Gà già có công dụng khu phong, bổ huyết. Khi dùng gà già để làm thức ăn phòng chữa bệnh thì dùng thịt gà mái già, không dùng gà trống.
Gà mái già có sớ thịt to, dai, xương cứng cho nên nếu nói về làm món ăn, tất nhiên thịt gà già không thể so sánh được với gà tơ. Nhưng nếu dùng để làm thức ăn chữa bệnh và tẩm bổ cho người sức khỏe kém sút, nhất là người bao tử lạnh và có nhiều phong hoặc người vì yếu quá cơ thể không thể tiếp nhận được chất bổ dưỡng, gà già lại hơn hẳn gà tơ.
Những công dụng
Dựa vào kinh nghiệm của người xưa, gà mái càng già thì công dụng khu phong bổ huyết càng tốt. Gà mái già nói chung thường gầy, ít mỡ, nhưng chất vôi lại nhiều. Dùng lửa nhỏ hầm lâu, sẽ rất thích hợp để bồi bổ cho người bị thiếu máu và tiêu hóa kém. Phụ nữ sau khi sinh, dùng nó làm thức ăn bồi bổ, sẽ được hồi phục nhanh về cả 2 mặt tinh thần và thể lực.
Gà mái càng già càng bổ
Cách hầm gà mái già: để bổ dưỡng cho sản phụ như sau: mua một con gà mái già, mập (gầy cũng được) càng già càng tốt, làm sạch, không lấy lòng, đầu và chân (để làm việc khác). Thêm vào nồi đó mấy lượng gừng già, đổ nhiều nước, nấu liên tục từ ba tới bốn tiếng đồng hồ, rồi chắt lấy nước gà và vớt bỏ tất cả lớp mỡ nổi trên mặt, muối nêm cho vừa, uống hết nước hầm đó.
Người sản phụ uống được mươi lần thứ nước hầm gà nói trên, chẳng những tinh thần và thể lực đều nhanh bình phục, mà còn dự phòng được phong tật sau khi sinh.
Gà mái già hầm, chẳng những bổ huyết khu phong cho sản phụ, mà còn bồi bổ cho người thân thể suy nhược cứ gió bấc vừa thổi là tay chân lạnh ngắt, da mặt vàng tái, hễ ngồi xuống đứng dậy là chóng mặt, mắt hoa. Nếu dùng gà mái già hầm làm thức ăn trị liệu, sẽ có hiệu quả rất tốt.
Phụ nữ sau khi sinh, dùng nước hầm gà làm thức ăn bồi bổ, sẽ được hồi phục nhanh
Phối chế
Nếu dùng gà mái già để làm thức ăn trị liệu có 3 cách phối chế sau đây:
Phụ nữ sau khi sinh, dùng gà mái già làm món ăn trị liệu, phối hợp với gừng già để hầm. Sản phụ sức yếu, phong nhiều, phải chú ý đề phòng “phong tật”. Công dụng khu phong tán hàn của gừng già thì ta đã biết từ lâu. Người có gốc hàn, cũng nên phối hợp với gừng già để làm thức ăn.
Nếu người có gốc nhiệt, sau một cơn bệnh nặng, muốn hầm gà mái già để tẩm bổ trở lại, thì không nên phối hợp với gừng, mà có thể dùng ngọc trúc nấu với gà. Mỗi lần dùng ngọc trúc hai lượng cũng không sao. Ngọc trúc nhuận tâm, nhuận phổi, điều hòa tỳ vị, chỉ phong khát, không hàn, không táo. Người thân thể có phiền táo, hư nhiệt, dùng làm món ăn trị liệu đó rất thích hợp.
Người âm hư phổi yếu hoặc bị bệnh lao phổi, cũng có thể dùng món gà mái già hầm để bồi bổ cơ thể. Chẳng những có thể dùng gừng hoặc ngọc trúc cũng được, mà còn có thể dùng đông trùng hạ thảo. Vì đông trùng hạ thảo có công hiệu hóa đàm; chỉ khát, tư âm, tráng nguyên. Chỉ cần lưu ý: khi bị cảm sốt thì không nên dùng.
Một số công thức
Cháo gà mái hạt kê vàng - bổ hư an thai thích hợp với người bị sảy thai tập quán: gà mái già 1 con, hạt kê vàng vỏ đỏ vừa đủ. Gà làm sạch bỏ nội tạng, thái thành từng miếng bỏ vào nồi, cho nước vừa phải đem đun. Lúc đầu đun lửa to, hớt bọt nổi trên mặt nước, sau đun lửa nhỏ dần làm cho gà mềm nhừ rồi cho kê đã đãi sạch vào nấu cùng thành cháo.
Gà hầm đậu đen, đương quy - bổ huyết dưỡng nhan, khu phong tán hàn: nếu dùng thường xuyên có thể bổ huyết cường lực, đen tóc, tăng cường sức đề kháng, thân thể hư nhược, khí huyết bất túc, tay chân hàn lạnh, tóc bạc sớm, lông tóc rơi rụng, chóng mặt, hoa mắt, tim hồi hộp, mất ngủ, tinh thần bất ổn, sắc mặt trắng nhạt, có thể dùng món canh này để thực dưỡng: gà (già) 1 con, đương quy đầu 1 lượng, đậu đen 2 lượng, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 2 lát. Đậu đen bỏ vào chảo, không cần dầu mỡ, rang đến khi đậu nứt ra, lại dùng nước rửa sạch, để ráo. Gà giết mổ, rửa sạch, bỏ lông và rửa sạch nội tạng, bỏ mỡ. Táo đỏ và đương quy đầu, gừng tươi dùng nước rửa sạch, xắt lát. Táo đỏ bỏ hột, gừng tươi cạo vỏ, xắt lát. Cho nước vào nồi với lửa lớn nấu sôi, bỏ tất cả các thành phần trên vào, chờ nước sôi lại, dùng lửa vừa hầm 3 giờ đồng hồ, nêm muối nhuyễn và gia vị, có thể dùng.
Canh gà mái già - giúp kích thích sữa tiết ra rất thích hợp với những phụ nữ sau khi sinh: gà mái già làm sạch 1 con (khoảng 1.500g), sườn heo 2 miếng, hành cắt đoạn, gừng lát, rượu, muối, bột ngọt với lượng thích hợp: gà và sườn heo rửa sạch, trụng qua nước sôi, cùng bỏ vào nồi, gia nước, hành, gừng, rượu, muối đun sôi xong hạ lửa nhỏ hầm khoảng 3 tiếng, đến khi thịt gà lóc ra khỏi xương nêm bột ngọt là có thể hạ xuống.
Canh gà thập toàn - bổ huyết ích khí, tăng tủy, làm cơ thể khỏe mạnh: gà mái già 1 con, đẳng sâm 5g, hoàng kỳ 5g, phục linh 5g, nhục quế 2g, bạch truật sao 5g, đương quy 7,5g, cam thảo cứu 2,5g, xuyên khung 3g, thục địa 7,5g, bạch thược 5g, xương lợn 750g, gừng, hành, rượu, mì chính, một lượng vừa đủ. Đem các vị thuốc trên cho vào 1 túi bằng lụa tơ tằm buộc lại. Bóp chết gà, nhổ lông, bỏ nội tạng, đập nhỏ các xương tạp. Dùng mặt dao đập dập gừng, thái hành. Đặt thịt gà, túi thuốc, xương tạp vào xoong nhôm, đổ nước đun cho sôi, vớt bỏ bọt nổi, gia hành, gừng, rượu. Tiếp đó đun nhỏ lửa cho chín nhừ là được. Bỏ túi thuốc không dùng. Vớt thịt gà, thịt lợn, thái miếng, lại cho vào xoong đun tiếp cho sôi, cho thêm chút muối, mì chính là có thể ăn. Ăn nóng, khi ăn bỏ bã thuốc. Ba ngày ăn 1 tễ, 10 tễ là một liệu trình.
Gà mái già trị nhọt độc chảy nước, phụ nhọt xương: 1 con gà mái già, nấu hoặc hầm ăn. Phương thuốc này được lưu truyền rộng rãi, đã dùng điều trị 6 bệnh nhân, hiệu quả rất tốt.
BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG
Theo suckhoedoisong.vn