Cập nhật: 16/01/2017 08:51:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong hàng ngàn lễ hội truyền thống khắp các vùng miền cả nước, một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò sản xuất nông nghiệp của các bậc quân vương xưa là lễ hội Tịch điền (có nghĩa là đích thân vua đi cày ruộng) do vua Lê Đại Hành là người khởi xướng. Trải qua hơn 1.000 năm, lễ hội này ngày nay được tái hiện ở chân núi Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, với những sá cày cùng tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng những ngày đầu năm mới.

Lịch sử ghi lại mùa xuân năm Đinh Hợi (năm 987), lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan làm lễ tế thần nông và đích thân xuống đồng cày ruộng để khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn. Kể từ đó, các triều đại sau: từ Lý, Trần, đến triều Lê, Nguyễn đều tổ chức lễ hội Tịch điền một cách thành kính, trang trọng, cầu mùa màng bội thu, khuyến khích mở mang nông trang. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.

Lễ hội Tịch điền có ý nghĩa đặc biệt. Những vị vua đức cao vọng trọng đã cởi bỏ long bào, mặc quần áo nông dân, lội ruộng xuống đồng cùng trâu cày như những lão nông. Hành động ấy không chỉ thể hiện tư tưởng “gần dân” của các bậc quân vương, hơn thế nữa là sự quan tâm, coi trọng đặc biệt với những người nông dân chân lấm tay bùn, với phát triển sản xuất nông nghiệp của nước nhà. Đối với một quốc gia có nền văn minh lúa nước hàng ngàn năm như nước ta, điều đó càng có ý nghĩa sâu sắc.

Thông điệp từ lễ hội Tịch điền cũng là lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ ngày nay, hãy nhớ đến công ơn của cha ông trong việc khai phá ruộng đồng, trồng cấy lúa ngô mà tích cực và chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp - một thế mạnh của nước nhà.

 

ST

Tệp đính kèm