Dân gian xưa có câu “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Ðoài ” với hàm ý nói về công trình công cộng tâm linh tiêu biểu của 3 trong 4 trấn nằm xung quanh kinh thành Thăng Long- Hà Nội ngày nay.
Đó là trấn Sơn Nam trong đó trung tâm là Thành Nam Định với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng với đó là những cây cầu có vẻ đẹp cổ kính, mái lợp độc đáo như cầu ngói Phát Diệm (Kim Sơn – Ninh Bình ), cầu ngói Chùa Lương ( Hải Hậu), cầu ngói chợ Thương (Nam Trực), cầu lợp làng Kênh (Trực Ninh).
Trấn Kinh Bắc với nhưng ngôi chùa nổi tiếng, nơi khởi nguồn du nhập đạo Phật vào nước ta như: Chùa Dâu, Bút Tháp, Phật Tích, Vĩnh Nghiêm… Còn trấn xứ Đoài nằm ở phía Tây Thăng Long nơi có ngọn núi tổ Ba Vì sừng sững cùng cố đô cổ Phong Châu ở đất Bạch Hạc nơi trị vì của 18 đời vua Hùng với quốc hiệu Văn Lang. Lại nổi tiếng với những ngôi đình cổ bề thế như: Đình Tường Phiêu (Phúc Thọ). Mông Phụ (Sơn Tây), Chu Quyến, Tây Đằng , Thuỵ Phiêu, Quang Húc (Ba Vì), Hương Canh, Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Hoàng Xá (Phú Thọ)…
Đình làng là nơi thờ các vị Thành hoàng làng có thể là nhân vật có thật hay trong truyền thuyết họ là những người có công lớn trong quá trình lập làng, giữ nước hay là người truyền nghề dạy cho dân làng. Đình thường nằm ở vị trí trung tâm đắc địa của làng thuận tiện cho việc đi lại. Cùng với các đình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ hệ thống đình ở các làng xứ Đoài xuất hiện vào hồi thế kỷ 16,17. Đình biểu hiện cho quyền lực làng xã, nơi hội họp tổ chức sinh hoạt của cộng đồng, là sợi dây gắn bó và tạo nên mối quan hệ đoàn kết bền chặt của cư dân trong làng. Các bức chạm trổ điêu khắc nghệ thuật ở trong và bên ngoài đình thường được khai thác các đề tài liên quan đến sinh hoạt sản xuất, phong tục tập quán thường nhật, biểu tượng linh vật quí như: long, ly, qui, phượng, tùng- cúc –trúc- mai , 4 mùa xuân- hạ-thu - đông, mặt trăng, mặt trời,.. Các hình ảnh sinh động ấy như nói lên khát vọng ước mơ bình dị của con người , các bức trạm bong, trạm nổi ở đình cũng ẩn chứa những câu chuyện lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Đình cổ xứ Đoài thường được cất dựng bằng các loại gỗ quí (tứ, thiết ), đinh –lim - sến –táu hay gỗ chò chỉ, gỗ dổi, vàng tâm, mít... kết cấu mái theo dạng chồng diêm 4 mái được lợp bằng ngói đất nung mũi di hay mũi hài (dạng vẩy cá) có màu nâu, gạch lát nền cũng là loại gạch hình vuông dày xưa kia dân làng thường mua cất tại những làng sản xuất gốm gạch nổi tiếng như: Giếng Đáy, Đông Triều (Quảng Ninh), Thổ Hà, Phù Lãng (Kinh Bắc), Hương Canh (Vĩnh Phúc )…
Gắn liền với đình là những công trình phụ cận không thể thiếu nó sẽ làm tôn vinh những giá trị của ngôi đình như: ao, hồ, giếng nước, các cây cổ thụ, bóng mát.Sân đình là nơi lũ trẻ nô đùa khi chiều về hay những đêm trăng sáng với các trò như: đánh đáo, ô ăn quan, chắt chuyền, rồng rắn lên mây, dung dăng dung dẻ, nhảy dây.
Cả làng gửi gắm và cầu mong hội năm nào cũng được Thánh Thần hay các bậc tiền nhân phù hộ cho toàn dân được an lành, nhà nhà hạnh phúc, mùa màng bội thu… kèm theo ngày hội là những trò chơi văn hóa văn nghệ dân gian cổ truyền như: bịt mắt đập niêu, bắt vịt, bắt trạch, cờ người, chọi gà, thổi cơm thi, thi văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, kéo co… Ngày lễ hội là ngày mà mọi người mọi nhà mang chọn những thứ tiêu biểu để dâng lên cúng lễ. Hội đình cũng là ngày vui nhất của dân làng không phân biệt lứa tuổi đối tượng chức sắc.
Các đình xưa đều được coi là nơi bảo tồn lưu giữ các đồ, hiện vật thờ quý như Hoành phi, câu đối, nhang án, lư hương, bát bảo, chuông, khánh, các sắc phong của những triều đại phong kiến… trải qua thời gian tồn tại lâu đời cùng với sự tác động của các cuộc binh biến, khí hậu, các hiện vật quý cũng bị thất lạc, cũng như không tránh khỏi sự hư hại xuống cấp của các hạng mục. Ngoài các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và yếu tố tâm linh, tín ngưỡng quý, trong thế kỷ 20, nhiều ngôi đình của xứ Đoài nói riêng và cả nước nói chung còn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và các cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của cả dân tộc.
Hiện nay, phần lớn các ngôi đình, làng cổ xứ Đoài đã được Nhà nước xếp hạng (cấp tỉnh- thành phố- cấp quốc gia- quốc gia đặc biệt). Trong đó đình Tây Đằng đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đình Chu Quyến được Ủy ban UNESCO châu Á - Thái Bình Dương trao giải thưởng về công tác tu bổ năm 2010. Ngoài nguồn vốn đầu tư kinh phí của nhà nước để chống xuống cấp, các di tích đình làng còn nhận được sự quyên góp ủng hộ tự nguyện của đông đảo các tổ chức cá nhân ở trong và ngoài quê hương.
Ngoài việc tồn tại ở các khu vực nông thôn, đình còn tồn tại ở các nơi sầm uất - phố phường. Như ở thị xã Sơn Tây có các đình như: Đệ Nhị, Hàng Đàn, Tiền Túc, Phù Xa, Thuần Nghệ, các thành phố, thị xã thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay cũng có một số đình cổ, được bảo tồn gìn giữ. Hòa trong thời kỳ phát triển kinh tế hội nhập quốc tế việc gìn giữ bảo tồn các di sản văn hóa đất nước trong đó có ngôi đình làng cổ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm cũng như nhận được sự ủng hộ đồng tình của đa số nhân dân, nhiều ngôi đình cổ ở những vị trí thuận lợi đã trở thành điểm tham quan nghiên cứu thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần to lớn vào việc tuyên truyền giáo dục về văn hóa lịch sử cho các thế hệ.
ST