống nóng cho ngôi nhà.

Ngói Hương Canh trong lúc vừa ế, vừa bị người tiêu dùng đánh giá chất lượng thấp, một số người dân làng nghề này đã có một "sáng kiến" đó là lấy khuôn mẫu ngói của họ đang làm xoá bỏ chữ "Ngói Hương Canh", thay bằng tên mới là "Ngói Sông Cầu" vào khuôn mẫu của mình.

Tuy nhiên, "sáng kiến" này không bao lâu cũng bị người dân nhiều tỉnh, thành phát hiện và họ đồng loạt quay lưng với sản phẩm của người dân làng nghề. Dần mất lòng tin khách hàng, đến nay, những lò ngói còn lại ở đây hầu hết trở thành hoang tàn, đổ nát.

Cứu lấy nghề gốm

Nhiều người dân cho rằng: Vẫn biết gốm Hương Canh có lúc thăng trầm... là do cơ chế chính sách, do tác động của chuyển đổi cơ chế nhất thời, không phải người dân chán mà bỏ nghề.

Trên thực tế, nhiều người thợ giỏi, những nghệ nhân yêu nghề ở Hương Canh muốn làng nghề phát triển trở lại. Sản phẩm gốm ngày nay vẫn được ưa chuộng và có những giá trị riêng của gốm. Nhiều sản phẩm gốm giờ đây đã được cải tiến, cách điệu..., có chỗ đứng ở những nơi trang trọng ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Gốm còn đóng vai trò như đồ mỹ nghệ, đồ trang sức... của giới nhà giàu.

Hương Canh hiện có 4 cơ sở sản xuất gốm tồn tại, kết quả sản xuất khá lạc quan, sản phẩm tiêu thụ ổn định. Mức thu nhập các cơ sở sản xuất gốm hiện có ở Hương Canh tuy quy mô nhỏ nhưng cũng thu lời hàng trăm triệu đồng/cơ sở/năm.

Anh Hồng Quang, con trai nghệ nhân Nguyễn Thanh - người đang theo đuổi nghề gốm của ông cha tại làng gốm Hương Canh, cho rằng: Gốm là sản phẩm rỗng, mỏng và cũng không thể sản xuất ồ ạt, do vậy nguyên liệu làm gốm tiêu tốn ít so với làm gạch ngói nên không lo ngại về nguồn nguyên liệu vì ngoài khu vực Hương Canh, ở nơi khác vẫn có vật liệu tương đồng, phù hợp cho sản xuất quy mô lớn. Vấn đề cốt cõi là mặt bằng sản xuất phải có và sớm được quy hoạch.

Theo anh Quang, để gốm Hương Canh phát triển thì chính quyền nên tạo điều kiện cho người dân trước hết là mặt bằng sản xuất rộng hơn so với mặt bằng sản xuất hiện nay tại gia đình; đưa các hộ, các cơ sở vào cụm làng nghề và xa dân cư để tránh ô nhiễm.

Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề, truyền nghề cần được coi trọng. Việc quy hoạch nguồn nguyên liệu tập trung đảm bảo chất lượng cũng được quan tâm.

Ông Nguyễn Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển Công nghiệp Vĩnh Phúc, cho biết: Năm 2007, ngành chức năng tỉnh phối hợp với UBND thị trấn Hương Canh triển khai Đề án khôi phục làng nghề gốm Hương Canh, hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5-10 triệu đồng tùy theo quy mô của lò gốm và tư vấn cho UBND tỉnh khu làm mặt bằng sản xuất...

Tuy nhiên, nhiều năm qua chưa quy hoạch được mặt bằng và khu khai thác đất sét nguyên liệu tập trung nên việc phát triển làng nghề cho tới nay còn khó.

Trước tình hình trên, chính quyền xã và huyện Bình Xuyên đã vài lần đề đạt lên Sở Công Thương Vĩnh Phúc nhanh chóng triển khai chương trình quy hoạch cụm làng nghề dành cho làng nghề truyền thống ở huyện Bình Xuyên; trong đó có cả làng gốm Hương Canh. Cụm quy hoạch này được triển khai từ năm 2011 nhưng đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành...

Người biết nghề, giỏi nghề ở Hương Canh nay tuổi cao, sức yếu, sự truyền nghề từ thế hệ trước đến thế hệ sau ở các gia đình hiện nay là rất hạn chế. Vì thế, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh nên quan tâm và sớm cứu lấy nghề gốm ở đây.../.\

ST

Tệp đính kèm