Việc nghiên cứu khoa học chủ yếu hiện vẫn dựa vào nguồn lực của Nhà nước và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: "Khoa học
công nghệ là khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới"
“Khoa học công nghệ là khâu then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” là khẳng định của các đại biểu tại Hội nghị đóng góp ý kiến khoa học về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 3/1 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, khoa học và công nghệ là khâu đột phá, góp phần thực hiện thành công “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới, giúp ngành thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, khoa học công nghệ đóng góp từ 30% đến 40% trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp thời gian qua và ngày càng tăng lên thông qua sự đầu tư của các doanh nghiệp và Tập đoàn lớn...
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, việc nghiên cứu khoa học chủ yếu vẫn dựa vào nguồn lực của Nhà nước và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, thể hiện ở chỗ nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia.
Đồng tình quan điểm này, Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi đề xuất, để tái cơ cấu nông nghiệp thành công gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp phải xác định rõ những rủi ro và thách thức của biến đổi khí hậu cũng như quá trình hội nhập mang lại.
“Muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải thích ứng được biến đổi khí hậu, để tái cấu trúc và đưa nông nghiệp sản xuất công nghệ cao phải quan tâm đến nguồn nước và phải có những giải pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho hơn 13 triệu hộ với hơn 80 triệu nông dân hướng đến sản xuất hàng hóa lớn áp dụng công nghệ và phát triển bền vững phải có những định hướng cụ thể về những rủi ro thách thức của thiên tai và hội nhập”- Giáo sư Vũ Trọng Hồng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, những thành tựu của ngành Nông nghiệp sau 30 năm đổi mới có vai trò rất lớn của khoa học công nghệ. Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo; có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD…
Để đưa nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất phải tăng cường liên kết chặt chẽ các nhà khoa học và huy động được nguồn lực nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, trong đó tranh thủ hỗ trợ của quốc tế để tạo nên trào lưu mới trong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Giai đoạn tới, trước thách thức biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nền nông nghiệp dựa vào hộ nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp tập trung theo hướng chuỗi giá trị hàng hóa thì không con đường nào khác là phải tập trung giải pháp khoa học công nghệ là then chốt. Trong đó, vai trò của các nhà khoa học, viện trưởng đóng vai trò hết sức quyết định trong lĩnh vực này, phải trở thành “hạt nhân” để liên kết “4 nhà.
Bộ Nông nghiệp sẽ hình thành một cơ chế hợp tác để làm sao liên tục tranh thủ đón nhận được những ý tưởng, đề tài, chương trình tham vấn bổ ích, thiết thực, sát với thực tiễn của các nhà khoa học để giúp tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thành công theo đúng định hướng phát triển của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.
Cũng tại hội nghị, đại diện một số đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn trong xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao và liên kết tiêu thụ cá tra; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm nước lợ; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giống cây trồng và phân bón…/.
Theo Minh Long/VOV.VN - Trung tâm Tin