Cập nhật: 31/12/2016 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch, những năm qua, huyện Tam Đảo tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ, từng bước tạo nên diện mạo mới cho ngành du lịch của huyện. Trong tương lai không xa, Tam Đảo sẽ trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của tỉnh và cả nước. 

Lợi thế phát triển du lịch

Huyện Tam Đảo được thành lập và đi vào hoạt động năm 2004 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn thuộc huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên. Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, Tam Đảo có vị trí địa lý gần với thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, thuận lợi trong việc thu hút khách nội địa và quốc tế đến với Tam Đảo. Bên cạnh đó, huyện có nút giao lên xuống với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dễ dàng kết nối tuyến du lịch với các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai.

Trong tiết trời giá lạnh của mùa đông, đến với thị trấn Tam Đảo mù sương, cái  lạnh khiến cho du khách không khỏi xuýt xoa. Chung tôi rảo bước cùng ông Đỗ Văn Chúc, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo theo con đường mòn dẫn vào khu rừng hoa đỗ quyên. Ông Chúc giới thiệu: Tam Đảo có điều kiện tự nhiên phong phú, là nơi gìn giữ báu vật của thiên nhiên với hệ thống rừng nguyên sinh, hồ, đập, suối, thác nước, hang, động và núi cao cùng với những thắng cảnh nổi tiếng như đỉnh Rùng Rình, rừng Ma, ao Dứa, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Bát Nhã, suối Giải Oan. Vườn Quốc gia Tam Đảo với khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao, 64 loài cây quý hiếm, 42 loài đặc hữu của Việt Nam và của riêng Tam Đảo cần được bảo tồn như Pơmu, Gù hương, Trà hoa vàng, Hoàng thảo... Hệ động vật rừng với trên 1 nghìn loài, trong đó có 59 loài quý hiếm như Cầy gấm, Sơn Dương, Khỉ Vàng. Đặc biệt, khu nghỉ mát Tam Đảo nằm ở độ cao hơn 900m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm là 180C là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, du lịch công vụ, mạo hiểm.... Sân golf Tam Đảo được đầu tư hiện đại đã và đang thu hút hàng nghìn khách chơi golf thường xuyên và hàng trăm nghìn khách đến tham quan hàng năm.

Một góc Tam Đảo êm đềm, thơ mộng

Không chỉ vậy, theo ông Trần Hồng Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo: "Một lợi thế khác là cơ sở để huyện Tam Đảo đẩy mạnh phát triển du lịch là huyện có hệ thống di sản văn hóa vật thể, di tích thờ Mẫu, thờ Phật phong phú và đa dạng. Một số di tích nổi tiếng như Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, Đền Chân Suối, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Đức Thánh Trần, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên,... Các lễ hội dân gian được tổ chức hàng năm gắn với các di tích lịch sử văn hóa, thu hút một lượng lớn khách du lịch hành hương về với Tam Đảo. Trên địa bàn huyện còn lưu giữ được các giá trị văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca Soọng cô, lễ cấp sắc, hát trầu văn, trang phục truyền thống, các loại bánh và món ăn ẩm thực đặc trưng của đồng bào các dân tộc".

Cùng với đó, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm. Đến nay, huyện đã xây dựng quy hoạch chung khu danh thắng Tây Thiên, khu vực ven chân núi Tam Đảo; quy hoạch chung, chi tiết trung tâm Lễ hội Tây Thiên, khu du lịch sinh thái Tam Đảo I, Tam Đảo II; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Làng Hà, Hồ Xạ Hương.

“Những tiềm năng và lợi thế đó là cơ sở vững chắc để huyện Tam Đảo đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ và trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh và quốc gia trong thời gian không xa”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Chú trọng đầu tư phát triển du lịch

Được sự quan tâm của tỉnh cùng nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, du lịch Tam Đảo đang dần phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư mới, nâng cấp; công tác xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa du lịch được nhân dân hưởng ứng tích cực; đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác du lịch, dịch vụ được tăng cường cả số lượng và chất lượng phục vụ.

