Vào khoảng năm Canh Tuất (1370) đời vua Trần Nghệ Tông, niên hiệu Triệu Khánh, đến năm Đinh Hợi (1407) đời Trần Ngổi, niên hiệu Vĩnh Lạc, tiếp đến thời thuộc Minh, từ 1408 đến 1427, huyện Tam Dương, gọi là huyện Dương thuộc phủ Tuyên Hoá. Đời vua Lê Thánh Tông (1460) niên hiệu Quang Thuận thứ nhất, vua ban địa danh là Tam Dương, đặt vào phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây. Theo điều ghi lại ở tấm bia số 6 “Từ đường bi ký phụ gia huấn” gắn ở đầu đốc bên phải nhà tiền tế của đền Phú Đa (Vĩnh Tường) năm 1767, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28, đời vua Lê Hiển Tông, Tam Dương còn được gọi là Tử Dương, do phủ Đoan Hùng kiêm lý. Năm Canh Dần (1830), niên hiệu Minh Mạng thứ 11, đời Nguyễn Thánh Tổ, huyện Tam Dương thuộc phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây. Niên hiệu Thành Thái thứ 11, năm kỷ Hợi (1899) huyện Tam Dương thuộc tỉnh Vĩnh Yên.
Theo sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” của Đào Duy Anh, do Nhà xuất bản Thuận Hoá in năm 1994, huyện Tam Dương có từ thời Trần Mạt (1370), cách ngày nay (2008) 638 năm, bao trùm cả vùng đất Vĩnh Yên, chạy dài từ chân núi Tam Đảo, xuống đến Khai Quang, phía Đông và Nam giáp Bình Xuyên, phía Bắc và Tây giáp Lập Thạch, có 10 tổng, 57 làng.
Thời Hùng Vương, vùng đất Tam Dương thuộc bộ Chu Diên, thời Tần thuộc Tượng Quận, thời Hán thuộc Giao Chỉ, thời Ngô thuộc Giao Châu, thời Tấn thuộc quận Tân Xương, thời Tuỳ thuộc Phong Châu, thời tự chủ thuộc Đạo Đà Giang. Cuối thời Trần, huyện Tam Dương thuộc châu Tam Đới, đầu thời Lê (1469) thuộc phủ Tam Đới. Năm 1831, huyện Tam Dương thuộc tỉnh Sơn Tây. Năm 1890 thành lập tỉnh Vĩnh Yên, huyện Tam Dương lại thuộc tỉnh Vĩnh Yên.
Năm 1977, huyện Tam Dương hợp nhất với huyện Lập Thạch. Năm 1978, Tam Dương tách khỏi Lập Thạch, sáp nhập với Bình Xuyên. Ngày 9/6/1998, huyện Tam Dương lại được tái lập với cái tên Tam Dương có từ thời Trần, mang nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa, cái tên chứa đựng biết bao kỷ niệm vui buồn, được trở về với bản sắc đặc hữu của mình, một vùng đất trung du bán sơn địa, nhiều danh lam thắng tích và ghi nhiều chiến công anh hùng.
Trong phần trên, chúng tôi trình bày vài nét lịch sử về sự xuất hiện địa danh Tam Dương, hoàn cảnh hình thành huyện nằm vào giai đoạn suy vong của đất nước. Triều Trần đến lúc mạt vận, nhà Hồ không làm nổi vai trò lãnh đạo toàn dân kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, bọn xâm lược triều Minh đặt lên cổ dân ta ách thống trị ngoại bang. Tam Dương ngẩng mặt lên sau 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn và thật sự vẻ vang từ thời vua Lê Thánh Tôn (1460), kéo dài mãi đến thời vua Tự Đức (1847), cũng như cả nước, được sống dưới các vương triều độc lập tự cường.
Tiếp theo sau đây, xin được nói về ý nghĩa văn hoá của hai chữ Tam Dương, để tránh điều ngộ nhận về địa danh này, chúng tôi xin mạo muội trình bày kỹ hơn về ý nghĩa hai chữ Tam Dương.
Ban đầu, tất cả các huyện ở Vĩnh Phúc đều không có tên Nôm, địa danh huyện đều đặt bằng tên chữ. Điều đó chứng tỏ rằng, khi có đơn vị cấp huyện, nước ta đã có văn tự phổ cập và đã có thể chế rõ ràng. ở Vĩnh Phúc tên huyện nào cũng đẹp, theo xu hướng miêu ta địa hình, địa mạo, hoặc xưng tụng, cầu chúc. Chẳng hạn như:
- Bình Xuyên: Dòng sông nhỏ êm đềm.
