Cập nhật: 07/01/2017 08:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ xa xưa, người dân vùng đồi huyện Lập Thạch cũ đã quen uống chè tươi. Mỗi nhà trồng mươi, mười lăm cây vừa làm hàng rào vừa để hái lá tươi hãm chè uống quanh năm. Một số thôn xóm ở các xã Văn Quán, Cao Phong… trồng chè thành nương, thành khoảnh rộng. Người ta dành một phần nấu uống hàng ngày, còn chủ yếu để lấy lá gánh đi bán ở các chợ trong vùng. 

 

Người dân Tiên Lữ thì chẳng có lá chè bán ra mà chỉ có mua vào. Ở đây, cả làng có một tập quán độc đáo: ngày nào cũng vậy, cứ vào buổi trưa hay buổi tối, người các xóm lại quây quần ngồi uống nước chè tươi với nhau, thân mật như trong một gia đình. Thói quen này thật là một phong tục đẹp.

Thú uống chè tươi “tập thể” ở làng Tiên Lữ ra đời tư bao giờ không ai hay. Có người kể: “Trước đây, thôn Lương Cầu còn là một xóm nhỏ vài ba chục gia đình, dân cư thưa thớt, ở vào nơi xa xôi, heo hút vào loại nhất làng. Buổi trưa mùa hè đã vắng vẻ, buổi tối mùa đông càng vắng vẻ hơn. Tối nào mà nghe thấy đâu đó có tiếng trống chèo thì rủ nhau đi xem. Khi không đi đâu, chẳng biết làm gì cho hết đêm. Người già rủ nhau đến nhà một người nào đó chơi, uống nước, trò chuyện. Thoạt đầu, chỉ có các cụ, dần dà thu hút thêm các ông, rồi các bà, các thành viên trong gia đình, rồi cả xóm thành “Hội chè tươi”. Mới đầu, hội chỉ họp buổi tối; sau đông vui quá, họp cả buổi trưa; luân phiên nhau, nay ở nhà này mai ở nhà khác.

Chỗ ngồi họp rất đơn giản. Họp trưa thì ngồi trong nhà; họp tối ngồi ngoài sân; rải chiếu xuống đất; tối nào không trăng thì đốt đèn dầu; mùa rét thì thì xúm xít vòng trong vòng ngoài quanh một bếp lửa.

Trong buổi họp, các cụ, các ông am hiểu tình hình thì kể chuyện cổ chuyện kim, chuyện gần chuyện xa, trong xóm ngoài làng… bảo ban con cháu điều hay lẽ phải; các “lão nông tri điền” bàn công việc đồng áng, việc học hành của con cái, việc tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống. Thỉnh thoảng các bà các chị cũng hát ví hát von cho cuộc họp thêm vui. Nhà nào có quả mít chín đem bổ ra cho mọi người cùng thưởng thức thì cuộc họp càng rôm rả.

Điểm mấu chốt không thiếu trong các buổi sinh hoạt này là “nhà đăng cai” phải nấu một nồi chè tươi “thật chuẩn”! Chuẩn từ cách chọn lá chè đến cách nấu nước chè đúng với cung cách địa phương.

Khâu quan trọng hàng đầu là chọn lá chè. Cây chè cao hay thấp đều dùng được nhưng phải là cây trồng ở chỗ dại nắng. Chè dại nắng thì lá nhỏ, dày, màu vàng nhạt, gấp lại thấy nó dòn; loại lá này được nước, xanh trong, mới uống hơi chát miệng, sau có vị ngọt nơi cổ họng, người ta gọi là chè “có hậu”. Cây chè bóng thì lá to bản, mỏng, mềm, xanh ngắt, uống nhạt, không ngon. Cũng không được hái lá ở những cây chè chuyên để hái búp. Nấu loại lá này, nước chè sẽ đắng. Ở Tiên Lữ, gia đình nào hết chè nhà, phải đi mua lá ngoài chợ thì chỉ chọn mua của hai xã Văn Quán, Cao Phong. Chè của các xã này trồng ở đồi đất sỏi, nơi dại nắng và không ai hái búp.

Lá chè hái xuống hoặc mua về, rửa hai, ba nước cho thật sạch. Không được vò lá; vò lá làm cho nước chè đỏ và có vị đắng. Nước dùng nấu chè tốt nhất là nước mưa hoặc nước giếng thơi. Nên dùng loại ấm đất. Đun nước sôi già, bỏ lá vào ấm chừng dăm phút thì bắc xuống; đổ vào ấm một bát nước mưa hoặc nước sôi để nguội; rồi dưa ấm vào ủ cho lá chè chín kỹ, nước sánh mà không nồng.

Uống nước chè tươi phải dùng bát đàn, vừa uống vừa thồi mới đã đời, mới ngon. Lại phải dùng một gáo dừa có tra cán để múc nước ra bát; trong bếp luôn có sẵn một siêu nước sôi để khi nồi nước chè gần cạn thì lấy ra pha vào cho đủ uống.

Thông thường, một buổi nước chè trưa (bà con nông dân Tiên Lữ không ngủ trưa) kéo dài từ sau bữa cơm trưa đến giờ đi làm chiều. Buổi nước chè tối từ sau bữa tối đến khuya, lúc mà nước chè đã nhạt. Người không quen uống chè tươi uống lúc đói có thể say nhẹ; uống ban tối thì suốt đêm không chợp được mắt. Dân Tiên Lữ gắn bó lâu đời với thú uống chè tươi thì đêm cứ đánh một giấc đến sáng rồi đi làm chẳng biết mệt!

ST

Tệp đính kèm