Ông Trần Hồng Hiệp chia sẻ: Bằng các nguồn vốn khác nhau, những năm qua, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư cho huyện Tam Đảo để nâng cấp, cải tạo và làm các tuyến đường giao thông quan trọng để kết nối các khu, điểm du lịch của huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh; đầu tư xây dựng các hạng mục tại khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên, khu du lịch Tam Đảo và các khu vực có tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn huyện như hồ đập, thác nước, rừng nguyên sinh... Trong đó năm 2015, Khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên được khánh thành giai đoạn I với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng đã thực sự góp phần đổi thay diện mạo du lịch tại đây.

Trong năm 2016, có 11 dự án trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn huyện Tam Đảo, trong đó có nhiều dự án hứa hẹn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng tầm phát triển du lịch của huyện, trong đó dự án xây dựng khu công viên cây xanh thuộc giai đoạn II tại Khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên và Khu công viên trung tâm và các tuyến đường nội thị, thị trấn Tam Đảo với tổng mức đầu tư trên 110 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 2B đoạn từ cầu chân suối đến khu Tam Đảo I với tổng chiều dài trên 12km, tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Toàn cảnh khu Trung tâm lễ hội Tây Thiên nhìn từ trên cao xuống

Với sự đầu tư có trọng tâm trọng điểm, cơ sở hạ tầng du lịch của huyện Tam Đảo được nâng cấp và mở rộng. Tại khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên có hệ thống dịch vụ hỗ trợ cáp treo và xe điện; một số đền, chùa tại Thiền viện Trúc lâm trong quần thể khu di tích Tây Thiên được trùng tu, tôn tạo và hoàn thiện. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng từng bước được nâng cấp, đầu tư mới. Toàn huyện có 104 cơ sở lưu trú trong đó 1 khu nghỉ dưỡng Resort, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao và 8 khách sạn 1 sao, còn lại đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, với tổng số 1.827 phòng nghỉ. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, lưu trú của du khách. Hiện có 15 cơ sở lưu trú, nhà hàng đã có dịch vụ thanh toán bằng thẻ và 9 cơ sở lưu trú thực hiện đặt phòng qua mạng internet.

Đồng bộ với việc phát triển hạ tầng các khu du lịch, huyện Tam Đảo chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo theo hướng hiệu quả, thiết thực, gắn đào tạo với sử dụng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đội ngũ tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, năng lực làm việc. Huyện chủ động tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, khuyến khích các tổ chức nước ngoài chuyển giao kinh nghiệm và công nghệ quản trị cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Bên cạnh đó huyện Tam Đảo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng giao tiếp chăm sóc khách hàng, các kỹ năng du lịch, ngoại ngữ giao tiếp thông dụng cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch tại chỗ là hộ gia đình, con em của cộng đồng dân cư địa phương vừa lao động ngành nghề khác, vừa có thể tham gia hướng dẫn khách du lịch tham quan hoặc phục vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm tại các điểm tham quan du lịch cộng đồng. Đồng thời, để tạo sự đồng thuận chung trong phát triển du lịch, dịch vụ, huyện tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cộng đồng dân cư tại các khu, điểm du lịch về đặc điểm của các ngành nghề du lịch, dịch vụ, những lợi ích từ hoạt động du lịch, dịch vụ mang lại.

Diện mạo vùng trọng điểm du lịch

So với những năm đầu tái lập huyện, đến nay, diện mạo du lịch của huyện Tam Đảo có nhiều đổi thay. Có được kết quả này, theo ông Hiệp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển du lịch, dịch vụ và có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được. Cơ cấu, tỷ trọng ngành du lịch - thương mại - dịch vụ của huyện chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ từ 21% năm 2004 tăng lên 43,26% năm 2016. Năm 2004, giá trị sản xuất du lịch, thương mại, dịch vụ của huyện đạt hơn 83 tỷ đồng, đến năm 2016, ước đạt trên 715 tỷ đồng. Năm 2011, huyện đón khoảng 244.700 lượt khách, đến năm 2015 đón trên 803.434 lượt khách tăng 328% so với năm 2011; 9 tháng đầu năm 2016 đón khoảng 1.643.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Sự phát triển của ngành du lịch - thương mại - dịch vụ góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng, đem lại nguồn lợi, nguồn thu nhập lớn cho người dân, tăng thu ngân sách cho huyện và tỉnh. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2004 mới đạt trên 42 tỷ đồng, đến năm 2016 ước đạt 635 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt từ 11% - 18%/năm. Không chỉ vậy, ngành du lịch - thương mại - dịch vụ của huyện phát triển, tạo động lực thúc đẩy các ngành giao thông, xây dựng, thương mại, ngân hàng và các dịch vụ nhà hàng, khách sạn phát triển. Từ đó tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, từng bước nâng cao tích lũy và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 24,7%  năm 2004 xuống còn 6,75%, năm 2016.

Mỗi năm có hàng vạn lượt khách về với huyện Tam Đảo

Đến nay, huyện Tam Đảo đã hình thành được các tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch phục vụ tham quan nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài tỉnh như: Hợp Châu - Đền cả - Thiền viện trúc lâm Tây Thiên - Khu du lịch Tam Đảo I; Hợp Châu - Tây Thiên - Đạo Trù - Khu du lịch Tam Đảo I; Hợp Châu - Sân golf - Hồ xạ Hương - Vườn Quốc gia Tam Đảo - Khu du lịch Tam Đảo I.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển du lịch, huyện Tam Đảo sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù làm điểm nhấn thu hút níu chân du khách. Theo đó, người dân đến Tam Đảo không chỉ để du lịch hội thảo, nghỉ dưỡng, thăm thân tại khu du lịch Tam Đảo I mà còn du lịch thể thao, mạo hiểm và vui chơi giải trí tại Trung tâm thể thao Quốc gia III, hệ thống đường đèo leo núi lên thị trấn Tam Đảo; du lịch sinh thái tại Hồ Xạ Hương, Hồ Làng Hà, khu sản xuất rau sạch theo chuỗi của công ty Vineco; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử các làng dân tộc Sán Dìu và sở chỉ huy chiến dịch trung du; du lịch lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh tại khu di tích danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Những ngày này, toàn huyện Tam Đảo đang tích cực thi đua chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Tại các khu du lịch trọng điểm của huyện các công tác chuẩn bị đã sẵn sàng để đón các đại biểu về dự kỷ niệm cũng như du khách thập phương về tham quan, nghỉ lễ dịp tết Dương lịch lịch, tết Nguyên đán và dịp lễ hội Tây Thiên 2017. Hòa vào niềm vui chung của tỉnh, theo lãnh đạo UBND huyện Tam Đảo, đúng dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, với huyện Tam Đảo niềm vui được nhân đôi vì sẽ có nhiều dự án với nguồn vốn đầu tư lớn về phát triển du lịch dự kiến sẽ được cấp quyết định chủ trương đầu tư, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký biên bản ghi nhớ và được động thổ khởi công xây dựng trên địa bàn huyện, tiêu biểu như dự án Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II và Cáp treo Bến tắm Tây Thiên đi khu du lịch Tam Đảo II do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5 nghìn tỷ đồng; dự án tổ hợp khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp hồ Làng Hà, tại xã Hồ Sơn với mức đầu tư trên 2,5 nghìn tỷ đồng; dự án tổ hợp sân Golf Bàn Long tại xã Minh Quang do công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh có mức đầu tư 1,5 nghìn tỷ đồng; các dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng đầu tư tại thị trấn Tam Đảo gồm Khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, Khách sạn Lâu đài, khu nghỉ dưỡng sinh thái, ẩm thực với mức đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, huyện Tam Đảo đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy có hiệu quả và hợp lý tiềm năng lợi thế, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 Tam Đảo cơ bản thành huyện du lịch trọng điểm.

ST

 

 

Tệp đính kèm