- Lập Thạch: Miền đá dựng hùng vĩ.
- Mê Linh: Cõi xưa xinh đẹp và huyền bí.
- Tam Đảo: Ba toà núi đột khởi giữa mặt bằng.
- Yên Lạc: Yên ổn xóm làng, vui vẻ nghề nghiệp.
- Vĩnh Tường: Mãi mãi tốt lành.
Riêng về hai chữ Tam Dương, chúng tôi xin dành cả cho phần phân tích tự dạng và nội dung từng từ rồi tổng hợp.
Chữ Tam:
Trong Hán tự, Tam có 3 lối viết. Chữ Tam đơn có 3 vạch ngang song song, nghĩa là Ba, số Ba, hoặc thứ Ba. Chữ Tam kép, viết thêm bộ Dặc. Chữ Tam kép thứ hai thêm cả chữ Bối lẫn bộ Dặc, vẫn có nghĩa là số 3 hoặc thứ 3. Viết chữ Tam kép như thế để dùng trong văn tự mua bán, tính toán, không sửa thành chữ khác được, kẻ gian không thể lợi dụng chữa ra số lớn số nhỏ để lừa gạt. Chữ Tam còn một ý nghĩa là Dài Rộng và một âm nữa là Tám, mang nghĩa nhắc đi nhắc lại hai ba lần. Chữ Tam trong tên huyện Tam Dương viết bằng chữ Tam đơn, có 3 nét vạch ngang song song
Cũng có thể viết chữ Tham trên chữ Tam, vẫn có ý nghĩa như thế. Từ chữ Tam, kiến trúc sư Lê Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải khôi nguyên La Mã, đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Đông, xây lầu “tứ phương vô sự” ở dinh Độc Lập (thành phố Hồ Chí Minh) có hình chữ Tam, gồm mái hiên lầu, bao lơn danh dự, mái hiên tiền sảnh, lập thành 3 vạch ngang song song, có khoảng cách đều nhau.
Theo quan niệm “Dân chủ hữu Tam” là làm người dân phải tu dưỡng được 3 điều:
Nhân: Nhân ái, nhân đạo, có tình thương yêu, vị tha.
Minh: Văn minh, hiểu biết, sáng suốt, có đức độ.
Vô: Không có việc gì khó, cần dũng cảm, kiên cường.
Theo “Hà đồ bát quái”, những hiện tượng tự nhiên thường gặp nhất trong cuộc sống hàng ngày là: Thiên (trời), Địa (đất), Lôi (sấm), Phong (gió), Thuỷ (nước), Hoả (lửa), Sơn (núi), Trạch (đầm hồ), dùng Hào biểu thị âm Dương, chồng xếp lên nhau tạo thành Bát quái, tượng trưng 8 hiện tượng kể trên. Chữ Tam có 3 vạch ngang, viết đúng như tượng Càn, với nghĩa là trời, là cha, là đầu, là vua, là ngọc, là vàng, là màu đỏ, có 3 vạch Dương song song theo chiều ngang. Để tránh hiểu chữ Càn thành càn bậy, càn quấy, theo nghĩa tiếng Việt, người ta đọc thành Kiền cho đỡ phải giải thích. Lấy chứng minh bằng tên vua nhà thanh là Càn Long, với nghĩa đẹp vua Rồng, hoặc Cường thịnh tột đỉnh. ở Bình Xuyên có làng Càn San , với nghĩa núi cao tới trời. Như vậy, chữ Tam có tượng là Càn, đứng đầu trong bát quái, nghĩa chủ yếu là Trời.
Hai chữ Tam đứng liền nhau, giống như tượng Khôn trong Bát quái. Khôn với nghĩa là Đất, là Mẹ, là Bụng, là Vải, là số đông, có 6 vạch ngang ngắn, đối nhau và song song với nhau. Như vậy, chữ Tam còn có tượng là Khôn, đứng thứ 2 trong bát quái, nghĩa chủ yếu là Đất. Trời và đất là Lưỡng nghi. Chữ Tam có hình tượng cả Trời và đất. Vạch ngang thứ nhất là Trời, vạch ngang thứ 2 là khoảng giữa có người và muôn vật, vạch ngang thứ ba là đất. Xem đó, chữ Tam có ý nghĩa sâu sắc lắm. Nhiều làng xã ở Vĩnh Phúc đã lấy chữ Tam đặt lên đầu làm danh xưng, như Tam Canh, Tam Hợp, Tam Lộng, Tam Dân (Bình Xuyên), Tam Sơn (Lập Thạch), Tam Phúc (Vĩnh Tường), Tam Hồng (Yên Lạc), Tam Đồng (Mê Linh), Tam Quan, Tam Đới, Tam Đảo (Tam Dương), Tam Giang (ngã ba Vam - Nam Viêm).
