Cập nhật: 01/01/2017 08:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ


Kỳ 1: Tâm thức biển của người Việt

NDĐT – Có bao nhiêu làng biển dọc theo chiều dài đất nước, nơi những đầu sóng gối bờ nối đất liền với đại dương, nghìn đời nay thăng trầm bên biển... Từ những ngôi làng nhỏ bé ấy, những con người ngày đêm vượt sóng ra khơi, vừa đắp đổi mưu sinh nghìn đời, vừa ghi dấu chủ quyền Tổ quốc. Những người làng biển ấy, qua trầm tích thời gian, những gian nan khó nhọc, những tai ương hiểm họa, vẫn kiên cường bám biển giữ nghề…

Chúng tôi những mong một lần được rong ruổi dọc bờ biển đất nước, đặt chân lên cát bỏng, thở vị mặn của muối, ghé thăm những ngôi làng dưới nắng rát, để rồi đêm đến giữa tiếng rì rầm của biển, ngồi nghe câu chuyện của những con người ăn sóng, nói gió - những đứa con của biển khơi…

Ký ức biển của người đàn ông làng mắm

Khúc Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nổi tiếng là một làng biển có nghề làm nước mắm hàng trăm năm. Nước mắm Khúc Phụ thì nghe danh đã nhiều, nhưng lần đầu tiên tôi biết đến làng là qua câu chuyện kể từ ký ức của bạn tôi. Anh là con út trong một gia đình có sáu người con, sống ở ngôi làng nhỏ bé này. Bố theo bạn đi đánh cá lênh đênh ngoài biển cả tháng trời. Mẻ cá bố đánh được không mang ra chợ bán, cũng không vào tay tiểu thương, mà mẹ anh cho hết vào làm mắm. Những chum, thạp mắm của mẹ để đầy sân, gối đầu từ vụ này qua vụ khác. Nhà của anh ám mùi mắm, nó quen thân với anh như thể mùi của hơi thở, của không khí vậy.

Sau khi làm mắm, mẹ anh khiêng luôn chum mắm ấy lên thuyền đẩy ngược sông Mã đến vùng núi Thọ Xuân. Chiếc thuyền nan mỏng manh được chèo chống bằng đôi bàn tay bé nhỏ. Dòng sông lại chỉ chảy xuôi. Một mình mẹ loay hoay giữa dòng nước. Khoảng cách từ làng anh lên đến vùng núi Thọ Xuân, nếu đi đường bộ khoảng 80km. Còn đường sông quanh co thì chẳng ai đo đếm bao giờ, chắc cũng cả trăm cây số.

Thấy mẹ vất vả, những ngày biển động, bố ở nhà cùng mẹ chèo thuyền ngược sông rồi lại một mình trở về đi biển. Một lần, vào dịp nghỉ hè, anh được bố mẹ cho đi cùng. Bố buộc dây dong thuyền dọc bờ sông. Mẹ ở trên thuyền chèo chống. Những đoạn sông bình lặng, bố lên thuyền cùng mẹ. Hai ông bà người chèo kẻ chống cứ ngược dòng nước mà đi. 

Dọc dòng sông Mã có nhiều cây cầu phao bắc qua. Có lần anh đang ngủ ngon trên thuyền thì bị gọi dậy. Hóa ra bố anh phải căn vào nửa đêm để đưa thuyền qua cầu, vì lúc đó không có người qua lại. Bố dỡ mui đặt lên trên cầu, đẩy thuyền qua rồi mới lắp mui lại. Phải mất đến hai ngày đằng đẵng chèo chống, thuyền nan chở mắm của mẹ mới lên đến miền ngược. Mẹ dựng tạm một cái lều bên sông và bắt đầu nấu mắm. Thạp mắm cá được chắt lấy nước mắm nhĩ bán cho nhà giàu. Số cá còn lại được trộn thêm muối và nước để nấu thành nước mắm loại hai, loại ba bán cho người nghèo.

Cứ tảng sáng, mẹ anh bắt đầu gánh nước mắm vào bản đổi lấy bất cứ thứ gì dân miền núi có thể đổi cho bà để lấy nước mắm. Chiều tối, bà lại gánh về lều đủ các loại gạo, ngô, khoai, sắn rồi phân loại cho vào từng bì. Phụ nữ miền biển, nhưng bà không chỉ thạo việc chèo thuyền trên sông, gánh gồng trèo non lội suối, mà còn phải thạo cả việc chạy lũ như dân miền ngược. Nước lên đến đâu bà lại dâng thuyền lên đến đấy, nước xuống bà lại neo thuyền về chỗ cũ.

