Nói đến người dân Tứ Trưng (dân gian xưa vẫn gọi với cái tên thân mật- kẻ Rưng), có lẽ nhiều người sẽ biết đến bởi ở đây có lễ hội Rưng và nghệ thuật hát Vè nổi tiếng. Cho đến nay, không chỉ có người dân Tứ Trưng mà nhân dân nhiều nơi khác vẫn không quên câu ca “Bỏ con, bỏ cháu, không ai bỏ mồng sáu hội Rưng”. Đã có nhiều học giả quan tâm nghiên cứu về Lễ hội Rưng từ các góc độ văn hóa, lịch sử,…song, tiếp cận lễ hội Rưng qua những bài Vè cổ của người dân kẻ Rưng xưa thì ít ai đề cập đến. Qua bài Vè cổ do cụ Nguyễn Thị Thuận (84 tuổi) ở thị trấn Tứ Trưng còn lưu giữ được, bài viết sau sẽ tìm hiểu lễ hội Rưng xưa từ một cách tiếp cận mới.
Vè là thể loại tự sự dân gian có hình thức văn vần, giàu tính thời sự, phản ánh kịp thời các sự kiện xảy ra trong làng, trong nước, thể hiện thái độ khen, chê một cách tinh tế, sâu sắc của nhân dân. Theo bản kê di sản văn hóa phi vật thể huyện Vĩnh Tường năm 2012 của Ban quản lý di tích tỉnh thì ở Thị trấn Tứ Trưng xưa vốn có nghệ thuật dân gian hát Vè nổi tiếng. Do những biến thiên của lịch sử, đến nay, các bài Vè cổ của người dân kẻ Rưng hầu như không còn lưu giữ được, thậm chí, nhiều cụ cao niên ở đây khi được hỏi về hát Vè cũng chỉ nhớ được vài câu qua truyền khẩu. Để thu thập những nguồn tư liệu về nghệ thuật Vè truyền thống, chúng tôi đã tiến hành điền dã tại các thôn của Thị trấn Tứ Trưng. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, ở đây chỉ còn một bài Vè cổ có tên là “Lịch sử xã Tứ Trưng” do cụ Nguyễn Thị Thuận, 84 tuổi ở khu 6 còn lưu giữ được. Bài Vè gồm có 115 câu được viết theo thể văn vần lục bát, song thất lục bát và có giá trị như cuốn “Biên niên sử” phản ánh một cách tổng quát về lịch sử, văn hóa, con người, phong cảnh, lễ hội,…của Thị trấn Tứ Trưng xưa. Đối với lễ hội Rưng, bài Vè có tới 42 câu đề cập một cách sinh động các khía cạnh về thời gian, không gian, địa điểm tổ chức; các nghi lễ, các trò chơi, trò diễn dân gian,…có trong lễ hội, thậm chí, có những chi tiết trong lễ hội chưa có tài liệu chuyên khảo nào đề cập tới.
Cụ Nguyễn Thị Thuận và cụ Đào Văn Bình đang xem lại bài Vè “Lịch sử xã Tứ Trưng”
Giống như các lễ hội truyền thống của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội Rưng cũng được tổ chức vào mùa xuân- thời gian mà người nông dân được nghỉ ngơi, vui chơi sau mỗi chu kỳ lao động sản xuất vất vả, lam lũ.
“Tháng Giêng mồng sáu tiệc vui
Gần, xa nô nức đến chơi chợ này”
Là lễ hội dân gian đặc sắc của người dân ba làng Thế Trưng, Văn Trưng và Vĩnh Trưng, nhưng nếu căn cứ vào bài Vè cổ thì không gian văn hóa của lễ hội Rưng lại không bó hẹp trong phạm vi của ba làng mà được diễn ra trên phạm vi rộng với những nghi lễ độc đáo, mang đậm sắc thái vùng miền rõ rệt như: thỉnh kinh tại chùa Dăm thuộc xã Yên Đồng (Yên Lạc), rước đức Thánh Khổng tại chùa Đồng thuộc thôn Cẩm Viên, xã Đại Tự (Yên Lạc), rước nước tại Vực Xanh (Vũ Di)...