Hiểu như thế, ta mới biết, từ xưa đến nay, mọi người đều trân trọng chữ Tam, yêu thích chữ Tam, cầu chúc cho nhau được Tam Đa: Phúc, Lộc, Thọ; đạt Tam Đức: Nhân, Trí, Dũng; hiểu đạo lý Tam Giáo: Nho, Phật, Lão; chiếm được Tam Khôi: Trạng nguyên, bảng nhỡn, Thám hoa, noi gương Tam Kiệt: Lưu, Quan, Trương; một ngày tam tỉnh bản thân, biết suy xét để phê bình và tự phê bình. Con gái biết Tam Tòng. Con trai giữ được Tam Cương. Trong cuộc sống, tránh được Tam Tai: Hoả, Phong, Thuỷ. Về trí tuệ không vướng mắc Tam sao thất bản, chia rẽ Tam quyền phân lập; đi đâu cũng cần có Tam nhân đồng hành.
Tự thân chữ Tam đã chứa đựng chữ Dương rồi. Theo kinh dịch thì hai vạch dài gọi là Thái Dương, thêm một vạch nữa thành chữ Tam, bao hàm cả Càn và Khôn, Trời và Đất, cha và Mẹ, âm và dương. Mùa xuân là Thiếu Dương, dương khí mới sinh. Hạ là lão Dương, Dương khí đang thịnh. Thu là Thiếu âm, âm khí mới sinh. Đông là lão âm, âm khí đã đầy. Chữ Tam thu nạp được cả âm - Dương, hai loại khí căn bản nhất. Vậy chữ Tam không hẳn đơn thuần là số 3 hay thứ 3.
Chữ Dương:
Trong Hán tự, chữ Dương có tới 16 dạng khác nhau, chứa đựng ý nghĩa khác nhau. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là các chữ mang nghĩa thông dụng như: Mặt trời, Khí Dương, Biển cả, Cây liễu, Con Dê, Bay lên... Nói về bốn mùa thì Xuân là Dương, bắt đầu từ tháng Dần, lấy giờ Sửu là giới hạn của khí Dương.
Theo “Lục thư”, chữ Dương trong Tam Dương có bộ Phụ đứng bên trái, hàm nghĩa: Núi đất, thịnh vượng, to lớn, giàu có. Bên phải, ở trên là chữ Đán nghĩa là Sớm, ở dưới là chữ Vật nghĩa là Chớ. Gộp cả 3 bộ phận lại thành chữ Dương, với nghĩa:
“Mặt trời lên khỏi đỉnh đồi, vào lúc tảng sáng, không quá sớm, đã có khí dương đầm ấm”.
Xét về chữ Đán lại thấy chữ Nhật là Mặt Trời đặt trên chữ Nhất là số 1, là thứ nhất, lại có tượng là Mặt đất. Như vậy Đán có nghĩa là mặt trời vừa nhô khỏi mặt đất mới được một lát, mang nội hàm “ Còn Sớm”, là “Trẻ mãi không già”.
Cùng trong bộ phụ mang nghĩa Gò Đồi, ta có chữ A là gò lớn, chữ Đà là đất gập ghềnh, Trở là nơi núi đồi trập trùng, Pha là thế đất vênh, Lũng là nơi dải đất chân đồi
Chữ Dương nằm trong bộ Phụ, chỉ miền đất có gò đồi. Chữ Dương viết giản thể, có chữ Nhật bên bộ Phụ, là vùng Gò đồi chứa chan ánh nắng. Còn chữ Nhật, cùng với chữ Tảo cùng nghĩa với chữ Đán là sớm, có chữ Vượng là sáng sủa, tốt đẹp, chữ Thăng là mặt trời mới mọc, chữ Hạo là trời xanh, chữ Xương là no ấm, chữ Minh là sáng suốt, chữ ánh là tia nắng.
Như vậy, chữ Dương mang nghĩa rất đẹp, là phần Dương, khí Dương, được ví như mặt trời, nên Mạnh Tử đã nói: “Dương dĩ bộc chi”, mặt trời toả nắng xuống. Hướng Bắc và Hướng Nam đều gọi là Dương, bởi thế có câu: “Thiên tử đương dương”, vua ngồi quay về hướng nam, hoặc nói “Hán Dương” có nghĩa là phía Bắc sông Hán. Dương có nghĩa là màu đỏ, nói Tử Dương có nghĩa là Đỏ tía, rất mực hăng hái, sôi nổi, giàu tinh thần cách mạng và niềm trung thành vô hạn.
