Cập nhật: 06/01/2017 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dọc theo bờ Bắc con sông Bồ, đoạn chảy qua xã Phong Hiền, huyện Phong Điền ngày ngay, là nơi có làng nghề rèn Hiền Lương rất nổi tiếng. Rèn Hiền Lương là một làng cổ hình thành từ giữa thế kỷ XV, dưới thời Hậu Lê.

Rèn Hiền Lương là nơi chuyên sản xuất các nông cụ từ sắt thép như: cày, quốc, liềm, hái, dao, rựa, phăng, mỏ xay… Dưới thời các Chúa Nguyễn, thời Tây Sơn, và cả nhà Nguyễn sau này, làng Rèn Hiền Lương là trung tâm sản xuất binh khí vật dụng phục vụ vua quan và quân đội.

Xưa làng có tên là “Hoa Lang” nhưng vì là nơi sinh ra và đào tạo được nhiều hiền tài phục vụ cho triều đình nên được vua Minh Mạng đổi tên thành làng “Hiền Lương”. Xưa kia những trai đinh trong làng đã được tuyển mộ vào Dã Tượng cuộc (một tổ chức thợ rèn của nhà nước). Một số người xuất sắc trở thành những vị quản lý, đốc công ở những cơ sở này hay Sở Vũ khố của bộ Công như:  Hoàng Văn Gia, Hoàng Văn Cẩn, Hoàng Văn Lịch, Trần Văn Đắc… Đặc biệt, ông Hoàng Văn Lịch đã làm cho nghề rèn Hiền Lương vang danh khắp thiên hạ. Năm 1840 ông với các binh tượng của triều đình đã chế tạo thành công 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam. Sau sự kiện này, ông được phong tước Lương Sơn Hầu và được xem là người khởi đầu nghề cơ khí của Việt Nam.

 

Ngày nay, nghề rèn Hiền Lương đang đứng trước nguy cơ bị mai một...Làng đang chủ trương “đỏ lò” để bảo tồn những kỹ thuật rèn của làng và để phục vụ du khách tới tham quan. Tại Huế, cư dân làng còn tập trung một xóm nghề rèn, nghề sắt tại làng Bao Vinh, Hương Trà. Dẫu lập nghiệp nơi đâu, hằng năm vào ngày 18 tháng 2 âm lịch, dân nghề rèn Hiền Lương vẫn trở về, nô nức tập trung làm lễ tế tổ sư và tiên sư của nghề tại làng cũ.

 ST

Tệp đính kèm