Những trường ĐH tư thục được đầu tư bài bản, có chất lượng cao hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Những trường ĐH tư thục được đầu tư bài bản, hoạt động không vì lợi nhuận sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập"
Bộ GD-ĐT luôn nhất quán duy trì công tác xã hội hóa giáo dục như tăng cường mở rộng thêm trường ĐH ngoài công lập. Những trường ĐH tư thục được đầu tư bài bản, có chất lượng cao hoạt động không vì lợi nhuận thì Bộ GD-ĐT vẫn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại hội thảo “Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố, phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam” diễn ra sáng 22/12 tại Hà Nội.
Việt Nam còn là nước nghèo, ngân sách Nhà nước đã dành tới 20% cho giáo dục nên khó có khả năng tăng thêm. Muốn phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo thì vấn đề xã hội hóa giáo dục là nhu cầu tất yếu.
Cho đến nay, Việt Nam có một hệ thống gồm 84 trường (60 trường ĐH và 24 trường CĐ) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên, chiếm 14% quy mô sinh viên chính quy của cả nước. Với số lượng trường ĐH, CĐ ngoài công lập như vậy, ước tính đã gánh đỡ cho ngân sách Nhà nước khoảng từ 50.000 đến 60.000 tỷ đồng.
Để hỗ trợ các trường ngoài công lập chất lượng cao hoạt động, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ có chính sách ưu đãi, không có sự phân biệt giữa trường công lập và ngoài công lập. Các chính sách đào tạo giảng viên ở trường công lập cũng như trường ngoài công lập đều như nhau.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT đang lập tổ công tác khảo sát, đánh giá lại hoạt động của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Theo đó, Bộ sẽ xem xét lại tất cả các cơ chế chính sách, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phương án tuyển sinh… Trên cơ sở đó, Bộ sẽ xây dựng lại hệ thống, quy định liên quan đến trường ĐH ngoài công lập. Bộ cũng đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ các trường ngoài công lập phát triển như chính sách về đất đai, thuế và tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.
Ngoài ra, Bộ sẽ đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ các trường ngoài công lập về tài chính thông qua việc hỗ trợ cho sinh viên như trường công lập.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các trường ngoài công lập phải thực hiện những cam kết phát triển trường như trong cam kết ban đầu cũng như xây dựng chiến lược phát triển lâu dài để tạo dựng thương hiệu và uy tín đào tạo với xã hội.
Ngoài ra, các trường ngoài công lập cần phải xây dựng hệ thống quản trị nhằm tránh tình trạng trường ĐH mất đoàn kết nội bộ làm ảnh hưởng đến hoạt động lâu dài của trường../.
Theo Bích Lan/VOV.VN