Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người kinh doanh thực phẩm và nhận thức của người dân là yếu tố cần tập trung hàng đầu.
Tiêu hủy là biện pháp hàng đầu hiện nay khi mà các cơ quan chức năng khó tiến hành kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm lậu.
Những con số hàng tấn, hàng tạ thực phẩm bẩn thẩm lậu mỗi ngày, đặc biệt vào dịp cận Tết khiến người tiêu dùng phải giật mình và hoang mang lo lắng. Vậy các cơ quan chức năng kiểm soát thế nào khi không ít thực phẩm bẩn đã “lọt lưới”? Làm thế nào để người tiêu dùng xác định thực phẩm có an toàn?
Gần đến Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm cao, mối lo thực phẩm bẩn nhập lậu của người tiêu dùng càng lớn. Theo ghi nhận tại một số quán ăn trên địa bàn Quảng Ninh, rất nhiều thực phẩm như gà, cá, lòng lợn, xúc xích,… được nhập từ các nhà phân phối nhỏ lẻ mà không cần hỏi nguồn gốc vì giá “rẻ như cho”, đặc biệt là luôn sẵn hàng với số lượng cực lớn mà thị trường nội địa không thể cung cấp đủ. Hàng nhập từ Trung Quốc, qua các cơ sở chế biến đã trở nên thơm ngon, thậm chí “phù phép” thành có bao bì, nhãn mác để bán tại chợ.
Theo ngành Quản lý thị trường Quảng Ninh, thực phẩm lậu khó có thể kiểm định được chất lượng hay độ nguy hại đến sức khỏe, do đó khi bắt giữ thì tiêu hủy là biện pháp duy nhất.
Ông Nguyễn Văn Thoại, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Ninh cho biết: “Thực phẩm lậu không có kiểm dịch, không thể biết có dùng chất bảo quản, dư lượng chất kháng sinh trừ sâu, vi khuẩn sâu bệnh hay không để sử dụng. Đa phần là không an toàn. Chúng tôi tốn rất nhiều công sức để tiêu hủy, không đủ kinh phí để tiến hành kiểm tra xem có ảnh hưởng sức khỏe không”.
Quảng Ninh triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu trước, trong và sau Tết nguyên đán Đinh Dậu, trong đó nhấn mạnh tới ATVSTP.
Mặc dù là cơ quan trực tiếp kiểm soát thị trường, nhưng đơn vị cũng chỉ quản lý được phần “ngọn” khi thực phẩm đã vào đến các chợ.
Ông Phạm Hồng Sơn, Đội trưởng Đội QLTT số 3, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh đã xây dựng loại sổ truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ nơi khác đến. Nhưng qua thực tiễn cho thấy quản lý phải theo một chuỗi liên tục, phải biết thực phẩm nguồn gốc từ đâu, trang trại nào, chứ hiện nay chúng tôi chỉ có thể quản lý phần ngọn, phần vào đến chợ mà thôi”.
Ngành Công thương Quảng Ninh đã cho lắp đặt bộ test (thử nghiệm) để thử nhanh tại nhiều chợ loại 1 ở Hạ Long, Cẩm Phả với kinh phí trên 200 triệu đồng. Bằng cách này BQL các chợ có thể kiểm tra nhanh để nhận biết một số chất độc hại tồn dư trong thực phẩm như thuốc trừ sâu trong rau củ quả, urê trong thủy sản, axit vô cơ trong dấm,.. Tuy nhiên, phương pháp này có thời gian chậm và cũng chỉ áp dụng được tại chợ, dựa theo quan sát và kinh nghiệm của người dân khi “nghi ngờ” thực phẩm không an toàn. Đường đến bữa ăn của thực phẩm bẩn chưa thể chặn hoàn toàn.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh trong nhiều cuộc họp đều nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống thực phẩm bẩn ngay từ cửa ngõ, để không chỉ đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân trên địa bàn mà còn phải tránh thâm nhập sâu vào các tỉnh nội địa. Tuy nhiên, theo các đơn vị thành viên, việc xử lý còn nhiều vướng mắc.
Hiện nay, các vụ vi phạm chủ yếu xử phạt hành chính chứ rất ít khởi tố hình sự. Nguyên nhân là do trong thời gian ngắn khó có thể xác định mức độ thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Đơn cử như 5 vụ bắt giữ hàng lậu cùng ngày 10/1 với hàng tấn thực phẩm chỉ phạt hành chính cao nhất 8 triệu đồng. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận khiến các đầu nậu dễ dàng tái phạm.
Bên cạnh đó, nhiều ngành, địa phương cũng cho rằng công tác thanh kiểm tra kém vì không đủ cán bộ, quản lý chồng chéo. Tuy nhiên, trong cuộc họp về ATTP mới đây, chính Chủ tịch UBND Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long lại cho rằng phần không nhỏ là do các lực lượng, địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình, công tác phối hợp còn nhiều hạn chế. Cũng như những mặt hàng trong điểm khác, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn thẩm lậu cũng cần sự vào cuộc tập trung của ngành chức năng như Hải quan, Công an, Quản lý thị trường, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp cơ sở trong vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong một buổi trực tiếp đi kiểm tra chợ đầu mối, khẳng định: “UBND tỉnh sẽ giao công việc cụ thể cho các sở ban ngành: nông nghiệp, công thương, y tế, rà soát quy trình quản lý về hàng hóa trong chợ, đặc biệt là chợ đầu mối để tăng cường kiểm soát: từ đầu đi, đầu đến, rồi tới tay người tiêu dùng, xác định rõ quy trình như thế nào, cần siết chặt tại đâu”.
Ngành chức năng Quảng Ninh nhận định, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người kinh doanh thực phẩm và nhận thức của người dân là yếu tố cần tập trung hàng đầu. Nhiều người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua thực phẩm không nguồn gốc, dễ dãi trong lựa chọn quán cóc vỉa hè,…
Lực lượng chức năng Quảng Ninh tăng cường kiểm soát thị trường dịp Tết, nhưng vẫn chủ yếu là tại các chợ.
Ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng, Chi cục An toàn VSTP Quảng Ninh cho rằng: “Chúng ta vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền tới cả người sản xuất nông nghiệp, người kinh doanh, và người tiêu dùng, làm sao để chuyển biến ý thức của toàn xã hội, nói không với thực phẩm không an toàn và chủ động tố giác với các cơ quan chức năng”.
Dịp Tết, Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị 389 tập trung kiểm tra, “chặn đứng” thực phẩm thẩm lậu qua biên giới, liên tục thành lập các đoàn liên ngành để thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, kiên quyết tịch thu, tiêu huỷ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Đường dây nóng của các ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp cũng được duy trì để tiếp nhận thông tin phản ánh.
Tuy vậy, bên cạnh việc áp trách nhiệm với các ngành chức năng, việc người dân tự bảo vệ mình bằng cách chọn lựa các cơ sở uy tín, nâng cao kiến thức chọn thực phẩm an toàn cũng đặc biệt cần thiết để có một cái Tết an toàn, ấm áp. Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn còn dai dẳng này cần sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý./.
Theo Trường Giang/VOV.VN