Cứ thế, bà cắm lều bên sông vài ba tháng mới bán hết thuyền nước mắm, rồi lại chất đầy thuyền các loại nông sản xuôi về làng biển. Anh nhớ, mỗi lần mẹ về đến cửa biển, cả nhà lại ra bến khuân lương thực về. Ngày hôm sau, hàng xáo đến đầy nhà anh để mua lại. Bà chỉ ở nhà khoảng một tuần để chuẩn bị cho mẻ mắm mới rồi lại đi tiếp.

Bố và mẹ anh, người ra biển, kẻ ngược ngàn kiếm sống vất vả như thế để nuôi sáu anh em ăn học. Những đứa trẻ ở nhà cứ tự ăn, học và lớn. Không ai bảo ai, nhưng ba anh em trai đến giờ này vẫn gắn đời mình với biển, dù họ không còn sống ở làng Khúc Phụ nghèo khó nữa. Bố mẹ anh giờ đã ngoài 70 tuổi, nghỉ đi biển, làm mắm từ hai mươi năm nay. Mẹ anh phải trải qua những năm tháng lao lực nên lưng còng, mắt mờ, chân chậm... Làng làm nước mắm Khúc Phụ giờ đã được cấp bảo hộ thương hiệu, người làm mắm khấm khá hơn trước.

Dù đang sống và làm việc ở một vùng biển khác, nhưng mùi mắm của tuổi thơ gian khó vẫn ám ảnh mãi với anh không thể nào quên được. Mỗi năm về quê, anh lại xách can nước mắm thật to do chính tay mẹ làm mang vào nơi mình sống, vốn cũng là một vùng làm mắm nổi tiếng khác. Cả đời anh chỉ muốn ăn thứ nước mắm mẹ làm. Anh tâm sự: “Mọi người đến làng tôi đều khó chịu với mùi mắm tanh hôi, nhưng tôi luôn thấy nó thơm tho kỳ lạ, cứ đi xa lại nhớ” 

Nghề biển – những mảng màu sáng tối

Ký ức mặn mòi của người đàn ông vùng biển đã dẫn dắt chúng tôi đi qua những ngôi làng đầy nắng, thấm vị mặn của muối và cát bỏng dọc dải miền trung. Ký ức của anh, tâm thức biển trong anh cũng là tâm thức của nhiều người được sinh ra trong hàng nghìn làng dọc bờ biển dài hơn ba nghìn cây số của nước ta.

Cách mưu sinh kiếm sống của người Khúc Phụ cũng là cách để những người dân Việt sống dọc biển đắp đổi với người vùng đồng bằng hoặc vùng núi để sinh sống theo hình thức tự cung tự cấp từ nghìn đời nay. Cách làm tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ ấy không chỉ của hai mươi năm trước mà đến bây giờ vẫn vậy.

Buổi chiều là lúc ngư dân thảnh thơi ngồi thư giãn bên cảng cá.

Trong lúc rong ruổi dọc cảng Hòn Rớ ở Nha Trang, Khánh Hòa vào chiều muộn, chúng tôi bắt gặp những người đàn ông ngồi trên cảng nhìn ra biển. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ nửa đêm, họ kéo thuyền ra khỏi bãi ngang chừng mấy dặm bắt cua, cá tầng đáy hay mò ốc rồi trở về lúc tang tảng sáng. Những người vợ ở nhà mang ít cá tôm ấy ra chợ bán lấy tiền sống qua ngày. Cảng Hòn Rớ có gần nghìn chiếc thuyền neo đậu, nhưng thuyền công suất lớn để đánh bắt xa bờ chỉ khoảng mấy chục chiếc. Nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở Hòn Rớ vốn đang được Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ, nhưng đội tàu này cũng chỉ khoảng 40 chiếc, chiếm số lượng quá bé nhỏ so với lực lượng ngư dân đang mưu sinh trên cảng biển này.

Anh Nguyễn Anh Tiên kể về mưu sinh khó nhọc của nghề biển.

Anh Nguyễn Anh Tiên đang đứng bế con hóng gió ở cảng Hòn Rớ kể, anh thường cùng bố vợ dậy đi lúc 2 giờ sáng ra cách bờ khoảng 1,5 hải lý thì thả lưới xuống, khoảng 5 giờ rưỡi trời sáng thu lưới và trở về bờ lúc 8 giờ sáng. Đó cũng là giờ chợ cá xôn xao dọc cảng Hòn Rớ. “Nếu gặp người mua thì được giá còn trúng, vào ngày rằm hoặc đầu tháng người ta ăn chay thì con cá rớt giá ghê lắm”, anh Tiên kể về phiên chợ cá. “Nhưng mình phải làm thôi chứ không thì biết sống bằng nghề gì. Cả đời tôi và bố mẹ tôi đều gắn với biển trên chiếc thuyền nhỏ đó”, anh cười buồn nói.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, yếu tố biển không phải là yếu tố hàng đầu hình thành nên văn hóa Việt Nam, vì người Việt vốn xuất thân từ vùng núi. Nhưng nó là một trong ba yếu tố quan trọng làm nên nền văn minh nông nghiệp lúa nước của người Việt với phức thể văn hóa gồm ba yếu tố: văn hóa đồng bằng, văn hóa núi và văn hóa biển. Những yếu tố văn hóa biển của người Việt chính là kết quả ứng xử của cư dân nông nghiệp khi họ từ các cửa sông vươn ra biển, đã tạo nên tính cách độc đáo của người Việt Nam: thâm trầm, kín đáo, quyết liệt bên trong mà ôn nhu, mềm dẻo, đôn hậu bên ngoài.

