Cập nhật: 27/12/2016 09:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ bao đời nay, chèo đã đi vào tâm thức người Việt, đặc biệt là người nông dân trong xã hội xưa, như một phần tất yếu của cuộc sống. Đến với chèo, mọi người không chỉ được tận hưởng những phút giây thư giãn đầy tiếng cười, mà còn có cơ hội trải nghiệm và suy ngẫm về sự đời. Chính vì vậy chèo mang trong mình những giá trị, những đặc điểm của xã hội và con người Việt Nam qua từng thời kì lịch sử. Để lưu giữ và truyền lại niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật hát chèo, nghệ sỹ Nguyễn Văn Thân thị trấn Thổ Tang đã giành hết thời gian, công sức để truyền dạy cho thế hệ sau.

Trích đoạn chèo "Xã trưởng - Mẹ Đốp" do nghệ sỹ Văn Thân thủ vai Xã trưởng

Chúng tôi hẹn gặp nghệ sỹ Nguyễn Văn Thân đúng thời điểm ông bận bịu với lớp bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ do Trường Trung cấp VHNT Vĩnh Phúc mở ở xã Tân Cương (Vĩnh Tường) mới thấy hết sự dẻo dai của ông. Mặc dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn hết sức nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng hát vẫn ấm và vang. Trong thời gian ngắn, các học viên được nghệ sỹ Văn Thân truyền dạy những kỹ thuật cơ bản của hát chèo, một số làn điệu tiêu biểu, đặc sắc: điệu tứ quý, chinh phụ, đào liễu, dương xuân.... Phần lớn các học viên của lớp tuổi đã cao (55 - 60 tuổi), lại là lần đầu tiên được tiếp cận với kỹ thuật hát chèo một cách “có bài bản” nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình của Nghệ sỹ Văn Thân, học viên của lớp đã biết đến với nghệ thuật hát chèo, nào là luyến, láy, nhả chữ “kiểu chèo”. Từ đây, họ sẽ là những hạt nhân giúp lưu giữ và làm lan tỏa tình yêu chèo đến với đông đảo người dân địa phương. Khi được hỏi về thầy Thân, cô Nguyễn Thị Thịnh, lớp trưởng lớp bồi dưỡng xúc động cho biết (áo vec màu ghi xám): “ Trong 8 ngày được học lớp hát và múa chèo do trường Trung cấp VHNT Vĩnh Phúc mở, trực tiếp là thầy Thân giảng dạy, tôi thấy, thầy Thân tuy tuổi đã cao nhưng thực sự là người Nghệ sỹ có tài, có tâm. Thầy đã dạy dỗ tận tâm cho chúng tôi, không quản ngại, nề hà vất vả. Tự đáy lòng tôi vô cùng khâm phục thầy. Chúng tôi ý thức được rằng, sau khi hoàn thành khóa học, chúng tôi cần phải tích cực ôn luyện để hát và múa được những làn điệu chèo tiêu biểu mà thầy Thân đã nhọc công truyền dạy để cùng thầy lưu giữ, truyền bá nét đẹp của nghệ thuật hát chèo, xứng đáng với công sức dạy dỗ của thầy”

Một tiết mục múa quạt do nghệ sỹ Văn Thân dàn dựng và hướng dẫn

Theo chân người nghệ sỹ hát chèo hàng đầu Vĩnh Tường về thăm nhà ông, được tận mắt chứng kiến ông tập hát, viết lời mới cho các làn điệu chèo cổ, lắng nghe những tâm sự của ông, chúng tôi thấy được, tình yêu chèo trong ông lớn nhường nào. Nghệ sỹ Nguyễn Văn Thân sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo, đông anh chị em ở xóm Phú Mỹ, thị trấn Thổ Tang. Ông chia sẻ: “Năm 1954, khi mới giải phóng xong, phong trào văn hoá văn nghệ ở địa phương bắt đầu đia vào hoạt động, khi đó cơ một nghệ nhân hát chèo đã về hướng dẫn, dạy hát chèo tại địa phương, ông đã học và say mê hát chèo từ đó”. Năm 21 tuổi, ông trúng tuyển vào Đoàn nghệ thuật chèo Vĩnh Phúc. Hơn 30 năm gắn bó với nghiệp chèo, ông đã đem hết tâm sức vào từng câu hát, từng vai diễn. Khi về hưu, không nguôi tình yêu với chèo, ông đã mở các lớp dạy hát chèo, phối hợp với các CLB văn nghệ để truyền lại nghệ thuật chèo cho các thế hệ sau. Ngoài ra, ông còn tự sáng tác được hơn  60 ca khúc, 30 tiểu phẩm, hoạt cảnh chèo thấm đẫm hơi thở cuộc sống của người dân lao động. Các tác phẩm của ông được tham gia ở các hội diễn và đạt được nhiều giải cao như tác phẩm: “Hướng về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII” đạt giải nhất tại các hội thi liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc năm 2006, bài “Hát văn ca ngợi quê hương Vĩnh Tường” đạt giải C trong hội thi ca múa nhạc không chuyên Vĩnh Phúc năm 2016...

Đồng chí: Nguyễn Văn Long – Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Thổ Tang cho biết (người áo đỏ): Ông thường xuyên mở các lớp hát chèo cho các tầng lớp nhân nhân ở địa phương, và ông đã sáng tác được nhiều kịch bản chèo để các CLB văn nghệ ở Thổ Tang biểu diễn tại các hội thi ở cả huyện và tỉnh, qua đó góp phần lưu giữ các làn điệu chèo”

Trong lúc trò chuyện với người nghệ sỹ cao tuổi Nguyễn Văn Thân, chúng tôi cũng thấy dường như trong sâu thẳm ông có nét buồn, tiếc vì dường như những làn điệu chèo dần đang bị lãng quên,. Nhưng trong tâm hồn ông - một nghệ nhân đã gắn bó lâu đời với tiếng trống điệu chèo ông vẫn luôn hy vọng bộ môn nghệ thuật chèo sẽ không mai một theo thời gian. Ông cho biết: “ Bây giờ ông chỉ mong muốn giữ gìn được nghệ thuật hát chèo của quê hương, góp phần phát triển phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương chứ ông không mong giải thưởng hay danh hiệu gì hết. Ông quan niệm, có được phong nghệ nhân ưu tú hay nghệ nhân ưu tú hay không không quan trọng, mà quan trọng là mình làm được gì để gìn giữ, lưu truyền nghệ thuật hát chèo. Làm được điều đó mới là điều vinh dự”.

Chia tay người nghệ sỹ cao tuổi vẫn say mê với những làn điệu dân gian truyền thống chúng tôi hiểu rằng: Gìn giữ, bảo tồn và phát triển những làn điệu chèo là gìn giữ vốn văn hoá cổ truyền của dân tộc, để những làn điệu chèo thiết tha, mặn nồng lại được phục hồi và phát triển trong cuộc sống hôm nay. Chúng tôi chúc ông mạnh khoẻ, luôn giữ ấm ngọn lửa chèo và truyền được ngọn lửa ấy cho nhiều lớp đàn em để chèo mãi lan toả trong lòng công chúng.

 

ST

Tệp đính kèm