“Thỉnh Kinh thời tại chùa Dăm
Rước đức Thánh Khổng chùa Đồng ba anh
Rước nước thời tại vực Xanh
Nghinh Thánh về đình, vui thật là vui”
Qua những câu Vè trên, chúng ta có thể thấy rõ những nét độc đáo của lễ hội Rưng mà không phải lễ hội truyền thống nào cũng có, đó là, ngoài không gian tổ chức tại đình, chùa, lễ hội còn được tổ chức tại chốn chợ quê (chợ Rưng). Có một sự trùng hợp nhẫu nhiên là lễ hội Rưng bắt đầu vào ngày mồng sáu tháng Giêng cũng là ngày diễn ra phiên chợ Rưng đầu tiên của năm sau mấy ngày nghỉ tết. Theo quan niệm dân gian: đi phiên chợ đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, hoàn toàn không vì mục đích buôn- bán mà quan trọng hơn là đi “mua” lấy cái may mắn, cái lộc, cái phúc cho cả năm. Chính vì thế, lễ hội Rưng đã có sức cuốn hút đông đảo các thành phần cư dân tham gia bao gồm: Nông dân, thợ thủ công và người buôn bán. Không chỉ ở Tứ Trưng mà người dân ở tứ xứ cũng đổ dồn về trẩy hội.
“Người xuôi, ngược Đông Tây kéo đến
Khách vãng lai hàng quán nghỉ ngơi”
Chợ Rưng- không gian tổ chức lễ hội Rưng xưa
Vì không phải người dân địa phương, lại có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều không gian văn hóa khác nhau, cho nên, những người buôn bán tứ xứ đã đem đến và tạo cho lễ hội Rưng sự giao thoa, đa dạng về sắc màu văn hóa. Mặc dù có sự đa dạng về sắc thái văn hóa, nhưng đứng ở góc độ văn hóa mà xét thì nó vẫn là lễ hội của cư dân nông nghiệp.
Đối với cư dân làm nông nghiệp, các yếu tố tự nhiên như: nước, nắng,…trở nên rất quan trọng. Bởi thế, trong các lễ hội truyền thống của mình, người dân thường có nghi thức rước nước với mục đích để tắm tượng thần, rửa đồ tế khí và đây cũng là hình thức để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng hòa cốc, quốc thái dân an. Nước được người dân lấy để thực hiện nghi thức cúng tế chủ yếu từ hai nguồn: nước sông Hồng (với các xã vùng bãi) và nước giếng làng (với các xã trong đê). Tuy nhiên, trong lễ hội Rưng, người dân Tứ Trưng không lấy từ nguồn nước sông, nước giếng làng như các lễ hội truyền thống khác mà “Rước nước thời tại vực Xanh” để thực hành nghi lễ cúng tế. Phải chăng, đây chính là biểu hiện sinh động của sự giao thoa văn hóa trong lễ hội Rưng?