Nghiên cứu chữ Dương theo lối triết tự như vậy, không tìm thấy một nghĩa nào hư, xấu, phỉ báng, mà chỉ toàn nghĩa tươi đẹp, sáng sủa, ấm áp, thịnh vượng.
Cả hai chữ Tam Dương
Chữ Tam, chữ Dương tách rời đã đẹp, nay ghép lại càng đẹp hơn, Tam Dương là Ba ngày xuân mới, Ba điều tốt lành, Ba tháng năm ấm. Tam Dương là 3 điều hạnh ngộ: Thiên thời, địa lợi, Nhân hoà. Gặp một điều đã quý, gặp cả 3 điều: Thời cơ (trời), Thế đất, Lòng dân thì còn gì quý cho bằng, công việc trù liệu nhất định sẽ thắng lợi.
Trong nông nghiệp, đến lúc thu hoạch, người làm ruộng chỉ cần được 3 ngày nắng đã là tuyệt vời rồi! Tam Dương còn có nghĩa là ba hướng phát triển: có thể xẻ núi, bạt đồi, xây dựng công nghiệp và khu du lịch, mở rộng lâm nghiệp, có thể xuống sông, đắp đập, ngăn hồ, khai thác thuỷ sản, có thể đầu tư kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu, tận dụng thung lũng, đồng bằng, tăng cường chăn nuôi, trồng trọt, làm nên 3 thế mạnh: Công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Ngày xuân, theo phong tục xưa, người ta viết lên giấy hồng điều 4 chữ đại tự “Tam Dương khai thái” với nghĩa “ba tháng ấm áp mở ra một năm thịnh đạt” để đối với vế hoạ “ngũ phúc lâm môn” nghĩa là “5 điều may mắn đến nhà”, mang nội dung: Phú (giàu), Quý (sang), Thọ (sống lâu), Khang (mạnh khoẻ), Ninh (yên ổn). Lời cầu chúc thể hiện ý tưởng “Quốc thái dân an”, “Thiên hạ thái bình”, mọi người thi đua bước vào thời kỳ mới; xã hội yên vui, kinh tế tăng trưởng, cuộc sống lành mạnh, điều hạnh phúc thay thế nỗi khổ đau, chấm dứt cái đói, cái nghèo, để khắp nơi ca múa. Như vậy biểu thị “vận bĩ vừa hết, vận thái vừa đến” không còn “tai, ương, chướng, hoạ” nữa. Thời kỳ hội nhập này, hai chữ “ Tam Dương “ mở ra một triển vọng: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Trên đây là những ý kiến đơn thuần về chữ nghĩa, mang nội hàm lịch sử và văn hoá, phủ nhận cách dịch “ Tam Dương là Ba con dê”, nâng cao ý thức tự tôn, tự cường của một dân tộc biết lễ nghĩa, có học vấn, hiểu thế nào là nghiêm túc, tránh cười cợt, hài hước những cái gì đáng biểu dương, kính trọng. Địa danh của một vùng phải xác định cho rõ ràng, tránh hồ đồ, có thế mới thực hiện được lời dạy của Đảng: “giữ gìn truyền thống văn hóa, thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc”.
Biết rõ nội hàm và nội diện của một địa danh, cũng là thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Chúng ta biết kế thừa, tiếp nhận những cái gì tổ tiên để lại với tinh thần trân trọng, có chọn lọc, góp phần tạo điều kiện xây dựng cuộc sống bao đời của dân tộc, thể hiện sự tồn tại của lịch sử, nét đẹp văn hoá của đất nước.
Tiếp nhận quá khứ với tinh thần “hậu sinh khả uý”, khiêm tốn, không bảo thủ, để làm đẹp hiện tại, hướng tới tương lai tươi sáng. Biết giữ lấy nền móng, nguồn gốc, là một phẩm chất cách mạng. Những cái tên từ thuở sơ sinh, chị cún, anh tít, em bi có gì đáng xấu hổ? Chúng là tất cả kỷ niệm, là ký ức, là lịch sử, mỗi khi nhắc đến càng thêm xúc động, mến yêu và ghi nhớ.
Cái tên Tam Dương vẫn là cái tên đẹp, chẳng bao giờ cũ kỹ.
ST