Nhớ lại khoảnh khắc cầm trên tay cốc nước lọc đầu tiên từ nước biển tại đảo Trường Sa Đông, anh Trần Vũ Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Trí thức trẻ Hà Nội, không giấu nổi hạnh phúc. Bắt đầu bằng việc thiết kế máy lọc nước nhằm khắc phục khó khăn đối với các chiến sĩ tại Trường Sa, anh giờ mắc duyên nợ với vùng khát, vùng hạn mặn, với những chuyến đi san sẻ những giọt nước quý báu cho đồng bào.
Hệ thống lọc nước ngọt đã được lắp đặt tại đảo Trường Sa Đông. Ảnh: CLB Trí thức trẻ Hà Nội
Năm 2014, theo hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, anh Thành tới thăm quần đảo Trường Sa. Chuyến đi đúng vào thời điểm mùa khô, nước ngọt vô cùng quý giá với các chiến sĩ trên đảo. Sau hành trình, với vai trò là Chủ tịch CLB Trí thức trẻ Hà Nội, anh đã kêu gọi các thành viên trong CLB bắt tay thiết kế máy lọc nước. Anh chia sẻ: “Chúng tôi không phải là những người đầu tiên đưa ra ý tưởng lọc nước biển thành nước ngọt cho Trường Sa. Nhiều người đã thực hiện và thất bại. Thời điểm đó công nghệ chưa có nên anh em cùng ngồi lại tìm giải pháp, từ nghiên cứu thiết bị, thiết kế phần mềm để sáng chế ra máy”.
Với sự chung tay giúp sức của các thành viên, chiếc máy lọc nước có ký hiệu NT-30 vận chuyển ra đảo Trường Sa Đông vào tháng 5-2015. “Sau khi lắp xong, anh em chia nhau cốc nước uống luôn tại chỗ mà nhiều người không tin đó là sự thật. Máy sử dụng công nghệ lọc thẩm thấu ngược (RO) hiện đại, đã qua nhiều lần thử nghiệm và kiểm tra”, anh Thành cho biết.
Sau khi thí điểm thành công, Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục đề nghị CLB Trí thức trẻ Hà Nội thiết kế một máy lọc nước cho đảo An Bang. Anh Thành cho biết, phần thiết kế đã được cải tiến để tăng tuổi thọ máy và với công suất lên 2.000 lít/ngày, chỉ chờ đủ điều kiện để lắp đặt. Ngoài việc sáng chế máy, trong chuyến ra đảo vừa qua anh còn triển khai thí điểm công nghệ vi sinh xử lý môi trường cho các đảo Trường Sa.
Trong những hành trình ra Trường Sa, anh Thành cũng chụp được cho mình những bức ảnh đẹp về chiến sĩ và cuộc sống trên đảo. Tìm kiếm sự đồng tình của những thành viên luôn nặng lòng với đảo xa đang sinh hoạt trong CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, anh đã cùng mọi người thực hiện bộ bưu thiếp “Sắc mầu Trường Sa”, triển lãm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” (cuối năm 2016) để gây quỹ cho các hoạt động vì biển đảo.
Dường như có mối duyên nợ với những mảnh đất khát, anh không thể làm ngơ với những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn. Chứng kiến và nghe những câu chuyện về những gia đình nghèo tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải mua từng can nước để uống, sinh hoạt dùng nhiều nước lợ, nước nhiễm phèn nhiều hơn nước ngọt, trẻ em không tới trường, anh đã bắt đầu hành trình mang nước ngọt tới vùng Tây Nam Bộ.
Công trình đầu tiên anh làm tại đây dành tặng cho mẹ Mười - một gia đình chính sách ở Bình Thắng, Bình Đại, Bến Tre. Với điều kiện không khắc nghiệt như ngoài đảo nên máy lọc nước cũng vận hành dễ dàng và bớt tốn kém hơn. Đến nay, đã có 12 trạm cấp nước ngọt công cộng có công suất 6.000 lít/ngày đã được lắp đặt, cấp nước ngọt miễn phí cho bà con vùng hạn mặn.
“Sống cùng những con người khô quắt vì thiếu nước, tôi mới cảm nhận rõ giá trị của nước ngọt. Bốn tháng rồi không có nước ngọt, các lu chứa đều khô cong, bong ra từng mảng rêu lớn. Nước chảy qua máy lọc, mọi người nghi ngờ hứng cốc nước, uống, rồi ngạc nhiên nói với nhau “ngọt lắm!”. Tỉnh thứ nhất, tỉnh thứ hai, đến tỉnh thứ sáu vẫn vậy, ai uống cốc nước từ máy lọc cũng nói “ngọt thiệt!”. Tôi thì biết, nước có đường đâu mà ai cũng kêu ngọt! Nhưng chỉ khi bạn sống trong môi trường toàn muối thì mới cảm nhận được cái ngọt của nước ngọt!”, anh Thành chia sẻ cảm xúc nơi mình đi qua.
Trăn trở lớn nhất của anh là làm sao kêu gọi sự tham gia của cộng đồng để cùng san sẻ khó khăn với đồng bào miền Tây Nam Bộ, bảo đảm có nước ngọt cho các trường học, trạm y tế ở các tỉnh. “Hiện các vùng có khoảng 5.000 điểm trường, trạm thì 40% trong số đó bị ảnh hưởng nước mặn. Nếu mỗi năm lắp khoảng 400 điểm thì cũng phải 5 năm mới xong, điều này cần sự chung tay của nhiều đơn vị, tổ chức cũng như tấm lòng hảo tâm”.
Chiến sĩ đảo Trường Sa Đông đón những giọt nước ngọt đầu tiên.
HIẾU HẠNH
Theo baonhandan.com.vn