Cập nhật: 27/12/2016 09:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Xã Thượng Trưng nằm ở phía Bắc của huyện Vĩnh Tường, được hình thành trên cơ sở của 5 làng cổ trước đây là: Thượng Trưng, Thọ Trưng, Phú Trưng, Phú Thứ và Phú Hạnh thuộc tổng Thượng Trưng, phủ Vĩnh Tường. Phần lớn diện tích đất của xã Thượng Trưng thời thượng cổ vẫn nằm trong dòng chảy của sông Hồng, chính dải vòng cung thượng – hạ Hạnh, đầm Thượng, đầm Hạnh, đầm Minh bây giờ là luồng lạch của sông Hồng. Thôn Phú Hạnh ở vị trí giữa xã bây giờ vẫn còn lưu truyền cái tên làng chài Vạn Hạnh. Về sau dòng chảy này bị chia cắt, bồi đắp lên một vùng đất màu mỡ để rồi cùng với quá trình lao động liên tục, những khối óc đầy thông minh sáng tạo của con người nơi đây đã khai phá, cải tạo, đắp đê ngăn lũ, chống lụt mà hình thành nên một cộng đồng cư dân sinh sống tập trung thật đông đúc, trù phú như ngày nay.

Đình Thượng Trưng

Thượng Trưng trước kia được biết đến với tên gọi là kẻ Thượng, là trung tâm – lỵ sở của phủ Vĩnh Tường xưa (vùng Thượng Trưng, Thổ Tang và một phần đất Thị trấn Vĩnh Tường ngày nay), có vị trí đắc địa, thuận lợi cho giao thương, đi lại bằng cả đường bộ và đường sông. Đặc biệt đây là vùng đất có bề dày lịch sử, đa dạng các sắc thái, loại hình văn hóa cổ truyền; con người thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó. Hội tụ tất cả những điều kiện đó đã, đang và sẽ là động lực thúc đẩy cho kinh tế, xã hội của Thượng Trưng ngày càng phát triển, quê hương giàu đẹp, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Tiền đường chùa Bảo Quang

Tìm hiểu về vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa này trước tiên chúng ta tiếp cận hệ thống các dấu tích vật chất còn lại, minh chứng cho cả một tiến trình dài của lịch sử bao gồm các công trình, địa điểm mang dấu ấn của thời đại hay là nơi lưu niệm các sự kiện lịch sử có ý nghĩa bước ngoặt của địa phương. Đó chính là các di tích lịch sử văn hóa trên mảnh đất Thượng Trưng, một tài sản vô giá mà cha ông đã để lại cho thế hệ sau mà mỗi khi chúng ta tham quan, tìm hiểu nghiên cứu đều thấy được những giá trị, ý nghĩa lớn lao của các di sản này. Thượng Trưng có 16 di tích gồm các loại hình: đình, chùa, miếu, quán, điếm với nội dung chính là thờ thành hoàng (Lý Nhã Lang), thờ các vị thổ thần và thờ phật, chứng tỏ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xã Thượng Trưng lại là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng cũng như có nhiều người con quê hương đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập cho đất nước, bình yên cho quê hương. Xã Thượng Trưng được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Bằng có công với nước, hai người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn xã có 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 264 liệt sỹ qua các thời kỳ, 30 gia đình được tặng Bằng có công với nước. Nhiều công trình, địa điểm gắn với các sự kiện cách mạng, lãnh tụ, chiến sỹ cách mạng mang ý nghĩa và có nhiều ảnh hưởng đến phong tào cách mạng chung của toàn dân tộc và của địa phương. Với những đóng góp lớn lao đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt – Nguyên Thường vụ Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ đã nhận định về mảnh đất và con người Thượng Trưng: “…Thượng Trưng trong hai năm 1940 – 1945 là cơ sở cách mạng nhân hòa, địa lợi, tin cậy, thủy chung đã bảo vệ an toàn cho cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ và nhiều cán bộ các cấp về ở địa phương. Thượng Trưng, trong hai năm 1944 – 1945 lại là lực lượng xung kích hàng đầu góp phần tích cực đưa cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở phủ Vĩnh Tường đến thành công… Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thượng Trưng tiếp tục có nhiều hi sinh, cống hiến xuất sắc. Thượng Trưng cũng dành được nhiều thành tích trong sản xuất và các mặt công tác khác, hoàn thành nốt mọi nghĩa vụ đóng góp đối với nhà nước, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Bài trí tượng phật chùa Bảo Quang

Về các di tích thờ Lý Nhã Lang, người có công khai phá, cải tạo để rồi hình thành nên vùng đất Thượng Trưng từ thủa sơ khai. Ông là con Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế), cùng với vua cha thống nhất đất nước và đánh giặc Tùy xâm lược ở thế kỷ thứ VI. Ông được nhiều làng xã tôn làm thần/thành hoàng, xây đình, miếu để khói hương, phụng thờ mãi mãi. Hệ thống di tích thờ ông trải dài vùng châu thổ dọc hai bên bờ sông Hồng với địa bàn chính thuộc huyện Vĩnh Tường (An Tường, Thượng Trưng, Lý Nhân, Phú Thịnh) và một số xã của huyện Ba Vì và Thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội. Ở Thượng Trưng các ngôi đình thờ Lý Nhã Lang gồm: Đình Thượng Trưng, đình Phú Hạnh, đình Tích Lâm, đình Phú Trưng, đình Thọ Trưng, trong đó đình Phú Hạnh, đình Tích Lâm đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đình Tích Lâm

Đình Tích Lâm thuộc xóm Lâm, được xây dựng từ lâu, kiến trúc hiện nay đã được trùng tu lớn vào thời Nguyễn (trên hai câu đầu của đình Tích Lâm khắc chữ Hán có nội dung như sau: “癸亥年修理,丙寅 日完成”- Quý Hợi niên tu lý, Bính Dần nhật hoàn thành”  nghĩa là tu sửa năm Quý Hợi – Hoàn thành ngày Bính Dần. Căn cứ bố cục, kết cấu và chất kiệu kiến trúc thì có thể suy ra năm Quý Hợi tức là năm 1923, hay năm Khải Định thứ 9 nhà Nguyễn). Đình Tích Lâm cũng là căn cứ của Chánh lãnh bình thành Sơn Tây là Nguyễn Quý Tân mà người dân địa phương quen gọi với cái tên rất gần gũi mà kính trọng là cụ Lãnh Áo. Nguyễn Quý Tân vốn là người con của thôn Tích Lâm, làng Thượng Trưng. Khi thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến ra xứ Bắc Hà thì ông đang giữ chức Chánh lãnh binh thành Sơn Tây, cai quản cả một vùng từ Hưng Hóa đến Vĩnh Yên. Ông được người bạn đồng hương là cử nhân Bùi Quang Địch đang giữ chức Phó hiệp quản tỉnh Sơn Tây phò giúp, chung lòng đấu sức chiêu mộ nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp từ 1872 đến 1877. Ông được nhân dân tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây đồng tình ủng hộ. Nghĩa quân do ông chỉ huy đã đánh thắng nhiều trận, trong đó có trận thắng lớn vào trung tuần tháng 12-1873, phá tan âm mưu của quân đội Pháp định hạ thành Sơn Tây trong chớp nhoáng. Gần 20 năm sau (năm 1895) đến lượt người cháu của cụ Lãnh Áo là Nguyễn Hữu Hòa lại là bộ tướng can trường của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám với cuộc khởi nghĩa Yên Thế chấn động đến cả “mẫu quốc” thực dân Pháp. Trong các năm 1906 – 1908, Đội Hòa nhiều lần đưa quân về vùng quê Vĩnh Tường, giặc Pháp phát hiện cho quân bủa vây, lùng sục nhưng ông và nghĩa quân được nhân dân che chở, giúp đỡ nên đã bảo toàn được lực lượng, lui quân về vùng Tam Đảo tiếp tục chiến đấu chống giặc.

Tượng Hậu chùa Bảo Quang

Trong thời gian thành Sơn Tây thất thủ, cụ Lãnh Áo Nguyễn Quý Tân đã về vùng quê Tích Lâm chiêu binh, mãi mã, tích trữ lương thảo để tiếp tục công cuộc kháng Pháp của mình. Ngôi đình Tích Lâm do có vị trí ở ngoài làng nên đã trở thành một trong hai quán canh để quan sát, nghe ngóng mọi biến động, đề phòng thực dân Pháp mang quân từ Sơn Tây vượt sông Hồng sang đánh úp, lùng sục, vì thế mà người dân địa phương lâu ngày thành quen gọi đình là quán, điếm. Đồng thời đây cũng là nơi cơ sở để tập kết lương thảo, thao trường luyện quân và cũng là nơi họp bàn công việc của nghĩa quân. Bên cạnh đó trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa giành chính quyền (1945) và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình Tích Lâm đã trở thành địa điểm hoạt động, hội họp của cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh, nơi tập luyện của dân quân, du kích trong vùng.

