Cập nhật: 09/01/2017 09:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một số chuyên gia cũng cho rằng, nếu không sớm nới lỏng chính sách về sinh con, mức sinh ở Việt Nam sẽ ngày càng thấp.

 

(Hình minh họa: ITN).

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tổ chức cuộc họp với đại diện các bộ, ngành liên quan để tư vấn thẩm định về đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế. Trước đó, Dự thảo Luật Dân số được Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp để tư vấn, thẩm định có đề xuất nới lỏng chính sách về sinh con.

Trong Dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án. Phương án 1 là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định một cách có trách nhiệm về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Nhà nước khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân chỉ sinh đến 2 con, quy định chính sách, biện pháp trong từng giai đoạn, từng vùng, tỉnh, thành phố để duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý trong phạm vi cả nước, giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Phương án 2 là tiếp tục quy định như hiện hành.  

Cũng theo Bộ Y tế, thời gian tới mức sinh có khả năng biến động khó lường. Vì thế, không khuyến khích, vận động sinh đông con, nhưng cũng không khuyến khích vận động các gia đình sinh 1 con hoặc không sinh con. Mục tiêu là duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý để bảo đảm quy mô dân số nước ta không quá 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 triệu đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ 21.

Cùng quan điểm này, một số chuyên gia cho rằng, nếu không sớm nới lỏng chính sách về sinh con, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với tỷ lệ 4-2-1 giống Trung Quốc (tức là cứ 4 người (gồm ông, bà nội, ngoại) thì chỉ có 2 con và 1 cháu; tức tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội./.

Theo Văn Hải/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm