Bọn trẻ con chúng tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi thấy hạnh phúc với những năm tháng tuổi thơ ấy. Đó là những buổi chiều theo tụi bạn thả diều trên bờ kênh, những lần trốn học bị đòn roi, những tiếng cười gọi nhau í ới… nhưng hạnh phúc nhất vẫn là được ăn chiếc bánh hòn tai – món quà quê mỗi lần đi chợ về của bà của mẹ.
Có lẽ bánh hòn tai làm tôi hãnh diện với tuổi thơ của mình. Ngày ấy ở quê bánh hòn tai lúc nào cũng được xếp số 1 trong các món quà của bọn trẻ. Là con gái út nên tôi được chiều và dành phần hơn.
Ở nhiều nơi người ta gọi tắt bánh hòn tai là bánh tai, nhưng tôi vẫn thích cái tên bánh hòn tai như mẹ thường gọi. Bánh hòn tai có hình thù giống cái tai, là thứ gạo tẻ, nhân thịt lợn…
Giờ đây đã lớn cuộc sống mưu sinh khiến tôi phải bon chen nơi phố phường chật hẹp, công việc áp lực, những lúc mệt mỏi tôi muốn trở về quê để được thưởng thức thứ bánh của tuổi thơ diệu kì.
Hạnh phúc lắm khi được ngồi bên nồi bánh, được cảm nhận mùi vị bùi bùi, béo ngậy và thơm của bánh. Và, sống mũi lại cay sè khi kí ức tuổi thơ chợt ùa về, cùng lũ bạn xúm lại, đứa nào cũng mong giây phút bánh chín được mở vung ra và thốt lên” “Hà! Thơm quá! Thơm quá! Ngon thế!!!”.
Mẹ bảo muốn làm bánh hòn tai thành công thì phải biết chọn thứ gạo ngon và có độ dẻo. Gạo làm bánh đãi sạch ngâm nước lã đến nửa ngày rồi mới được đem giã cối đá và lọc thành quả bột. Bây giờ cuộc sống khá giả hơn người ta mang gạo đi nghiền và lọc thành quả bột.
Bột nhào tới độ dẻo thì mới nặn được thành bánh. Bánh hòn tai có khuôn bánh rất đặc biệt, khác với những khuôn bánh khác. Bởi chiếc khuôn để làm nên bánh hòn tai chính là những ngón tay tinh tế, khéo léo của người nặn bánh.
Dưới bàn tay mềm mại, tỉ mỉ của người nội trợ, những chiếc bánh được mẹ nặn đều nhau như đúc khuôn. Bánh được nặn dài như hình cái tai, bên trong có nhân thịt lợn, mọc nhĩ, hành tươi được nấu chín từ trước.
Bánh hòn tai được đun cách thủy khoảng 30 phút ăn sẽ rất ngon. Bánh ăn lúc nóng là tuyệt nhất, ăn theo kiểu dân dã, lót tay bằng mảnh lá chuối hoặc cầm tay không ăn từ từ sẽ cảm nhận được mùi vị của bánh, đó là sự hòa quyện giữa giữa các vị bùi, ngọt, béo ngậy và dẻo thơm.
ST