Nghi thức rước nước sông Hồng trong lễ hội dân gian truyền thống
Trong những lễ hội dân gian bao giờ cũng có hai yếu tố quan trọng, đó là phần lễ và phần hội. Sau phần lễ với các nghi thức quan trọng là đến phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn, nghệ thuật dân gian đặc sắc. Phần hội chính là yếu tố được người dân mong chờ nhất. Bởi lẽ, trong phần hội, dường như mọi mong muốn của con người bấy lâu hằng ấp ủ được thỏa mãn, mọi tài năng mà họ không có cơ hội thi thố thì nay được thả sức bộc lộ để quên đi tất cả mọi lo toan, vất vả, lam lũ của cuộc sống đời thường. Chẳng thế mà nhân dân Tứ Trưng vẫn thường nhắc nhau: “Bỏ con, bỏ cháu, không ai bỏ mồng sáu hội Rưng”. Khi tìm hiểu bài Vè, chúng tôi thấy, các trò chơi, trò diễn, nghệ thuật dân gian có trong lễ hội Rưng là rất phong phú, đa dạng và được phản ánh chi tiết qua đoạn Vè sau:
“Dưới trò vè các nghệ bày ra
Nhà trò hàng huyện xướng ca
Đôi bên hàng sứ vào ra đánh cờ
Đôi bên tàn quạt phất phơ
Bốn bề đào đỏ tranh đua chơi bời
Trai tráng lực thi bơi thuyền ván
Gái đương thì tranh giún đu đôi
Trên cầu quan hội ngồi chơi
Dưới đường kinh kệ các nơi cúng giàng
Từ chợ cho chí tới làng
Tổ tôm, tam cúc đánh dàn cung mây
Nơi thì đào đọt hát hay
Nơi thì chèo đuộm leo dây om thòm
....Ở trên thì đánh cờ người
Ở giữa giải vật xem trai cứng mềm
Người xem như thể đóng nêm
Trên đình như thể quan tiền chuỗi khuy
Ầm ầm trống đánh giục đi
Lúa xay, lợn thả cơm thi ầm ầm
Người sang lấy lửa bên đầm
Người thời đánh cá, người đâm bánh dầy
Người thời giò lụa khéo thay
Người pha đường bột, người hay xôi mùi
Người thi cơm đuốc dong chơi
Trống giục cho chóng đoạn thời tiến lên”
Đến đây, có lẽ chúng ta không cần phân tích nhiều, giải thích kỹ về các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội. Chỉ cần đọc những câu Vè giản dị, dễ nghe, dễ thuộc của người dân kẻ Rưng thôi thì bất cứ ai cũng có thể hình dung, cảm nhận được cái âm thanh háo hức, rộn ràng của tiếng chày giã gạo, giã bột làm bánh; cái hương vị thơm phức của giò lụa, xôi nếp, bánh dày; cái màu sắc của các loại cờ xí; cái “hồn cốt” văn hóa cộng đồng có trong lễ hội Rưng. Tất cả được đan quện vào nhau để tạo thành một bức tranh lễ hội muôn màu được kết tinh bằng ngôn ngữ giản dị, chân chất của nghệ thuật Vè truyền thống. Giá trị và ý nghĩa của nghệ thuật dân gian hát Vè là thế. Nếu đi sâu vào tìm hiểu, chúng ta thấy, giá trị của hát Vè ở Tứ Trưng xưa không chỉ dừng lại ở tính thời sự mà nó còn có khả năng lưu giữ và tạo nên sức sống mãnh liệt cho văn hóa làng xã cổ truyền trước sự phong hóa và sàng lọc nghiệt ngã của thời gian để tồn tại đến ngày nay.
Trò chơi bắt trạch trong chum có trong lễ hội Rưng
Tiếc rằng, do thử thách của thời gian, sự biến thiên của lịch sử, đến nay, những bài Vè cổ- nguồn tri thức dân gian quý giá của người dân Tứ Trưng không còn lưu giữ được nhiều. Mặt khác, những người am tường, tâm huyết với nghệ thuật Vè ở Thị trấn Tứ Trưng như cụ Thuận, cụ Bình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo dòng chảy của thời gian, tuổi của các cụ ngày càng cao, còn sức lực và trí nhớ ngày một giảm, cho nên, nguy cơ mai một của hát Vè là rất lớn. Thực tế này đã nhắc nhở những nhà làm quản lý văn hóa, nhất là người dân Tứ Trưng phải biết trân trọng và có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn, gìn giữ, phát huy, lưu truyền nghệ thuật hát Vè- di sản vô giá của ông cha cho muôn đời sau./.
ST