Cập nhật: 18/12/2024 08:07:00
Xem cỡ chữ

Khu di tích Lam Kinh mang giá trị văn hóa thiêng liêng và còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa cung đình, minh chứng bước phát triển rực rỡ của kiến trúc Việt Nam.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Nằm cách thành phố Thanh Hóa 50km về phía Tây, trên địa bàn xã Xuân Lam, Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh là điểm đến không thể bỏ qua nếu du khách muốn tìm hiểu về một triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trải dài trên diện tích 140ha, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh hiện nay vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn những công trình của triều đại Nhà Hậu Lê, cùng nhiều cổ vật quý giá thời bấy giờ .

Lam Sơn là nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi -Lê Thái Tổ, và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Để tỏ lòng tôn kính với tổ tiên, nhà Lê cho xây dựng nhiều điện miếu, lăng tẩm có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn. Từ đó, Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long - Lam Kinh.

ttxvn_khu_di_tich_quoc_gia_dac_biet_lam_kinh_01_2024.jpg

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy.” (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433. Lam Kinh là nơi an táng, thờ cúng, tri ân các vị Vua và Hoàng hậu triều Lê. Theo các nhà sử học, vương triều Lê có hai thái miếu ở Thăng Longvà ở Lam Kinh, thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc. Vì thế hàng năm, các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều hành hương về Lam Kinh để thực hiện các nghi thức tế lễ và bái yết tổ tiên.

Khu di tích Lam Kinh mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả dân tộc.

Ðây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa cung đình cùng toàn bộ các bia ký, lăng mộ, minh chứng bước phát triển rực rỡ của nền kiến trúc nước nhà.

Các điện miếu và lăng mộ được bố trí theo quan điểm Nho giáo, thuật phong thủy, có sự hài hòa giữa đồi núi, khe suối, cây xanh, tạo nên một môi trường đẹp, cân bằng giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc.

Quy mô công trình kiến trúc Lam Kinh được ghi trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú như sau: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biết, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái Tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái Tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu.”

ttxvn_khu_di_tich_quoc_gia_dac_biet_lam_kinh_02_2024.jpg

Giếng ngọc cổ trong Khu di tích Lam Kinh. (Ảnh: TTXVN)

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy.” Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Cây cầu Bạch (tên gọi xưa là cầu Tiên Loan Kiều) bắc trên sông Ngọc là lối đi chính dẫn du khách vào thăm Kinh thành cổ Lam Kinh. Cầu được làm theo kiểu dáng kiến trúc độc đáo phổ biến ở các nước nhiệt đới vùng Á Đông, đó là thượng gia hạ kiều tức trên nhà, dưới cầu.

Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…

Đặc biệt, Tòa Chính điện Lam Kinh được ví như “linh hồn” của Khu Di tích bởi sự bề thế, trang nghiêm và vai trò quan trọng của nó trong quần thể khu miếu điện, lăng tẩm Lam Kinh.

Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia, đến năm 1994 được Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo. Trong khuôn khổ dự án tôn tại khu di tích, Tòa Chính điện đã được phục dựng trên nền móng cũ. Chính điện mang đậm lối phong cách kiến trúc cung đình thời Lê và là công trình điêu khắc gỗ tỉ mỉ, công phu. Cùng với ngoại thất là khối kiến trúc hình chữ Công (I), gồm 3 điện nối tiếp nhau là Quang Đức (tiền điện), Sùng Hiếu (trung điện) và Diên Khánh (hậu điện).

Từ đó đến nay gần 30 hạng mục công trình khu di tích đã được phục hồi tôn tạo, tránh được sự hoang phế, từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa như khu La Thành (hay Thành Ngoại; Nghi môn, Ngọ môn (cửa phía Nam) của điện Lam Kinh nơi đón tiếp nghi thức trước khi vào điện chầu; sân Rồng, sân Chầu; Chính điện Lam Kinh…

ttxvn_khu_di_tich_quoc_gia_dac_biet_lam_kinh_03_2024.jpg

Bảo vật quốc gia bia Vĩnh Lăng Lam Sơn, đặt tại lăng Vua Lê Thái Tổ, được đánh giá là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí, điêu khắc Việt Nam thời Lê Sơ. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Đặc biệt nơi đây hiện đang lưu giữ 5 tấm bia cổ, là những tư liệu quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc. Cả 5 tấm bia đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia, bao gồm bia Vĩnh Lăng (vua Lê Thái Tổ), bia Chiêu Lăng (vua Lê Thánh Tông), bia Dụ Lăng (vua Lê Hiến Tông), bia Kính Lăng (vua Lê Túc Tông), bia Khôn Nguyên Chí Đức (Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao).

Khu di tích cũng gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí với những cây cổ thụ nổi tiếng như cây Ổi biết cười, cây Đa-Thị mang điềm báo, cây Lim tự hiến thân mình để xây điện thờ. Màu sắc tâm linh không chỉ tô thêm phần linh thiêng cho nơi đây, mà còn là yếu tố thú vị, gây tò mò và thu hút ngày càng nhiều du khách đến với lịch sử đầy tự hào của Việt Nam./.

Theo (Vietnam+)

 https://www.vietnamplus.vn/chiem-nguong-khu-di-tich-quoc-gia-dac-biet-kinh-thanh-co-lam-kinh-post1002608.vnp