Ngôi đình làng thứ hai ở Thượng Trưng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là đình Phú Hạnh. Theo người dân địa phương thì đình Phú Hạnh có từ lâu đời, tuy nhiên đến năm 1886 đình đã bị phá hủy hoàn toàn. Nguyên nhân của sự hủy hoại ngày là do vào thời gian đó ở đây xuất hiện phong trào hưởng ứng “Chiếu Cần Vương” (của vua Hàm Nghi, từ năm 1885 đến năm 1896) đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược do một quý tộc địa phương, dân gian quen gọi là cụ Lý Ấm cầm đầu. Cụ Lý Ấm và một số người dân địa phương đã chiêu mộ nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thảo dũng cảm chiến đấu chống lại những toán lính đến làng quấy nhiễu, đã giết chết một số tên giặc. Thực dân Pháp và tay sai sau đó đã sau đó đã điều động thêm quân lính để dẹp  yên phong trào, đồng thời cũng tăng cường để đàn áp nhân dân. Cụ Lý Ấm và một số người yêu nước đã bị giết hại, nhân dân bị quy kết là che giấu quân phản loạn, chống lại triều đình. Vậy là nhân cớ đó mà chúng đốt phá nhà cửa, bắt bớ dân lành và phá hủy luôn ngôi đình vốn là một biếu tượng của cộng đồng làng Phú Hạnh. Đến năm 1888, nhân dân Phú Hạnh đã phục hồi lại một thiết chế hành chính – văn hóa không thể thiếu được bấy giờ đó là ngôi đình làng. Tuy nhiên, do coi sự việc đình làng bị phá hủy trước đây là biến động lớn của làng, cộng với quan điểm của bộ phận tầng lớp chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến đang đứng đầu làng xã nên đình Phú Hạnh đã được chuyển về một vị trí mới sâu trong làng. Địa điểm mới, theo các cụ cao niên, chính là vị trí của miếu Phú Hạnh trước đây, bởi lẽ hiện nay nơi này vẫn còn một số tên gọi gắn với miếu như: Ao Miếu, ruộng Miếu, … Trên câu đầu đình Phú Hạnh có dòng chữ Hán: “皇保大甲申仲夏 毂日”– Hoàng Bảo Đại Giáp Thân trọng hạ cốc nhật trùng tu đại cát” nghĩa là” Ngày tốt tháng Năm năm Giáp Thân (1944) triều vua Bảo Đại trùng tu lại đình. Như vậy năm 1944 đình Phú Hạnh được tu sửa lớn và đến nay tòa đại bái vẫn giữ nguyên hình dáng, kiến trúc của lần trùng tu đó. Riêng tòa hậu cung, năm 1953 bị bom đạn giặc Pháp làm hư hại nặng, sau đó được rỡ bỏ, đến năm 1996 xây dựng lại để thành ngôi đình hoàn chỉnh như ngày nay.

Miếu Tây Lư

Đình Phú Hạnh cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, tiêu biểu như: Đêm 20/8/1945 lực lượng võ trang Phú Hạnh đã tập kết tại đình với đầy đủ vũ khí, giáo mác, gậy gộc, thuyền bè để sáng 21/8/1945 vượt nước lũ kéo quân đến Thổ Tang hội quân với các làng, các xã vào Phủ Vĩnh Tường giành chính quyền thắng lợi. Sang tháng 3/1946, đình Phú Hạnh là địa điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, biến người dân từ nô lệ của thực dân – phong kiến thành người công dân làm chủ đất nước. Tháng 4/1946, Hội đồng nhân dân xã khóa đầu tiên họp bầu Ủy ban hành chính xã đã tổ chức tại đình Phú Hạnh đồng thời Ủy ban hành chính xã cũng lựa chọn luôn đình Phú Hạnh làm trụ sở làm việc. Từ năm 1947 đến 1948 đình Phú Hạnh là trụ sở làm việc của Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Vĩnh Tường; nơi đặt lớp học “bình dân học vụ”, nơi tuyển quân, luyện tập quân sự, hội diễn văn nghệ. Từ năm 1954 đến năm 1964, nhiều cơ quan, đoàn thể, trường học của xã và huyện đã chọn đình Phú Hạnh làm địa điểm làm việc, hội họp như: Đội giảm tô, cải cách ruộng đất, trường cấp I, Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Huyện đội,… Từ năm 1964 đến năm 1967, đình Phú Hạnh lại đón nhận các cán bộ, giáo viên, học viên của trường Nguyễn Ái Quốc về đây sơ tán, học tập.

Đình Phú Hạnh

Về các công trình kiến trúc tôn giáo, Thượng Trưng có 5 ngôi chùa, trong đó có một kiến trúc cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là chùa Thượng Trưng, tên chữ là Bảo Quang Tự. Chùa tọa lạc ở trung tâm thôn Chùa Chợ, trên thế đất cao nhìn về hướng Tây Nam, phía trước chùa là dải cung đầm Thượng mênh mông – dấu tích còn sót lại của dải sông Hồng. Đây là một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng khá sớm, cuối thế kỷ XVI (nhà Mạc), thời kỳ này phật giáo đang manh nha phát triển hưng thịnh trở lại sau thời gian thoái trào (thế kỷ XIV – XV Nho giáo lấn át Phật giáo). Bảo Quang Tự có bố cục kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” với kiến trúc chính hình chữ “công” gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện, bên cạnh còn có các đơn nguyên kiến trúc khác như tam quan – gác chuông, nhà hành lang, nhà tổ. Cũng như nhiều ngôi chùa ở Bắc bộ, chùa Thượng Trưng thờ Phật theo dòng  Đại Thừa – Bắc Tông (cỗ xe lớn, chịu ảnh hưởng của Phật Giáo Trung Hoa) cho nên hệ thống tượng ở đây được bài trí theo cùng mô tuýp với rất nhiều chủng loại tượng. Các pho tượng tại chùa được tạc ở nhiều giai đoạn khác nhau, từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, hầu hết đều là tượng gỗ tròn, bên cạnh đó còn một số tượng hậu được tạc bằng đá rất đẹp.

Cùng với các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Thượng Trưng còn là cơ sở nuôi dưỡng, che giấu hoạt động của nhiều chiến sĩ cách mạng trong suốt thời gian trước và trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Trong những năm 40 – 41 của thế kỷ XX, Thượng Trưng là địa bàn hoạt động chủ yếu của Xứ ủy Bắc kỳ, các cơ sở Đảng của tỉnh, của huyện để lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Trong thời gian này đồng chí Hoàng Quốc Việt – Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã về sinh sống và hoạt động trong ngôi chùa Bảo Quang. Có lúc các đồng chí ẩn mình dưới danh nghĩa là thủ từ, thầy cúng để hoạt động, có lúc lại về đây tổ chức các hội nghị, các cuộc họp rồi đưa ra các quyết định, sách lược quan trọng cho phong trào cách mạng ở địa phương nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Vào những năm 1942 – 1944, các đồng chí Kim Ngọc, Trần Độ cũng đã từng ở tại chùa để hoạt động. Tháng 7/1945, đồng chí Đặng Việt Châu là cán sự Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên thay mặt tổ chức quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng phủ Vĩnh Tường để lãnh đạo nhân dân trong phủ/huyện Vĩnh Tường khởi nghĩa dành chính quyền, Ủy ban cũng đặt luôn trụ sở thường trực tại chùa. Vì vậy, có thể coi chùa Thượng Trưng như trụ sở của cách mạng lúc bấy giờ.

Cây gạo xóm Mới

Bên cạnh các di tích đã được nhà nước xếp hạng còn phải kể đến miếu Tây Lư, ngôi miếu nhỏ thuộc xóm Tây Lư thờ thổ kỳ (thần đất), đây là nơi lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của huyện Vĩnh Tường được treo công khai trong một cuộc mít tinh do Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phủ ủy Vĩnh Tường chỉ đạo cho Tổng ủy Thượng Trưng và Tổng ủy Đồng Phú treo vào ngày 14/7/1941. Tại miếu đã diễn ra các cuộc họp và là nơi ở của nhiều cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ thời kỳ 1940 – 1941 và 1944 – Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng, Ủy ban khởi nghĩa huyện Vĩnh Tường họp và đưa ra nhiều quyết định quan trọng, cũng là nơi xuất phát của hơn 30 thuyền chở lực lượng cách mạng đi khởi nghĩa giành chính quyền ngày 21/8/1945.

Thượng Trưng còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “đất khoa bảng” của huyện Vĩnh Tường nói riêng và của Vĩnh Phúc nói chung. Con người nơi đây nổi tiếng về truyền thống hiếu học, trong suốt chiều dài lịch sử đã có nhiều người đỗ đạt, vinh hiển. Thời kỳ phong kiến tự chủ (chủ yếu trong giai đoạn từ triều Lê đến hết triều Nguyễn), ở Thượng Trưng có 6 người đỗ tiến sĩ, 2 người đỗ cử nhân, 32 người đỗ hương cống và hàng trăm sinh đồ. Đặc biệt có 2 người cùng thi đỗ một ngày là Bùi Hoằng và Lê Dĩnh (Lê Đạo Nguyên) đều đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ chín, triều Mạc – 1538, vì vậy đến nay vẫn còn lưu truyền câu nói “Nhất nhật song Hoàng Giáp”. Một sự trùng lặp khá thú vị là đến năm 1999, sau gần 500 năm ở Thượng Trưng lại xuất hiện 2 người bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trong cùng một tháng để rồi lại có câu “Nhất nguyệt song tiến sĩ”. Chính vì là đất khoa bảng nên ở Thượng Trưng trước đây có xây dựng văn chỉ (ở vị trí gần UBND xã hiện nay) để thờ cúng các vị thánh hiền Nho giáo và là nơi vinh danh những người con của quê hương đã thi cử đỗ đạt, “vinh quy bái tổ”, làm những tấm gương sáng để cho mãi mãi đời sau soi chiếu, học tập, lập chí hướng./.

ST

 

Tệp đính kèm