Việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn phải tính đến giải quyết tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh vào trường năm 2016
Phải siết chặt chuẩn “đầu ra”
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là Bộ sẽ bỏ điểm sàn (mức điểm tối thiểu yêu cầu thí sinh phải đạt được để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ).
Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH), Viện sĩ, nhà giáo nhân dân Phạm Minh Hạc nêu quan điểm, ở các nước có nền giáo dục phát triển như Anh không có điểm sàn, không công bố điểm xét tuyển ĐH, CĐ trên giấy tờ nhưng học sinh thi theo hình thức thi chung. Đề thi đều do Bộ GD-ĐT ra và chấm, rồi kết quả trúng tuyển vào trường nào đều được gửi vào máy điện thoại cho học sinh.
Còn ở Mỹ, căn cứ vào điểm thi THPT, các trường ĐH, CĐ có thể sắp xếp việc học tập theo ngành nghề cho học sinh tùy theo số điểm thi và năng lực của các em. Nước này đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT.
Như vậy, có thể thấy, những nước trên không có điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ nhưng họ đã phân luồng nghề nghiệp cho học sinh theo năng lực, sở thích của các em ngay từ khi học trung học.
Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, Nghị quyết lần thứ XI của Đảng đã đề ra là ngành Giáo dục phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn thì có nghĩa là mở rộng cho các trường ĐH, CĐ được phép tuyển sinh nhằm đảm bảo thu nhập cho các trường nhưng có thể sẽ dẫn đến tình trạng không đảm bảo chất lượng đào tạo. Hệ lụy của vấn đề này là tình trạng sinh viên thất nghiệp không xin được việc làm gia tăng.
Ví dụ năm 2016, nước ta có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đây là hệ quả của việc học sinh được tuyển mở rộng vào các trường ĐH, CĐ nhưng trình độ và kỹ năng không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của xã hội.
Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn phải tính đến giải quyết tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Đứng ở quan điểm khác, GS Đinh Quang Báo, Viện nghiên cứu sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội đồng ý với chủ trương của Bộ GD-ĐT là bỏ điểm sàn xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi mục tiêu của giáo dục phổ thông là học sinh tốt nghiệp THPT có thể học tiếp lên bậc học cao hơn.
Luật Giáo dục ĐH cũng đã quy định rõ quyền tự chủ của các trường nên họ có quyền quyết định phương án tuyển sinh và đưa ra mức điểm xét tuyển thí sinh vào trường, chứ không phải phụ thuộc vào điểm sàn.
Còn những trường tốp đầu có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển hay những trường sư phạm muốn tuyển sinh viên giỏi thì có thể đưa ra những yêu cầu khác để tuyển chọn thí sinh vào trường.
Các trường ĐH, CĐ có thể tuyển sinh theo hình thức khác nhau và không cần dựa vào điểm sàn. Còn việc các trường có tuyển sinh dưới mức điểm sàn hay không là tùy thuộc vào từng trường.
Tuy nhiên, điều quan trọng là cơ quan quản lý giáo dục phải kiểm soát được hoạt động giảng dạy và chuẩn nghề nghiệp đào tạo ở các trường ĐH, CĐ. Như vậy, chúng ta mới có được chuẩn “đầu ra” và nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng cho xã hội./.
Theo Bích Lan/VOV.VN