Tinh thần bám biển của người Việt cũng được tạo nên từ gốc gác nông nghiệp vốn yêu từng tấc đất, khi họ xem biển cũng là một phần máu thịt của Tổ quốc. Đi đâu, chúng tôi cũng được nghe những câu chuyện kiên cường bám biển của bà con ngư dân, dù mỗi năm có 5 chuyến đi biển thì hai chuyến lỗ, một chuyến hòa tổn, dù tàu cá của mình bị tàu nước ngoài đâm, đụng, rượt đuổi. Họ đoàn kết và cùng tương trợ nhau bám biển đánh cá, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Có quá nhiều tai ương có thể đổ lên đầu ngư dân khi ra biển.Thiên tai vẫn đang ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu, những cơn bão mạnh với đường đi khó lường vẫn tràn vào biển Đông ngày càng nhiều hơn. Mà kinh nghiệm của ngư dân lại cho thấy sau mỗi cơn bão sẽ đánh được nhiều cá hơn, nên họ vẫn tìm cách đi qua cơn bão biển để tìm cá, dù đôi khi phải trả giá cả bằng mạng sống.

Ngư dân chuẩn bị lưới để ra khơi đánh bắt cá.

Khi biển miền trung bị ô nhiễm, hàng nghìn chiếc thuyền phải úp cạn, cùng người dân cả nước, ngư dân nhiều nơi đã lên tiếng đòi Fomosa phải trả lại cho họ một vùng biển sạch. Đó chính là khi tâm thức biển trong họ bị tổn thương.

Yêu biển, kiên cường bám biển là vậy, nhưng nghề biển của người Việt còn nhiều mảng tối. Thói quen làm nông canh tác nhỏ lẻ, kiếm sống qua ngày được người Việt mang từ đất liền ra với biển, nên từ rất nhiều đời nay, phần đa người dân làng chài vẫn ra biển với những con thuyền thô sơ và đánh bắt với phương pháp thủ công.

Nhiều phương pháp đánh bắt của ngư dân mang tính “chộp giật”, không nghĩ đến tương lai lâu dài, nên “biển bạc” đang mất dần cá và “bạc bẽo” trở lại với con người. Mặc dù bị cấm, nhưng đánh bắt bằng phương pháp nổ mìn, hay giã cào gần bờ vẫn được ngư dân sử dụng để thu lợi trước mắt. Biển đang dần chết, không chỉ bởi thiên tai, nhân tai, mà còn cả do thói quen ứng xử của chính ngư dân với biển. Sự trả giá ấy đang cần một tầm nhìn chiến lược từ lãnh đạo, sự quyết liệt thực hiện từ các cấp chính quyền để biển nuôi dưỡng nguồn cá cho ngư dân đánh bắt lâu dài. Như người làm nông phải cấy cày vất vả, chăm cây, bón đất thì mới có ngày cho quả ngọt, ngư dân bám biển cũng phải để lại cho biển những “mầm sống” cho những vụ thu hoạch sau.

Làng vốn là đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng chặt chẽ nhất của người Việt. Làng biển đi qua thăng trầm nghìn đời đang cần những đổi thay từ trong tâm thức mỗi người dân biển, để mang hơi thở hiện đại, công nghệ hiện đại về với biển, nhằm góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, giữ gìn chủ quyền cho một đất nước được biển ôm trọn hình hài.

Chuyến đi của chúng tôi, qua những làng câu mực, làng săn cá mập, làng câu cá ngừ, hay cả làng giã cào gặp gì bắt nấy... mong tìm lại những trầm tích,những vệt văn hóa xưa cũ, cùng những thay đổi bồi đắp qua thời gian, qua sự thăng trầm dữ dằn hay hiền hòa của biển... Và câu chuyện về "Những thăng trầm làng biển" chỉ mới bắt đầu.

 

MINH NHẬT - THẢO LÊ- AN NGUYÊN

Báo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm