Cập nhật: 27/12/2016 08:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phóng viên TTXVN tại Moskva đã có cuộc trao đổi về tình hình Biển Đông năm 2016 và dự báo triển vọng trong năm 2017 với chuyên gia Anton Tsvetov của Viện nghiên cứu chiến lược. 

 

(Ảnh: Dương Trí-Quang Vinh/Vietnam+)

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

- Thưa ông, như ông đã biết, trong năm 2016, tình hình Biển Đông khá căng thẳng. Ông đánh giá thế nào về tình hình Biển Đông trong năm vừa rồi?

Chuyên gia Anton Tsvetov: Trong năm 2016 tình hình tại Biển Đông nhìn chung không có sự đột phá.

Lúc đầu, tôi nghĩ tình hình sẽ trở nên xấu hơn rất nhiều, song tổng kết cả năm thì dường như vẫn phát triển theo khuynh hướng như những năm trước đây.

Như anh đã biết, trong năm nay, nhiều người đã dự báo tình hình tại Biển Đông sẽ rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới sau khi Tòa trọng tài Quốc tế (PCA, tại The Hague, Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trong đó khẳng định: tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) - cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” là trái ngược với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Bắc Kinh không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố quyền lịch sử đối với những tài nguyên biển trong đường chín đoạn…

Tuy nhiên, tình hình không bị vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nhiều nhiều chuyên gia cũng ngạc nhiên về điều này, tất nhiên, trước hết do lập trường của Philippines.

Phán quyết của Tòa trọng Quốc tế khá nghiêm khắc, gay gắt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không những không sử dụng phán quyết của Tòa án Quốc để gây sức ép đối với Trung Quốc mà còn có lập trường xích lại gần với Bắc Kinh.

Nhìn chung, phản ứng của Philippines không gay gắt như cộng đồng quốc tế chờ đợi. Do đó, có thể nói rằng, trong năm 2016 chúng ta đã trách được cuộc khủng hoảng lớn xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Bắc Kinh cũng có phản ứng khá gay gắt trước phán quyết trên của Tòa án trọng tài quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục chính sách trước đây, đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo, tăng cường quân sự và vũ khí tại Biển Đông và kế hoạch này có lẽ sẽ được Bắc Kinh tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Hơn nữa, lập trường “nước đôi” của Tổng thống Duterte về vấn đề này khiến các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông cảm thấy bất lợi, song các bên liên quan vẫn tăng cường đối thoại với Trung Quốc nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình.

- Vậy ông có thể đưa ra một vài dự báo về tình hình biển Đông trong năm 2017, đặc biệt trong bối cảnh ông Donald Trump trở thành Tân Tổng thống Mỹ và sự thay đổi lập trường của Tổng thống Philippines Duterte?

Chuyên gia Anton Tsvetov: Tôi nghĩ rằng xu hướng này sẽ được tiếp tục trong năm tới. Các bên liên quan ở Biển Đông sẽ nỗ lực tìm kiếm những lợi thế riêng cho mình.

Tuy nhiên, năm 2017 sẽ có nhiều yếu tố quan trọng tác động đến tình hình Biển Đông như Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, cũng như mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản được củng cố và tăng cường.

Tôi nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ hành động kiên quyết hơn để giành được lợi thế tối đa trong năm diễn ra Đại hội Đảng. Trong khi đó, chính sách của tân Tổng thống Mỹ hiện vẫn chưa thể đoán định được.

Nếu ông Trump thực hiện các lời hứa trong chiến dịch tranh cử thì khả năng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ căng thẳng.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế vì ông Trump đã nhiều lần tuyên bố chỉ tập trung vào những vấn đề lợi ích quốc gia trong nước, giảm sự can dự của Mỹ vào các hồ sơ quốc tế.

Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không chú tâm vào những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo.

Tất nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng không phải tất cả những lời hứa đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đều được thực hiện và cụ thể hóa bằng các chính sách nhà nước.

Vì vậy, chúng ta kỳ vọng rằng nước Mỹ dưới thời ông Trump sẽ không từ bỏ trách nhiệm của một siêu cường trong các vấn đề quốc tế quan trọng, trong đó có việc tranh tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

- Như ông đã biết, thời gian gần đây, mối quan hệ Nga-Nhật Bản được cải thiện và tăng cường rất nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Vậy theo ông, mối quan hệ này có ảnh hưởng thế nào đến việc giải quyết tình hình Biển Đông?

Chuyên gia Anton Tsvetov: Như anh đã biết, mối quan hệ Nga-Nhật Bản trong thời gian qua không ngừng được củng cố và tăng cường, trong bối cảnh nước Nga đang bị phương Tây bao vây, cô lập và buộc phải đẩy mạnh phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được lãnh đạo hai nước đánh giá đang ở mức cao nhất trong lịch sử quan hệ song phương. Hai nước phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ nhau trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Nếu xu hướng này tiếp tục thì nguy cơ nước Nga bị lệ thuộc vào Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Do đó, mối quan hệ giữa Moskva và Tokyo được củng cố và tăng cường không chỉ đáp ứng lợi ích quốc gia hai nước mà còn góp phần củng cố hòa bình và an ninh khu vực.

- Vâng, xin cảm ơn ông./.

Theo DƯƠNG TRÍ - QUANG VINH/MOSKVA (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-nga-du-bao-ve-tinh-hinh-bien-dong-trong-nam-2017/422653.vnp

Tệp đính kèm