Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích bờ biển dài hơn 32 km, Tiền Giang có nghề đánh bắt hải sản truyền thống hình thành từ rất lâu đời. Qua quá trình phát triển, nghề đánh bắt hải sản của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.
Để đảm bảo hiệu quả khai thác cũng như an toàn cho ngư dân khi tham gia khai thác trên các ngư trường xa, Tiền Giang đã chú trọng trang bị cho ngư dân những kỹ năng về thông tin an toàn hàng hải, khuyến khích chủ tàu cá đầu tư trang bị những phương tiện kỹ thuật hiện đại trong việc dò tìm luồng cá, nâng cao năng lực đánh bắt và bảo quản hải sản.
Cùng với đó, tỉnh cũng hỗ trợ ngư dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật như: ứng dụng máy dò ngang Sonar, sử dụng công nghệ PU Foams trong bảo quản sản phẩm đánh bắt… để tăng năng suất khai thác biển, nâng giá trị sản phẩm trên thị trường.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến cuối 2015, tổng số tàu cá đăng ký của tỉnh là 1.205 tàu với công suất máy là 361.598 Cv. Đáng chú ý, trong số này có đến 181 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên biển của ngư dân, từ đó giúp giảm đáng kể chi phí xăng dầu do không phải vào bờ bán cá như trước đây.
Song song đó, tỉnh đã kiện toàn cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản. Trong đó, quan tâm chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, khuyến khích nông dân nuôi theo an toàn sinh học, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, tổ chức sắp xếp lại nghề cá. Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng năm 2016, sản lượng khai thác hải sản của các tàu cá trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 48.500 tấn.
Bên cạnh những thuận lợi cho hoạt động đánh trên biển của ngư dân, nghề khai thác hải sản ở Tiền Giang cũng gặp phải một số khó khăn, bất cập, như: đội ngũ thuyền viên có tay nghề (kinh nghiệm) không đủ phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản của các tàu cá; Ngư dân chưa tiếp cận, khai thác hết các tính năng của các trang thiết bị hỗ trợ đánh bắt hải sản như máy dò ngang, dẫn đến hiệu quả đánh bắt chưa cao; Chính sách hỗ trợ sau thu hoạch còn nhiều bất cập, đặc biệt là quy định trang thiết bị đầu tư phải có ít nhất 70% nội địa, trong khi hàng sản xuất trong nước chất lượng chưa đảm bảo, chưa đáp ứng đủ về số lượng so với nhu cầu của ngư dân.
Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh điều kiện hỗ trợ ngư dân trong chính sách hỗ trợ sau thu hoạch sao cho phù hợp với thực tế; đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, kho bảo quản nước đá, sản phẩm thủy sản… phục vụ khai thác thủy sản./.
Theo Kim Chung/TTXVN-VNA